Nhập quốc tịch Việt Nam nghĩa là việc được nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận là một công dân Việt Nam. Họ sẽ được hưởng các quyền và nghĩa vụ do pháp luật Việt Nam quy định. Vậy thì nhập quốc tịch Việt Nam cần trình tự và thủ tục như thế nào? Sau đây Luật sư X sẽ chia sẻ và hỗ trợ cho các bạn về vấn đề này!
Căn cứ pháp lý
- Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.
- Nghị định 16/2020/NĐ-CP.
Quốc tịch là gì?
Quốc tịch là mối quan hệ pháp lý giữa một cá nhân và một quốc gia có chủ quyền. Nếu một người có quốc tịch của một quốc gia; thì người đó được gọi là công dân của quốc gia đó. Pháp luật về quốc tịch hiện hành đã có những quy định cụ thể về điều kiện và thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam; tuy nhiên nếu bạn còn vướng mắc về vấn đề này bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ.
Ta có thể hiểu một cách căn bản rằng: quốc tịch gắn với một người kể từ khi người đó được sinh ra; trừ một số trường hợp vì những lý do nhất định có thể có sự thay đổi quốc tịch.
Một người có quốc tịch có nghĩa họ là công dân của nước mà họ mang quốc tịch. Vì vậy, nhà nước phải có quyền và nghĩa vụ nhất định đối với công dân của mình; ngược lại, công dân cũng phải có quyền và nghĩa vụ đối với nhà nước mà mình mang quốc tịch.
Quốc tịch với quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Để xác định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; trước hết, phải xác định quốc tịch của họ. Nếu như quyền và nghĩa vụ là chế định trung tâm của Luật hiến pháp về địa vị pháp lý của người công dân; thì quốc tịch là chế định có tính chất tiền đề, có ý nghĩa quyết định. Chỉ trên cơ sở đã xác định được quốc tịch của một cá nhân mới có thể xác định được rõ ràng, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ công dân của họ. Bởi lẽ không phải bất kì ai sống trên lãnh thổ một quốc gia; cũng đều là công dân của nhà nước đó. Giữa những người là công dân và những người không phải là công dân của nhà nước; có sự khác nhau căn bản về quyền và nghĩa vụ.
Đặc trưng của quốc tịch là: người có quốc tịch của một nhà nước thì được hưởng các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ do pháp luật của nhà nước đó quy định; đồng thời phải chịu sự chi phối và quản lí về mọi mặt của nhà nước. Vậy, ai là người được hưởng các quyền và nghĩa vụ công dân; ai phải chịu sự chi phối toàn diện bởi chủ quyền của một nhà nước; điều đó chỉ có thể được xác định trên cơ sở đã xác định được quốc tịch của họ.
Mối quan hệ giữa quốc tịch với các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được thể hiện rõ nét trong lịch sử phát triển của Nhà nước ta. Khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập; nhân dân ta từ chỗ mất nước đã trở thành công dân của một Nhà nước độc lập, có chủ quyền; từ chỗ không có chút quyền nào đến chỗ có quyền làm chủ đất nước. Vị trí làm chủ đó ngày càng được hoàn thiện và củng cố; cùng với sự hoàn thiện và củng cố của Nhà nước ta. Các quyền và nghĩa vụ công dân ngày càng được mở rộng và bảo đảm chắc chắn; đi đôi với sự tăng cường và mở rộng cơ sở chính trị, kinh tế, xã hội của chế độ nhà nước ta.
Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ngày càng được phát triển; nó thể hiện bằng sự nỗ lực hoạt động của cả Nhà nước lẫn công dân vì sự nghiệp chung.
Như vậy, mối quan hệ giữa quốc tịch và các quyền, nghĩa vụ của công dân cho thấy rằng; thông qua cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chống áp bức, bóc lột nhằm xây dựng chế độ mới dân chủ; công dân Nhà nước ta đã trở thành chủ thể của các quan hệ xã hội. Trên cơ sở đó; công dân nước ta có điều kiện để phát triển cá nhân mình một cách toàn diện; trở thành người chủ thật sự của đất nước.
Quy định pháp luật về điều kiện và thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam
Điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam
Điều kiện cơ bản
Theo điều 19 Luật Quốc tịch 2008 và sửa đổi bổ sung bởi Điều 7 Nghị định 16/2020/NĐ-CP quy định; th ìđiều kiện để một công dân được nhập quốc tịch Việt Nam bao gồm:
Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam; nếu có đủ các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
- Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam. Điều này được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó;
- Đang thường trú ở Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam và được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú. Thời gian thường trú tại Việt Nam được tính từ ngày người xin nhập quốc tịch Việt Nam được cấp thẻ thường trú;
- Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam. Khả năng này được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người xin nhập quốc tịch Việt Nam; hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 2 Luật Quốc tịch 2008 còn quy định:
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện về ngôn ngữ, thường trú và khả năng đảm bảo cuộc sống; nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trường hợp người xin nhập Quốc tịch Việt Nam muốn giữ Quốc tịch nước ngoài
Theo quy định của Luật Quốc tịch; người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, những người là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; hoặc có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; hoặc có lợi cho Nhà nước Việt Nam trong trường hợp đặc biệt, có thể không phải thôi quốc tịch nước ngoài, nếu được Chủ tịch nước cho phép.
Ngoài ra người xin nhập Quốc tịch cần đáp ứng 1 số điều kiện sau:
- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn.
- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam; nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Quốc tịch của con chưa thành niên khi mẹ thay đổi Quốc tịch
Ta có tại khoản 1 điều 35 Luật Quốc tịch 2008 quy định về quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam:
“Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ.”
Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam
Thành phần hồ sơ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật quốc tịch 2008 và Điều 10 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, gồm:
- Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn;
- Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên; hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con;
- Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam (theo mẫu);
- Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu; hoặc những giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch nước ngoài của người đó;
- Bản khai lý lịch;
- Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam. Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
Số lượng hồ sơ
Số lượng hồ sơ sẽ là 03 bộ.
Thực hiện thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam
Nộp hồ sơ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật quốc tịch 2008; Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú:
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú.
- Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì Sở Tư pháp tiếp nhận và cấp cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ hoặc không hợp lệ thì Sở Tư pháp thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Trình tự, thời hạn giải quyết
- Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam. Thời hạn: 05 ngày làm việc; kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người xin nhập quốc tịch.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc; kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp: trong thời hạn 10 ngày.
- Bộ Tư pháp kiểm tra lại hồ sơ của người xin nhập quốc tịch Việt Nam; nếu xét thấy họ có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định trong thời hạn 20 ngày.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc đồng ý hay từ chối việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho người có yêu cầu.
Ngoài ra, tại Điều 22 Luật quốc tịch 2008 còn quy định cho phép trường hợp người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định.
Trên đây là toàn bộ thông tin mà Luật sư X chia sẻ cho các bạn về vấn đề nhập Quốc tịch Việt Nam.
Mong rằng bài viết hữu ích với độc giả!
Nếu các bạn còn thắc mắc và mong muốn được tư vấn cụ thể về vấn đề trên; xin hãy liên lạc với chúng tôi qua hotline: 0936289102.
Xem thêm: Từ 1/7/2021, đi học và làm ăn xa cần làm gì để không bị xóa hộ khẩu?