Có thể thấy rằng, hiện nay có rất nhiều cửa hàng kinh doanh hàng hóa ký gửi như quần áo, giày dép, balo,… đặc biệt là các đồ dùng của các tiktoker dùng để quảng cáo. Với hình thức kinh doanh này, những người không có nhu cầu sử dụng có thể ký gửi hàng hóa và thu được một khoản tiền đồng thời bên cạnh đó những người có nhu cầu sử dụng sẽ mua được hàng hóa với mức giá rẻ hơn. Vậy, Kinh doanh hàng hóa ký gửi và hợp đồng ký gửi hàng hóa được quy định như thế nào? Hãy tìm hiểu vấn đề này của Luật sư X nhé.
Căn cứ pháp lý
- Luật Thương mại 2005
- Bộ luật Dân sự 2015
Thế nào là ký gửi hàng hóa?
Hiện nay, dịch vụ ký gửi hàng hoá là dịch vụ được rất nhiều người lựa chọn. Ký gửi hàng hóa là việc bên có tài sản, hàng hóa sẽ chuyển quyền quản lý, định đoạt tạm thời tài sản của mình cho bên nhận ký gửi thông qua hợp đồng.
Do đó, cũng có thể hiểu rằng hợp đồng ký gửi là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của các bên về việc bên ký gửi tạm thời chuyển quyền quản lý, định đoạt tài sản, hàng hóa cho bên nhận ký gửi.
Dưới góc độ pháp lý, hoạt động ký gửi hàng hóa có bản chất của hoạt động ủy thác mua bán hàng hóa. Việc này được ghi nhận tại Điều 155 Luật Thương mại 2005, cụ thể như sau:
“Điều 155. Uỷ thác mua bán hàng hóa
Uỷ thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác.”
Các sản phẩm, hàng hóa thường được ký gửi là quần áo, giày dép, đồ thời trang, truyện tranh, … và tuyệt đối không được ký gửi là hàng cấm, hàng hóa nguy hiểm,…
Hình thức hoạt động kinh doanh hàng hóa ký gửi
Về hình thức ký gửi: Kinh doanh hàng hóa ký gửi có thể áp dụng qua 2 hình thức là trực tiếp và gián tiếp.
Với hình thức trực tiếp, các khách hàng – người có nhu cầu ký gửi sẽ phải trực tiếp liên hệ và gửi sản phẩm mình muốn bán đến các cửa hàng kinh doanh hàng hóa ký gửi. Tại đây, các sản phẩm đó sẽ được trưng bày ngay tại cửa hàng và sẽ được bán trực tiếp cho khách hàng – người có nhu cầu mua sản phẩm với giá cả đã được thỏa thuận từ đầu.
Với hình thức gián tiếp, việc kinh doanh hàng hóa ký gửi sẽ diễn ra theo hình thức online, tức là sau khi nhận sản phẩm ký gửi, các sản phẩm này sẽ được đăng tải lên các trang mạng xã hội hoặc các trang thông tin điện tử và chờ đợi người có nhu cầu mua liên hệ. Với hình thức này, việc kinh doanh hàng hóa ký gửi sẽ không nhất thiết phải có mặt bằng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí sẽ khó thu hút được khách hàng hơn vì khách hàng hoàn toàn không được tận mắt nhìn thấy sản phẩm.
Về thủ tục ký gửi:
Người ký gửi hàng hóa đưa đồ đến cửa hàng để nhân viên xem xét, kiểm tra tình trạng sản phẩm. Nếu đồ không có khuyết điểm quá trầm trọng và có thể bán được sẽ tiến hành định giá. Bên ký gửi đưa ra mức giá muốn bán, bên nhận ký gửi có thể đồng ý hoặc hạ xuống. Sau cùng sẽ đi đến chốt giá, thời gian ký gửi tối đa và hợp đồng.
Về cách chiết khấu tiền dịch vụ:
– Bên nhận ký gửi được hưởng chiết khấu X% trên giá bán.
– Bên nhận ký gửi thanh toán cho bên ký gửi đúng với mức giá đã thỏa thuận. Còn bên nhận ký gửi bán với giá bao nhiêu là do họ quyết định.
Các bước kinh doanh hàng hóa ký gửi
Để kinh doanh hàng hóa ký gửi bạn cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Tìm kiếm nguồn hàng ký gửi
Việc đầu tiên cần làm khi muốn kinh doanh hàng hóa ký gửi chính là tìm được nguồn hàng ký gửi. Để tìm được nguồn hàng ký gửi bạn có thể dùng các trang mạng xã hội như một công cụ liên lạc giúp kết nối. Tuy nhiên, để việc kinh doanh trở nên có hiệu quả hơn, bạn cũng cần xác định được chính xác mặt hàng muốn kinh doanh trước khi liên hệ với bên cung cấp.
