Trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Bởi lẽ, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Cũng vì ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó mà trong các Bộ luật Hình sự từ năm 1985 đến nay gần nhất là Bộ luật Hình sự 2015, ngay sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia, nhà làm luật đều đã quy định tội giết người. Vậy tước đoạt trái phép tính mạng của người khác là phạm tội giết người? Hãy theo dõi bài viết sau đây của Luật sư X để biết thêm thông tin nhé!
Tội giết người là gì?
Căn cứ tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có thể hiểu Giết người là hành vi cố ý tước đoạt mạng sống của người khác trái pháp luật.
Các yếu tối cấu thành tội giết người
Mặt khách quan
Thứ nhất, hành vi khách quan của tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt sinh mạng của người khác một cách trái pháp luật. Bao gồm:
+ Hành động: Hành vi như bắn, chém, đâm…
+ Không hành động: đó là những trường hợp chủ thể có nghĩa vụ phải hành động, phải làm một số việc nhất định để đảm bảo sự an toàn về tính mạng cho người khác nhưng họ đã không hành động, không thực hiện những việc làm đó.
Ví dụ: Bệnh nhân thở bằng thiết bị bình oxi nhưng vô tình thiết bị này bị rơi ra nên nạn nhân giãy giụa. Mặc dù bác sĩ ở bên thấy và biết nhưng vẫn cố tình không điều chỉnh lại thiết bị và cố tình bỏ mặc để bệnh nhân chết. Trong trường hợp này, việc không hành động của bác sĩ dẫn đến hậu quả chết người.
Hành vi tước đoạt tính mạng được coi là hành vi khách quan của tội giết người phải là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Hành vi tước đoạt tính mạng của chính mình không phải là hành vi khách quan của tội giết người. Hành vi gây ra cái chết cho người khác được pháp luật cho phép cũng không phải là hành vi khách quan của tội giết người, như hành vi tước đoạt tính mạng của người khác trong phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết hoặc thi hành hình phạt tử hình…
Thứ hai, những trường hợp tước đoạt tính mạng của người khác do được sự đồng ý của nạn nhân. Động cơ của những hành vi này có thể khác nhau, trong đó có những động cơ mang tính nhân đạo. Ví dụ, tước đoạt tính mạng của người mắc bệnh hiểm nghèo nhằm tránh đau đớn kéo dài cho họ theo sự yêu cầu của nạn nhân và gia đình nạn nhân. Dù với động cơ gì, theo Pháp luật hình sự Việt Nam những trường hợp này cũng bị coi là trái pháp luật. Tuy nhiên, một số nước trên thế giới lại cho phép và công nhận việc tước đoạt tính mạng người khác trong những trường hợp đó là hợp pháp.
Thứ ba, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả là điều kiện cần thiết để có thể buộc người có hành vi tước đoạt tính mạng người khác phải chịu trách nhiệm về hậu quả chết người đã xảy ra. Người có hành vi tước đoạt tính mạng người khác một cách trái pháp luật chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những hậu quả chết người đã xảy ra, ra nếu hành vi họ đã thực hiện là nguyên nhân của hậu quả chết người đã xảy ra đó. Việc xác định này trong nhiều trường hợp cũng hết sức phức tạp, đòi hỏi có sự hỗ trợ của giám định pháp y.
Mặt chủ quan
+ Lỗi của người phạm tội giết người là lỗi cố ý. Lỗi cố ý ở đây có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp.
+ Trường hợp lỗi cố ý trực tiếp: người phạm tội thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra (hoặc tất nhiên sẽ xảy ra), nhưng vì mong muốn hậu quả đó nên đã thực hiện hành vi phạm tội.
Ví dụ: A và B xảy ra mâu thuẫn, A dùng dao đâm B với ý muốn giết B. Rõ ràng A vẫn ý thức được việc mình làm là nguy hiểm và mong muốn hậu quả chết người người xảy ra.
– Trường hợp lỗi cố ý gián tiếp: người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có thể nguy hiểm đến tính mạng của người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, nhưng để đạt được mục đích của mình, người phạm tội có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra, hay nói một cách khác, họ chấp nhận hậu quả đó.
