Xin chào luật sư. Tôi và người yêu đã chia tay, đến nay đã được gần một năm và tôi mới biết tôi và cô ấy có con với nhau và cũng vừa mới sinh. Tuần trước cô ấy đem con đến và nói là con của tôi và muốn trả lại cho tôi. Nay tôi nuôi cháu một mình tại gia đình, mẹ cháu đã bỏ đi và tôi không biết hiện cô ấy đang ở đâu. Vậy xin hỏi người làm cha đơn thân như tôi có thể đi làm giấy khai sinh cho con được không, có bắt buộc phải có mẹ cháu bé không? Thủ tục thực hiện như thế nào? Mong luật sư giải đáp giúp tôi.
Cha, mẹ nuôi con đơn thân hiện nay đang ngày càng phổ biến. Có thể do các cặp đôi chỉ sống chung sau đó sinh con hoặc vợ chồng chia tay và một trong hai bên nuôi con một mình. Việc mẹ đơn thân thực hiện khai sinh cho con thì cũng rất dễ dàng do mẹ là người sinh con ra và có các giấy tờ thể hiện về việc sinh con để đăng ký khai sinh cho trẻ. Vậy với người cha đơn thân thì có thể thực hiện thủ tục này hay không? Thực hiện như thế nào? Cần chuẩn bị những giấy tờ gì khi mà không có giấy tờ thể hiện việc sinh ra đứa trẻ? Để giải đáp các thắc mắc ở trên, Luật sư X xin giới thiệu bài viết “Cha đơn thân làm giấy khai sinh cho con như thế nào?“. Mời bạn đọc cùng tham khảo.
Căn cứ pháp lý
Cha đơn thân làm giấy khai sinh cho con có được không?
Theo pháp luật Việt Nam, không có quy định nào định nghĩa rõ ràng về cha đơn thân là gì. Trên thực tế có thể hiểu cha đơn thân là người nuôi dưỡng con cái của mình một mình mà không có người mẹ. Việc này có thể do người mẹ bỏ đi hoặc người mẹ đã mất. Việc cha đơn thân làm giấy khai sinh cho con được đặt ra khi mà không còn người mẹ hoặc không xác định được người mẹ của đứa trẻ. Vậy cha đơn thân làm giấy khai sinh cho con khi không có người mẹ được không?
Căn cứ Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch quy định về việc đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ như sau:
“1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
4. Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều này; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.
5. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ không thuộc diện bị bỏ rơi, chưa xác định được cha và mẹ được thực hiện như quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này; trong Sổ hộ tịch ghi rõ “Trẻ chưa xác định được cha, mẹ”.
Theo quy định ở trên thì có thể đặt ra các trường hợp sau:
– Cha mẹ có quan hệ hôn nhân, người mẹ đã mất khi sinh hoặc sau khi sinh ra đứa trẻ hoặc người mẹ bỏ đi và chưa kịp làm giấy khai sinh
Trong trường hợp này cả cha mẹ của đứa trẻ đều xác định được nên việc người cha đi làm giấy khai sinh cho con mình như thủ tục thông thường, thông tin cha mẹ vẫn được ghi đầy đủ theo quy định tại Luật hộ tịch.
– Trường hợp cha mẹ không có quan hệ hôn nhân, đứa con được giao lại cho người cha nuôi dưỡng thì lúc này người cha sẽ thực hiện việc khai sinh cho con khi chứng minh được quan hệ cha con với đứa trẻ. Hay nói cách khác là cần phải làm thủ tục nhận con trước hoặc đồng thời với thủ tục khai sinh.
– Trường hợp đứa bé được giao cho người cha nhưng không thể xác định được người mẹ. Lúc này cũng tương tự trường hợp trên, người cha sẽ phải làm thủ tục nhận cha con để chứng minh mối quan hệ và thực hiện việc khai sinh cho con.
Như vậy, cha đơn thân hoàn toàn có thể tự mình làm giấy khai sinh cho con dù không có người mẹ. Trường hợp cha đơn thân đăng ký làm giấy khai sinh cho con thì tùy từng trường hợp mà theo quy định sẽ có hoặc không có thông tin của mẹ.
Thẩm quyền đăng ký khai sinh
Đầu tiên cần xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai sinh.
Người có trách nhiệm (cha, mẹ; ông hoặc bà hoặc người thân thích khác; cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ) sẽ làm Giấy khai sinh cho con tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ (Điều 13 Luật Hộ tịch 2014).
Theo Điều 11 Luật Cư trú 2020, nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Luật Cư trú 2020.
Trường hợp làm Giấy khai sinh cho trẻ có yếu tố nước ngoài thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ (khoản 2 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014).
Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:
- Trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, người không quốc tịch.
- Trẻ có cha và mẹ là người nước ngoài, người không quốc tịch nhưng trẻ được sinh ra tại Việt Nam.
- Trường hợp làm Giấy khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tiếp giáp với đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam nơi mẹ hoặc cha là công dân nước láng giềng thường trú (điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014, khoản 1 Điều 17 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).
- Trường hợp, trẻ là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì làm Giấy khai sinh tại Cơ quan đại diện (khoản 3 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014, Điều 2 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-BNG-BTP).
Cha đơn thân làm giấy khai sinh cho con như thế nào?
Việc đăng ký khai sinh cho con của người cha đơn thân sẽ được thực hiện kết hợp với thủ tục nhận cha cho con như sau:
Người có quyền đi đăng ký khai sinh?
Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về trách nhiệm đăng ký khai sinh, theo đó:
“Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.”
Đối chiếu theo quy định trên, cha mẹ sẽ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh cho con; trong trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì những người khác trong gia đình hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Hồ sơ đăng ký khai sinh
Hồ sơ đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, con bao gồm các giấy tờ sau:
+ Tờ khai đăng ký khai sinh, Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
+ Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế Giấy chứng sinh (văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh)
+ Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con:
- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.
- Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con theo quy định thì các bên nhận cha con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha con.
Thủ tục cha đơn thân đăng ký khai sinh cho con
Người đi đăng ký khai sinh cho con thực hiện việc đăng ký theo thủ tục sau:
Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ theo quy định trên đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND có thẩm quyền.
Người đi đăng ký còn phải xuất trình cho cán bộ tiếp nhân các giấy tờ sau:
– Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh;
– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh.
– Giấy chứng nhận kết hôn nếu cha, mẹ đã đăng ký kết hôn (nếu có)
– Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam thì xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em nhập cảnh (hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam (văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền).
Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.
Lưu ý: Đối với công dân Việt Nam, giấy tờ chứng minh nơi cư trú và Giấy chứng nhận kết hôn chỉ xuất trình trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc.
Bước 2: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của các giấy tờ có trong hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, công chức tiếp nhận hồ sơ, viết giấy biên nhận;
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ những loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký và ghi rõ họ, tên người tiếp nhận hồ sơ;
+ Trong trường hợp hồ sơ không được bổ sung, hoàn thiện theo hướng dẫn thì người tiếp nhận hồ sơ từ chối tiếp nhận hồ sơ. Việc từ chối tiếp nhận hồ sơ phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó ghi rõ lý do từ chối, người tiếp nhận ký và ghi rõ họ tên.
Bước 3:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp; thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh và trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
Lệ phí đăng ký khai sinh cho con là bao nhiêu?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định như sau:
“Điều 11. Lệ phí hộ tịch
1. Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch trong những trường hợp sau:
a) Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;
b) Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.”
Do đó việc đăng ký khai sinh nếu đúng hạn sẽ được miễn lệ phí theo quy định pháp luật. Nếu người đăng ký khai sinh không thuộc trường hợp được miễn lệ phí nêu trên ví dụ như khai sinh quá hạn, thì sẽ phải đóng mức lệ phí theo quy định của từng địa phương; nhưng không được vượt quá mức lệ phí do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn về “Cha đơn thân làm giấy khai sinh cho con như thế nào? ”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có thắc mắc về thủ tục đăng ký bảo hộ logo, bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc để được tư vấn về các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.
Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Mời bạn xem thêm:
Câu hỏi thường gặp
Tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con như sau:
“Điều 14. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.”
Theo quy định vừa nêu trên thì văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con (ở đây có thể xem kết luận giám định ADN của cơ quan y tế cũng là một văn bản đóng vai trò là chứng cứ chứng minh quan hệ cha mẹ con).
Người đăng ký khai sinh có thể lựa chọn một trong các cách thức dưới đây:
– Nộp hồ sơ/ văn bản yêu cầu trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện;
– Nộp hồ sơ/ văn vản yêu cầu qua dịch vụ bưu chính;
– Nộp hồ sơ trực tuyến qua địa chỉ https://dichvucong.hanoi.gov.vn.
Theo đó bạn hoàn toàn có thể nộp hồ sơ đăng ký khai sinh online. Tuy nhiên khi nộp bằng hình thức này các giấy tờ, tài liệu được gửi dưới dạng hình ảnh tải lên và bạn phải chắc chắn rằng chụp đầy đủ, ro ràng, nhìn thấy được.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định về việc ủy quyền đăng ký hộ tịch như sau:
“1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, được chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.”
Đăng ký khai sinh cũng là một trong những nội dung của đăng ký hộ tịch, do đó theo quy định trên đây thì bạn có thể ủy quyền cho người khác đi đăng ký khai sinh, nếu ủy quyền thì phải lập thành văn bản và chứng thực. Trường hợp ủy quyền cho ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của bạn thì văn bản ủy quyền không cần phải chứng thực.