Chế độ tập sự là một trong các chế độ mà công chức thường phải trải qua; trước khi được tuyển dụng chính thức và được xếp lương. Vậy, pháp luật hiện hành quy định ra sao về chế độ tập sự của công chức? Phòng tư vấn pháp lý của Luật sư X xin thông tin tới bạn đọc.
Căn cứ pháp lý
Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019;
Nội dung tư vấn
Chế độ tập sự của công chức là gì?
Căn cứ theo điều 40 của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019:
Điều 40. Tập sự đối với công chức
Người được tuyển dụng vào công chức phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định của Chính phủ
Theo đó, chế độ tập sự của công chức là khoảng thời gian người được tuyển dụng vào công chức tập làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Như vậy, có thể thấy; chế độ tập sự là khoảng thời gian đào tạo cho người tập sự trước khi chính thức được tuyển dụng, bổ nhiệm công chức và xếp lương.
Thời gian tập sự được quy định thế nào?
Căn cứ khoản 2 điều 20 của Nghị định 138/2020/NĐ-CP, thời gian tập sự được quy định như sau:
- Thời gian tập sự đối với công chức loại C: 12 tháng;
- Thời gian tập sự đối với công chức loại D: 06 tháng;
- Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.
Nội dung cần thực hiện trong thời gian tập sự bao gồm?
Trong thời gian tập sự của mình, người tập sự cần đảm bảo thực hiện các nội dung sau:
- Nắm vững quy định của pháp luật về công chức; nắm vững cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan công tác; nội quy, quy chế làm việc của cơ quan và chức trách, nhiệm vụ của vị trí việc làm được tuyển dụng;
- Trau dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng;
- Tập giải quyết, thực hiện các công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Chế độ, chính sách đối với người tập sự và người hướng dẫn tập sự
Chế độ, chính sách đối với người tập sự
Trong thời gian tập sự, người tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng;
Trường hợp người tập sự có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng; thì được hưởng 85% mức lương bậc 2 của ngạch tuyển dụng;
Trường hợp người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng; thì được hưởng 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng.
Người tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo theo quy định trong các trường hợp sau:
- Làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
- Làm việc trong các ngành, nghề độc hại nguy hiểm;
- Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, người tập sự vẫn được hưởng các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật.
Chế độ, chính sách đối với người hướng dẫn tập sự
Theo quy định pháp luật hiện hành, công chức được cơ quan, tổ chức phân công hướng dẫn tập sự được hưởng hệ số phụ cấp trách nhiệm bằng 0,3 so với mức lương cơ sở trong thời gian hướng dẫn tập sự.
Bổ nhiệm vào ngạch công chức đối với người hoàn thành chế độ tập sự
Khi hết thời gian thực hiện chế độ tập sự của công chức, người tập sự phải báo cáo kết quả tập sự bằng văn bản theo các nội dung theo quy định; người hướng dẫn tập sự phải nhận xét, đánh giá kết quả tập sự đối với người tập sự bằng văn bản. Các văn bản này được gửi người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức.
Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của người tập sự và nhận xét, đánh giá của người hướng dẫn tập sự, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức và kết quả công việc của người tập sự.
Trường hợp người tập sự đạt yêu cầu, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức có văn bản đề nghị người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định bổ nhiệm ngạch và xếp lương cho công chức được tuyển dụng. Trường hợp người tập sự không đạt yêu cầu; thì sẽ bị hủy quyết định tuyển dụng.
Ngoài ra, trong quá trình tập sự; người tập sự có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; thì người đó cũng có thể bị hủy quyết định tuyển dụng.
Hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Chế độ tập sự của công chức theo pháp luật hiện hành là không bắt buộc đối với người đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự; Trong thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc nêu trên, người được tuyển dụng đã làm những công việc theo yêu cầu của ngạch công chức được tuyển dụng.
Xem chi tiết tại:
https://luatsux.vn/truong-hop-cong-chuc-khong-phai-tham-gia-tap-su/
Người tập sự bị huỷ bỏ quyết định tuyển dụng được cơ quan sử dụng công chức trợ cấp 01 tháng lương, phụ cấp hiện hưởng và tiền tàu xe về nơi cư trú.
Căn cứ khoản 3 điều 22 của Nghị định 138/2020/NĐ-CP, thời gian tập sự không được tính vào thời gian xét nâng bậc lương.
Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày công chức đến nhận việc, người đứng đầu cơ quan sử dụng phải cử công chức cùng ngạch; hoặc ngạch cao hơn, có năng lực và kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ; hướng dẫn người tập sự.