Bảo hiểm xã hội là một trong những bảo hiểm quan trọng nhất mà người lao động cần quan tâm. Khi người lao động bị giảm sút hoặc mất thu nhập do những trường hợp như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc mất thì bảo hiểm xã hội sẽ bù đắp hoặc thay thế phần thu nhập đó. Người lao động đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng lương hưu khi hết độ tuổi lao động. Vậy, tính lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện như thế nào? Hãy cũng Luật sư X tìm hiểu qua bài viết Cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2022 nhé!
Căn cứ pháp lý
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Theo đó, việc tham gia loại hình bảo hiểm này là hoàn toàn tự nguyện, người lao động có thể lựa chọn tham gia hoặc không tham gia.
Căn cứ khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện
Khoản 2 Điều 4 Luật BHXH năm 2014 quy định:
“2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.“
Có thể thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi do không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Tuy nhiên, nếu muốn nhận lương hưu khi về già để có chỗ dựa kinh tế, người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc vẫn nên tham gia BHXH tự nguyện.
Hiên nay, nhiều người lao động sau khi ngừng đóng BHXH bắt buộc đã quyết định rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên với thời gian đóng BHXH ngắn do đó mà mức hưởng sẽ rất thấp và người lao động sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi khi nhận BHXH 1 lần sớm.
Để tăng tối đa mức hưởng BHXH 1 lần, người dân sau khi ngừng đóng bảo hiểm bắt buộc có thể tham gia BHXH tự nguyện để tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội và được hưởng BHXH 1 lần ở mức cao hơn bằng cách kéo dài thời gian tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện cũng có thể rút BHXH 1 lần bất cứ khi nào cần thiết.
Điều kiện hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH hội tự nguyện
Căn cứ vào Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019), người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi:
– Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.
Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong năm 2022, trong điều kiện bình thường phải đủ 60 tuổi 06 tháng với lao động nam, đủ 55 tuổi 08 tháng với lao động nữ.
(Cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.)
– Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Đối với trường hợp đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định trên nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Như vậy, NLĐ tham gia BHXH tự nguyện có thể được hưởng lương hưu nếu đáp ứng đủ 60 tuổi 06 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 08 tháng đối với nữ; đồng thời đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
Cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định mức hưởng lương hưu hằng tháng đối với NLĐ tham gia BHXH tự nguyện
“Mức lương hưu hằng tháng theo Điều 74 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.“
Công thức tính:
Lương hưu hàng tháng | = | Tỷ lệ hưởng lương hưu | x | Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH |
Trong đó:
*Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng*
Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được xác định như sau:
– Đối với nữ: Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;
– Đối với nam: tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Số năm đóng BHXH từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
*Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH*
Theo Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 79 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được quy định: “Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian đóng.”
Trong đó, thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê công bố hàng năm.
Hồ sơ hưởng lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo Khoản 2 Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội;
- Đơn đề nghị hưởng lương hưu
Trợ cấp một lần đối với người lao động tham gia BHXH tự nguyện
Trường hợp người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì ngoài lương hưu, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp một lần. Tuy nhiên đối với trường hợp hưởng trợ cấp một lần thường chỉ xảy ra ở người lao động đã có thời gian tham gia BHXH tự nguyện trước thời gian tham gia BHXH bắt buộc.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Mời bạn xem thêm bài viết
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì?
- Cách tính tiền đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng như thế nào?
- Trường hợp người lao động không được nhận bảo hiểm xã hội một lần
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn của Luật sư X về vấn đề “Cách tính lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2022“. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; tra cứu quy hoạch xây dựng ; giải thể công ty; tạm ngừng kinh doanh; Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; Đăng ký hộ kinh doanh; Bảo hộ quyền tác giả;… của luật sư X, hãy liên hệ: 0833102102
Câu hỏi thường gặp
người lao động có thể đến địa điểm sau để mua BHXH tự nguyện:
1. Cơ quan BHXH cấp huyện nơi mình cư trú (có thể nơi tạm trú hoặc thường trú);
2. Điểm thu, đại lý thu BHXH trên địa bàn mình ở.
Người lao động có thể trực tiếp tra cứu địa chỉ các điểm thu, đại lý thu BHXH đường link: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/diem-thu-dai-ly.aspx
Có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho nhiều năm về sau nhưng tối đa không quá 5 năm. Đặc biệt, khoản tiền đóng trước của anh chị sẽ được hưởng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXN Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Có thể tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu. Trường hợp người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì có thể lựa chọn phương thức đóng 1 lần cho 05 năm còn thiếu để đủ năm đóng BHXH và hưởng lương hưu theo quy định. Thời điểm người lao động hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu, đồng thời người lao động sẽ được cấp thẻ BHYT trọn đời để đi khám chữa bệnh.