Gỗ ván ép là một trong những mặt hàng gỗ được sử dụng ngày càng rộng rãi trong các công trình nhà ở, nhà hàng, khách sạn, thiết kế nội thất, các công trình công cộng, trung tâm thương mại…Đây là các lớp ván gỗ tự nhiên được láng mỏng, có cùng kích thước, được xếp chồng lên nhau để tạo thành tấm gỗ có kích thước, độ dày đạt tiêu chuẩn. Giữa các lớp gỗ là keo dán đặc chủng. Để nhập khẩu gỗ ván ép về Việt Nam, các doanh nghiệp pháp đáp ứng được các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật hiện nay. Vậy những điều kiện đó là gì? Thủ tục nhập khẩu gỗ ván ép được thực hiện như thế nào?
Căn cứ pháp lý
- Nghị định 102/2020/NĐ-CP
- Thông tư 39/2018/TT-BTC
- Thông tư 38/2015/TT-BTC
Quy định chung về quản lý gỗ nhập khẩu
Theo Điều 4 Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định gỗ nhập khẩu phải bảo đảm hợp pháp, được làm thủ tục nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.
– Quản lý gỗ nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng biện pháp quản lý rủi ro để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm gỗ nhập khẩu hợp pháp, đồng thời khuyến khích, tạo thuận lợi đối với tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật.
– Gỗ nhập khẩu được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định này.
– Chủ gỗ nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung sau:
- Nguồn gốc hợp pháp của gỗ nhập khẩu theo các quy định pháp luật có liên quan của quốc gia nơi khai thác gỗ;
- Tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về cung cấp thông tin theo tiêu chí đánh giá vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam quy định tại Điều 5 Nghị định này và tiêu chí xác định loại gỗ rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam quy định tại Điều 6 Nghị định này;
- Trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 của Nghị định này: Cung cấp hồ sơ, thực hiện kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 của Nghị định này, chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ và thông tin kê khai.
– Quy định về hồ sơ khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu gỗ nhập khẩu:
- Trường hợp chủ gỗ nhập khẩu bán toàn bộ hoặc một phần lô hàng gỗ nhập khẩu cho một hay nhiều chủ gỗ khác: Chủ gỗ nhập khẩu lập bảng kê gỗ trích từ bảng kê gỗ nhập khẩu, sao hồ sơ gỗ nhập khẩu và ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) giao cho chủ gỗ mua và lưu hồ sơ gốc gỗ nhập khẩu;
- Trường hợp chủ gỗ mua tại điểm a khoản này bán toàn bộ hoặc một phần lô hàng gỗ nhập khẩu cho chủ gỗ khác: Chủ gỗ bán lập bảng kê gỗ trích từ bảng kê mua trước đó, sao hồ sơ gỗ nhập khẩu và ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) giao cho chủ gỗ mua và lưu giữ bản sao;
- Trường hợp bán gỗ nhập khẩu cho chủ gỗ tiếp theo: Chủ gỗ bán thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 5 của Điều luật này;
- Trường hợp chuyển giao quyền sở hữu bằng các hình thức khác: Thực hiện theo quy định tại các điểm a hoặc điểm b hoặc điểm c khoản khoản 5 của Điều luật này.
Thủ tục nhập khẩu gỗ ván ép năm 2022
Trước khi làm thủ tục nhập khẩu gỗ ván ép, doanh nghiệp cần tìm hiểu xem mặt hàng gỗ ván ép mà mình định nhập khẩu có thuộc mặt hàng được phép nhập khẩu vào Việt Nam hay không? Sau đó mới tiến hành làm các thủ tục nhập khẩu gỗ ván ép. Các thủ tục nhập khẩu gỗ ván ép như sau:
Bước 1: Xác định loại hàng nhập khẩu
- Cần xác định rõ mặt hàng cần nhập khẩu thuộc diện nào, có nằm trong danh mục đặc biệt hay cấm nhập khẩu hay không. Điều này nhằm đảm bảo an toàn cho thị trường trong nước, giúp quá trình thông quan diễn ra được thuận lợi hơn. Nếu như mặt hàng mà định nhập khẩu có tên trong danh mục hàng cấm nhập khẩu thì bắt buộc phải dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu mặt hàng này để tránh những vướng mắc về mặt pháp lí.
Bước 2: Ký hợp đồng ngoại thương
- Hợp đồng thương mại là một chứng từ quan trọng để làm cơ sở cho các chứng từ còn lại, thể hiện ký kết giao dịch giữa hai bên.Cần phải chú ý kiểm tra chính xác các nội dung được ghi trên hợp đồng, chẳng hạn: thông tin bên bán và bên mua, tên hàng hoá, xuất xứ, số lượng, chất lượng, giá cả, điều khoản incoterm, hình thức và các điều khoản thanh toán, đóng gói, giao hàng và các chứng từ được yêu cầu.
Bước 3: Kiểm tra chứng từ hàng
Để hoàn tất thủ tục nhập khẩu một lô hàng, doanh nghiệp cần chuẩn bị bộ chứng từ với đầy đủ các giấy tờ sau:
- Hợp đồng thương mại (Sale Contract).
- Vận đơn (Bill of Landing).
- Hoá đơn thương mại (Commercial Invoice)
- Phiếu đóng gói hàng hoá (Packing List).
- Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O).
- Và các giấy tờ liên quan khác,….
Bước 4: Đăng ký kiểm tra chuyên ngành (nếu có)
- Nếu như lô hàng của có tên trong danh mục hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành thì đây là một thủ tục bắt buộc cần phải làm.
Bước 5: Khai và truyền tờ khai hải quan
Doanh nghiệp cần điền đầy đủ thông tin của mặt hàng nhập khẩu khi khai báo, tránh trường hợp sai sót vì sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình thông quan hàng hóa.
Khi đã khai báo hoàn tất và được truyền đi, số sẽ được hệ thống cấp tự động nếu các thông tin chính xác và đầy đủ.
Kiểm tra lại các thông tin để chắc chắn và không có lỗi sai sót.
Bước 6: Lấy lệnh giao hàng
- Lệnh giao hàng là một trong những chứng từ quan trọng để người nhập khẩu có thể lấy hàng ra khỏi cảng và vận chuyển về kho của mình.
- Lệnh giao hàng được lấy sau khi tàu đã cập cảng, hãng tàu hoặc forwarder gửi giấy báo hàng đến cho người nhận hàng.
Lưu ý nếu thuộc hàng FCL, cần kiểm tra kỹ lại thời hạn miễn phí lưu container. Nếu hết hạn lưu miễn phí, cần đóng phí để gia hạn thêm.
Bước 7: Chuẩn bị bộ hồ sơ hải quan
Tùy vào kết quả phân luồng tờ khai mà cần chuẩn bị các hồ sơ, chứng từ khác nhau. Có 3 trường hợp:
- Đối với luồng xanh: được miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa khi doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định pháp luật hải quan. Dù vậy, cũng nên đem theo các hồ sơ cần thiết phòng trường hợp ngoài ý muốn.
- Đối với luồng vàng: hải quan sẽ miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, nhưng kiểm tra chi tiết hồ sơ. Do đó, cần chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ chi tiết nhất có thể và nắm kỹ thông tin của hàng hóa để quá trình kiểm tra diễn ra thuận lợi.
- Đối với luồng đỏ: Hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ và tiến hành kiểm tra chi tiết hàng hóa với các mức độ kiểm tra thực tế lô hàng. Đây là trường hợp gắt gao nhất, bắt buộc phải chuẩn bị thật kỹ các giấy tờ cần thiết và mọi giấy tờ khác liên quan.
Bước 8: Nộp thuế và hoàn tất thủ tục nhập khẩu hàng hóa
Cần tiến hành nộp 2 loại thuế chính cho lô hàng nhập khẩu, đó là:
- Thuế nhập khẩu.
- Thuế giá trị gia tăng VAT.
- Ngoài ra, tuỳ vào một số loại hàng mà cần phải nộp thêm các loại thuế khác như: thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt,…
Bước 9: Làm thủ tục đổi lệnh và chuyển hàng hóa về kho bảo quản
- Sau khi hoàn tất thủ tục hải quan, bên nhập khẩu cần nộp phí và nhận phiếu EIR (phiếu giao nhận) để được xếp hàng lên xe và chở về kho bảo quản.
Hồ sơ hải quan nhập khẩu gỗ ván ép
Theo khoản 2 Điều 16 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC quy định về hồ sơ hải quan nhập khẩu như sau:
– Tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này.
- Trường hợp thực hiện trên tờ khai hải quan giấy theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, người khai hải quan khai và nộp 02 bản chính tờ khai hải quan theo mẫu HQ/2015/NK Phụ lục IV ban hành kèm Thông tư này;
– Hóa đơn thương mại hoặc chứng từ có giá trị tương đương trong trường hợp người mua phải thanh toán cho người bán: 01 bản chụp.
- Trường hợp chủ hàng mua hàng từ người bán tại Việt Nam nhưng được người bán chỉ định nhận hàng từ nước ngoài thì cơ quan hải quan chấp nhận hóa đơn do người bán tại Việt Nam phát hành cho chủ hàng.
– Người khai hải quan không phải nộp hóa đơn thương mại trong các trường hợp sau:
- Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài;
- Hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn và người mua không phải thanh toán cho người bán, người khai hải quan khai trị giá hải quan theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC.
– Vận đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không, đường sắt, vận tải đa phương thức theo quy định của pháp luật (trừ hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới đường bộ, hàng hóa mua bán giữa khu phi thuế quan và nội địa, hàng hóa nhập khẩu do người nhập cảnh mang theo đường hành lý): 01 bản chụp.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí vận chuyển trên các tàu dịch vụ (không phải là tàu thương mại) thì nộp bản khai hàng hóa (cargo manifest) thay cho vận đơn;
– Bảng kê lâm sản đối với gỗ nguyên liệu nhập khẩu quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 bản chính;
– Giấy phép nhập khẩu hoặc văn bản cho phép nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngoại thương và thương mại đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu; Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch hoặc văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu:
- Nếu nhập khẩu một lần: 01 bản chính;
- Nếu nhập khẩu nhiều lần: 01 bản chính khi nhập khẩu lần đầu.
– Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành: 01 bản chính.
- Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nộp bản chụp hoặc không quy định cụ thể bản chính hay bản chụp thì người khai hải quan được nộp bản chụp.
- Trường hợp Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành được sử dụng nhiều lần trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành thì người khai hải quan chỉ nộp 01 lần cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên;
– Chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư: nộp 01 bản chụp khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng đầu tiên;
– Tờ khai trị giá: Người khai hải quan khai tờ khai trị giá theo mẫu, gửi đến Hệ thống dưới dạng dữ liệu điện tử hoặc nộp cho cơ quan hải quan 02 bản chính đối với trường hợp khai trên tờ khai hải quan giấy. Các trường hợp phải khai tờ khai trị giá và mẫu tờ khai trị giá thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BTC;
– Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
– Hợp đồng ủy thác: 01 bản chụp đối với trường hợp ủy thác nhập khẩu các mặt hàng thuộc diện phải có giấy phép nhập khẩu, chứng nhận kiểm tra chuyên ngành hoặc phải có chứng từ chứng minh tổ chức, cá nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, pháp luật về quản lý ngoại thương mà người nhận ủy thác sử dụng giấy phép hoặc chứng từ xác nhận của người giao ủy thác;
– Hợp đồng bán hàng cho trường học, viện nghiên cứu hoặc hợp đồng cung cấp hàng hóa hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng: 01 bản chụp.
Các chứng từ quy định tại điểm đ, điểm e, điểm g, điểm i khoản này nếu được cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất khẩu gửi dưới dạng điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa ASEAN hoặc Cổng thông tin trao đổi với các nước khác theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, người khai hải quan không phải nộp khi làm thủ tục hải quan.
- Các chứng từ khác (nếu có)
Bên cạnh các nội dung nêu trên, khi làm thủ tục Hải quan đối với lô hàng gỗ nhập khẩu, ngoài bộ hồ sơ Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan, chủ gỗ nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan nơi đăng ký tờ khai các tài liệu sau:
- Bản chính bảng kê gỗ nhập khẩu do chủ gỗ lập theo Mẫu số 01 hoặc Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định định 102/2020/NĐ-CP
- Trường hợp gỗ thuộc Phụ lục CITES: Bản sao giấy phép CITES xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu cấp; Bản sao giấy phép CITES nhập khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp;
- Trường hợp gỗ nhập khẩu từ quốc gia đã ký kết Hiệp định gỗ hợp pháp với EU và đang vận hành hệ thống cấp phép FLEGT: Bản sao giấy phép FLEGT xuất khẩu do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp;
Trường hợp lô hàng gỗ nhập khẩu không thuộc quy định tại nếu trên thì lập Bảng kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định định 102/2020/NĐ-CP
Liên hệ
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Sư X liên quan đến “Thủ tục nhập khẩu gỗ ván ép”. Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về cách nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ vay vốn ngân hàng cho doanh nghiệp, ủy quyền xác nhận tình trạng hôn nhân, các thủ tục thành lập công ty, đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền hoặc muốn sử dụng dịch vụ tạm ngừng kinh doanh;…quý khách hàng vui lòng liên hệ đến hotline 0833.102.102 để được nhận tư vấn.
Mời bạn xem thêm
- Nâng cao hiệu quả của chính sách thuế – hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp
- Xử phạt hàng hóa nhập khẩu không có xuất xứ
- Vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử phạt thế nào?
- Bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý thế nào ?
- Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử phạt như thế nào?
Câu hỏi thường gặp
– HS code gỗ ván ép thuộc nhóm 4410, 4411, 4412, 441300 tại phụ lục III Nghị định 102/2020/NĐ-CP. Gỗ ván ép chịu mức thuế nhập khẩu ưu đãi 8%, VAT 10%. Nếu nhập từ Malaysia thuộc khu vực ASEAN có CO form D, sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi đặc biệt 0%.
Theo điểm đ Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT quy định:
“Điều 1. Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
2. Sản phẩm của cây
đ) Gỗ tròn, gỗ xẻ, pallet gỗ, mùn cưa, mùn dừa”.
Căn cứ quy định nêu trên, mặt hàng gỗ ván ép công nghiệp thuộc diện phải kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu. Tuy nhiên, theo Công văn số 651/BVTV-KD ngày 13/4/2015 của Cục Bảo vệ thực vật về việc kiểm dịch thực vật đối với vật liệu đóng gói bằng gỗ thì gỗ ván ép công nghiệp sẽ không phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hàng hóa có mã số HS được quy định tại Mục 11 Phụ lục I Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT, các loại gỗ thuộc nhóm 4410, 4411, 4412 và sản phẩm làm chúng, trong đó có gỗ ván ép công nghiệp do nguy cơ mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam là rất thấp nên đã được loại bỏ ra khỏi danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và không được quy định tại Mục 11 Phụ lục I Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT.
Do vậy, với các loại gỗ và sản phẩm gỗ nêu trên, sẽ không phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu vào Việt Nam.