Tranh chấp là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Tranh chấp có thể nảy sinh mọi lúc mọi nơi, trong mọi hoạt động có sự hiện diện của con người. Tùy vào từng hoàn cảnh sẽ có cách xử lý sự việc khác nhau. Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại thì tranh chấp thường xuyên xảy ra. Vậy pháp luật về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại như thế nào ? Tham khảo bài viết dưới đây của Luật Sư X nhé !
Căn cứ pháp lý
- Luật Thương Mại 2005
- Luật Trọng tài thương mại 2010 số 54/2010/QH12 ban hành bởi Quốc hội
- Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
- Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại
Tranh chấp thương mại là gì
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định : “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
Từ đây, có thể hiểu Tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn, bất đồng về quyền và nghĩa vụ các bên trong quá trình thực hiện hoạt động thương mại.
Các hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại
Hiện nay, các tranh chấp trong kinh doanh thương mại thường được giải quyết bằng các hình thức như sau:
Thương lượng
Thương lượng là phương án được ưu tiên lựa chọn để giải quyết tranh chấp thông qua việc tự bàn bạc, thỏa thuận, dàn xếp vấn đề phát sinh giữa các bên. Thương lượng thành công phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự nguyện, thiện chí, thái độ hợp tác của các bên vì quá trình không có sự ràng buộc của pháp luật về trình tự hay thủ tục giải quyết. Có thể thấy, thương lượng giúp giải quyết vấn đề nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, đồng thời, duy trì mối quan hệ hợp tác cho các bên sau này. Bởi vậy, pháp luật luôn tôn trọng, ưu tiên quyền thỏa thuận của các bên trong thương mại nói riêng và trong dân sự nói chung.
Hoà giải
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại : “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.”
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại dựa trên Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại cụ thể như sau:
- Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
- Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.
Để giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, các bên cần đáp ứng điều kiện theo Điều 6 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại: “Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp”.
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định : “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.”
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài dựa trên Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 cụ thể như sau:
- Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
- Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
- Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
- Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Phán quyết trọng tài là chung thẩm.
Để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, các bên cần đáp ứng đầy đủ điều kiện theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 bao gồm:
- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Tòa án như sau:
- Tuân thủ pháp luật trong tố tụng dân sự
- Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
- Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
- Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự
- Bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
- Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự, Thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
- Tòa án xét xử kịp thời, công bằng, công khai
- Bảo đảm sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự
- Bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm
- Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án
- Bảo đảm tranh tụng trong xét xử
Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể về những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm:
- Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
- Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
- Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
- Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Thời hạn khiếu nại
Căn cứ Điều 318 Luật Thương mại 2005 quy định cụ thể vấn đề liên quan đến thời hạn khiếu nại như sau:
Thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại được quy định như sau:
- Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hoá;
- Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá; trong trường hợp hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;
- Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.
Ngoại lệ, trừ trường hợp quy định dành cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong khi thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận.
Mời bạn xem thêm
- Bản án kinh doanh thương mại cấp sơ thẩm có hiệu lực khi nào?
- Mẫu đơn khởi kiện tranh chấp kinh doanh thương mại 2022
- Mẫu đơn khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại năm 2022
- Có nên nhận nhượng quyền thương mại khi bắt đầu kinh doanh không?
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn của Luật Sư X về vấn đề “Pháp luật về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại“. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến giải thể công ty ; hợp thức hóa lãnh sự; giấy phép bay Flycam; cấp bản sao trích lục kết hôn…. của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833.102.102.
- Facebook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
Hòa giải viên thương mại bao gồm hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.
Địa điểm giải quyết tranh chấp là nơi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận. Nếu địa điểm giải quyết tranh chấp được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được coi là tuyên tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết đó.