Ví dụ: Do bực tức, A đã dùng dao đâm bừa vào B làm B chết. Khi đâm, A nhận thức được việc đâm của mình là nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người. Nhưng do bực tức nên vẫn cứ đâm, muốn như thế nào cũng được. A không mong muốn giết B nhung nếu B chết cũng chấp nhận.
– Trong trường hợp hậu quả chết người đã xảy ra, việc xác định lỗi là cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp không có ý nghĩa trong việc định tội. Nhưng trong trường hợp hậu quả chết người chưa xảy ra, việc xác định lỗi này có ý nghĩa rất quan trọng.
– Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người nhưng ở giai đoạn chưa đạt;
– Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích (nếu có thương tích xảy ra) hay các tội phạm khác mà người phạm tội đã thực hiện (không mong muốn hậu quả chết người nhưng có ý thức để mặc hậu quả đó xảy ra nhưng nó chưa xảy ra), mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt.
Việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp không phải luôn đơn giản, mà trong nhiều trường hợp hết sức phức tạp. Việc xác định lỗi còn đặc biệt phức tạp hơn trong những trường hợp xác định lỗi cố ý gián tiếp hay chỉ là lỗi vô ý do quá tự tin đối với hậu quả chết người.
– Mục đích, động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm tội giết người. Động cơ phạm tội tuy không có ý nghĩa về mặt định tội nhưng có một số động cơ phạm tội được quy định là tình tiết định khung tăng nặng hay giảm nhẹ.
Khách thể
Hành vi phạm tội giết người xâm phạm đến tính mạng, quyền được sống của con người được pháp luật bảo vệ.
Chủ thể
Căn cứ tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì chủ thể của tội giết người là:
Người từ đủ 14 tuổi trở lên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Những trường hợp làm chết người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Làm chết người trong trường hợp chưa đủ 14 tuổi
Căn cứ tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định thì:
- Người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Như vậy, người chưa đủ 14 chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên trong trường hợp làm chết người sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sự kiện bất ngờ
Căn cứ tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Ví dụ: A 20 tuổi có đủ năng lực hành vi dân sự đang lái xe đi đúng phần đường quy định, đúng tốc độ thì bỗng nhiên B băng qua đường mà không chú ý, dẫn đến A không kịp tránh và đâm chết B. Trong trường hợp này A dù làm chết người nhưng là sự kiện bất ngờ nên sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi làm chết người trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Phòng vệ chính đáng
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Căn cứ tại Điều 23 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định: “Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.”
Vậy trong trường hợp làm chết người do phòng vệ chính đáng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những trường hợp là làm chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật.
Tình thế cấp thiết
Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Gây thiệt hại trong khi bắt giữ tội phạm
Theo quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì:
- Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết dẫn đến làm chết người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm. Trường hợp này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết dẫn đến làm chết người thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ
- Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
- Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây ra chết người thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên
Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.
Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Như vậy, tội giết người là tội gây nguy hiểm và ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội nên sẽ bị sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy mà mỗi người cần có hiểu biết về pháp luật để bản thân tránh những hành vi phạm vào tội giết người và biết được những trường hợp làm chết người nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mời bạn xem thêm:
- Tội giết người được quy định thế nào trong Bộ luật Hình sự 2015?
- Mẹ bị trầm cảm giết con thì có bị đi tù không?
- Công ty cổ phần bắt buộc phải có cổ phiếu nào theo quy định mới?
Thông tin liên hệ
Trên đây là quan điểm của Luật Sư X về “Tước đoạt trái phép tính mạng của người khác là phạm tội giết người? “. Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc cần tư vấn về thành lập doanh nghiệp, tra mã số thuế cá nhân, xác nhận độc thân, tuyên bố giải thể công ty… vui lòng liên hệ qua hotline: 0833 102 102. Hoặc qua các kênh sau:
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Theo quy định tại điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Theo quy định tại Điều 585 BLDS Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Bồi thường thiệt hại về tính mạng bao gồm:
– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;
– Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần