Lương bổng là một trong những quyền lợi không thể thiếu khi người lao động làm việc cho công ty. Tuy nhiên, nhiều công ty vì tình hình kinh doanh ngày càng thua lỗ dẫn đến không đủ khả năng trả lương cho người lao động. Khi đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình thì người lao động cần làm hồ sơ khởi kiện công ty để đòi lại số tiền lương công ty nợ. Khi đó, Thủ tục khởi kiện công ty không trả lương cho người lao động thực hiện như thế nào? Công ty được chậm trả tiền lương trong thời hạn bao lâu? Công ty không trả đủ lương cho người lao động khi nghỉ việc sẽ bị xử lý như thế nào? Chúng tôi sẽ giúp bạn đọc giải đáp tất tần tật những vấn đề nêu trên, hi vọng bài viết sau của Luật sư X sẽ đem lại thông tin hữu ích cho độc giả.
Căn cứ pháp lý
Công ty được chậm trả tiền lương trong thời hạn bao lâu?
Hiện nay, do nhiều lý do mà doanh nghiệp chậm lương hoặc thậm chí là quỵt lương của nhân viên rất phổ biến. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thanh toán chi trả tiền lương cho người lao động một cách đầy đủ và đúng hạn. Người lao động được hưởng lương theo đúng giờ công làm việc của mình. Trường hợp người lao động làm việc hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc. Ngoài ra, còn có thể được thanh toán chi trả tiền lương theo hình thức trả gộp.
Thời điểm công ty trả lương cho người lao động
Trường hợp trả lương theo thời gian:
- Hưởng lương theo giờ, ngày, tuần: Được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- Hưởng lương tháng: Được trả lương 01 lần/tháng hoặc nửa tháng một lần, thời điểm trả lương do các bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
Trường hợp trả lương theo sản phẩm hoặc khoán: Lương được trả theo kỳ hạn đã thoả thuận của hai bên.
(Điều 94 Bộ luật Lao động 2019)
Thời hạn công ty được chậm trả tiền lương
Bộ luật Lao động 2019 cũng có quy định cho phép người sử dụng lao động được chậm trả lương cho người lao động trong trường hợp nhất định.
“Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.”
(khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019)
Thủ tục khởi kiện công ty không trả lương cho người lao động
Tiền lương có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của người lao động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà tình trạng nợ lương người lao động vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Khi không được trả lương hoặc được trả nhưng không đủ, không đúng thời hạn, người lao động có thể sử dụng một trong các cách sau đây để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. Thủ tục khởi kiện công ty không trả lương cho người lao động thông qua các cách thức sau:
Cách 1: Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận của các bên, do đó, mọi vấn đề phát sinh trong trong quan hệ lao động đều có thể giải quyết bằng thỏa thuận.
Nếu hai bên có thể tìm được tiếng nói chung và công ty đồng ý giải quyết quyền lợi cho người lao động thì đây là cách tối ưu, nhanh chóng và ít tốn kém nhất. Tuy nhiên, nếu công ty đã cố tình không trả lương thì việc giải quyết sẽ trở nên khá khó khăn.
Cách 2: Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Căn cứ Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, việc khiếu nại tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ được tiếp nhận sau khi đã tiến hành khiếu nại lần đầu tới người sử dụng lao động mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó.
Thời hạn thụ lý: 07 ngày làm việc kể từ ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền.
Thời hạn giải quyết: Không quá 45 ngày (vụ việc phức tạp không quá 60 ngày), kể từ ngày thụ lý; Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày (vụ việc phức tạp không quá 90 ngày), kể từ ngày thụ lý.
Nếu khiếu nại lần hai không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính (theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 24).
Cách 3: Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động
Theo khoản 1 Điều 190 BLLĐ năm 2019, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động (căn cứ Điều 188 BLLĐ năm 2019).
Tại phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau. Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra.
Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết
Cách 4: Giải quyết bởi Hội đồng trọng tài lao động
Theo Điều 189 BLLĐ năm 2019, cách này được tiến hành sau khi đã trải qua bước hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động. Đồng thời chỉ giải quyết tranh chấp bằng Hội đồng trọng tài lao động khi cả hai bên đồng ý lựa chọn.
Thời hiệu yêu cầu: 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm.
Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thời hạn giải quyết: 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập.
Quyết định của Ban trọng tài lao động về việc giải quyết tranh chấp sẽ được gửi cho các bên. Trường hợp một bên không thi hành quyết định này thì bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Cách 5: Khởi kiện tại Tòa án
Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 BLLĐ năm 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.
Căn cứ khoản 3 Điều 190 BLLĐ năm 2019, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Người lao động gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự theo hướng dẫn của Tòa án.
Công ty không trả đủ lương cho người lao động khi nghỉ việc sẽ bị xử lý như thế nào?
Công ty chậm trả lương hay quỵt lương của nhân viên là hành vi vi phạm pháp luật. Khi người lao động thực hiện khiếu nại lần đầu lên đơn vị sử dụng lao động mà không được giải quyết hay không chấp nhận với kết quả giải quyết của phía người sử dụng lao động thì người lao động tiếp tục thực hiện khiếu nại lần 2 đến Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.
Công ty có trách nhiệm trả đủ lương cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, trường hợp công ty sau 14 ngày mà công ty không trả lương là hành vi vi phạm quy định về chấm dứt hợp đồng lao động sẽ bị xử lý theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
- Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi thời hạn của hợp đồng bằng phụ lục hợp đồng lao động; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền cho người lao động theo quy định của pháp luật khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật; không cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
…
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.
Như vậy, sau khi người lao động nghỉ việc và hết thời hạn thanh toán mà công ty vẫn không trả lương thì tùy thuộc vào số lượng người lao động và công ty vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Mời bạn xem thêm:
- Thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất
- Chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất
- Quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu bị hạn chế khi nào?
Thông tin liên hệ
Vấn đề “Thủ tục khởi kiện công ty không trả lương cho người lao động” đã được Luật sư X giải đáp thắc mắc ở bên trên. Với hệ thống công ty Luật sư X chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý trên toàn quốc. Chúng tôi sẽ giải đáp mọi thắc mắc của quý khách hàng liên quan tới dịch vụ Ly hôn nhanh Bắc Giang. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ giúp quý khách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và ít đi lại. Chi tiết vui lòng liên hệ tới hotline: 0833.102.102
Câu hỏi thường gặp
Căn cứ khoản 1 Điều 32 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 2 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, bạn có thể làm đơn khởi kiện công ty tại Tòa án nơi người lao động làm việc.
Công ty không trả lương khi nghỉ việc người lao động có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình bằng cách sau:
– Gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương.
– Trường hợp công ty từ chối giải quyết hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty thì căn cứ theo Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP người lao động có thể khởi kiện ra Toà án nếu thuộc các trường hợp sau đây:
– Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khởi kiện tại tòa án.
– Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án.