Bước 2: Tìm kiếm mặt bằng kinh doanh (đối với kinh doanh offline)
Với những ai đang muốn kinh doanh hàng ký gửi theo hình thức offline, sau khi tìm được nguồn hàng ưng ý, bước tiếp theo của việc kinh doanh chính là tiến hành tìm kiếm mặt bằng kinh doanh. Việc kinh doanh tại một địa điểm cụ thể sẽ giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy doanh nghiệp hơn và đồng thời đây cũng là một trong những cách giúp xây dựng sự uy tín đối với khách hàng. Tùy vào ngân sách bản thân có thể lựa chọn mặt bằng sao cho phù hợp. Tuy nhiên, nên lựa chọn những địa điểm gần các ngã tư hay mặt đường để có thể dễ dàng thu hút được nhiều khách hàng hơn.
Bước 3: Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu (tên, logo)
Sau khi tìm được địa điểm kinh doanh phù hợp, nên bắt tay vào việc thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp. Với mỗi doanh nghiệp kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu bao gồm tên thương hiệu, logo chính là một dấu ấn riêng giúp khách hàng dễ dàng phân biệt được doanh nghiệp với các đối thủ kinh doanh khác. Một trong những lưu ý khi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu đó chính là nên đồng nhất màu sắc logo, hình dáng và font chữ trong tất cả các ấn phẩm của doanh nghiệp. Một điều cần lưu ý đó là nên đăng ký thương hiệu cho cửa hàng của mình để tránh gặp phải rủi ro pháp lý.
Bước 4: Xây dựng kế hoạch kinh doanh
Việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cũng là một trong những bước vô cùng quan trọng khi bắt đầu kinh doanh hàng hóa ký gửi. Trong kế hoạch kinh doanh nên đề cập đầy đủ các thông tin về nguồn hàng, các chiến dịch quảng cáo, ngân sách,… Kế hoạch kinh doanh càng chi tiết thì khả năng thành công của cửa hàng là càng cao.
Bước 5: Tiến hành đăng ký kinh doanh
Để việc kinh doanh hàng ký gửi của mình trở nên hợp pháp, cần phải tiến hành đăng ký kinh doanh. Đầu tiên, hãy xác định thật rõ ràng loại hình pháp lý dự kiến thành lập (là doanh nghiệp hay hộ gia đình), tiếp đó là kê khai đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp và nộp đơn xin đăng ký cấp giấy phép kinh doanh. Để việc tiến hành đăng ký kinh doanh trở nên dễ dàng bạn có thể lựa chọn một số luật sư hoặc chuyên gia để được tư vấn kỹ càng hơn. Luật sư X sẽ hỗ trợ các bạn trong quá trình đăng ký kinh doanh với chi phí hợp lý nhất.
Bước 6: Sắp xếp hàng hóa và tiến hành kinh doanh
Cuối cùng, sau khi được cấp giấy phép kinh doanh, tiến hành sắp xếp hàng hóa và bắt đầu các hoạt động kinh doanh, buôn bán. Để hoạt động kinh doanh, buôn bán diễn ra hiệu quả nên sử dụng các hình thức quảng cáo khác nhau để tăng độ nhận biết về thương hiệu. Tùy vào ngân sách của mỗi doanh nghiệp, mức chi phí bỏ ra cho các hoạt động quảng cáo là sẽ khác nhau.
Những lưu ý khi ký hợp đồng ký gửi hàng hóa?
Chủ thể ký gửi hàng hóa
Hợp đồng ký gửi hàng hóa là một loại hợp đồng dịch vụ, do đó các bên trong hợp đồng là chủ thể của giao dịch dân sự theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và thỏa mãn các điều kiện theo quy định:
– Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
– Tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
Bên canh đó, các bên ký hợp đồng ký gửi cần phái đáp ứng thêm những điều kiện được quy định tại Điều 156, Điều 157 Luật Thương mại 2005, cụ thể như sau:
– Bên nhận uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác và thực hiện mua bán hàng hoá theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác.
– Bên uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân hoặc không phải là thương nhân giao cho bên nhận uỷ thác thực hiện mua bán hàng hoá theo yêu cầu của mình và phải trả thù lao uỷ thác.
Theo đó, bên nhận ủy thác phải là thương nhân, còn bên ủy thác có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân.
Đối tượng của hợp đồng ký gửi
Tất cả hàng hoá lưu được thông hợp pháp đều có thể được ký gửi mua bán. Trong đó, đối tượng của Hợp đồng ký gửi hoàng hóa thông thường là hàng hóa sử dụng trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Cần đặc biệt lưu ý hàng hóa ký gửi không được là hàng cấm, vũ khí, phương tiện nguy hiểm…
Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng ký gửi
Mọi quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng sẽ được thực hiện theo nội dung đã được thỏa thuận. Một số quyền, nghĩa vụ cơ bản của các bên ghi nhận trong Hợp đồng ký gửi hàng hóa gồm (căn cứ Điều 162, Điều 163, Điều 164, Điều 165 Luật Thương mại 2005).
– Quyền và nghĩa vụ của bên ký gửi (bên ủy thác)
+ Yêu cầu bên nhận uỷ thác thông báo đầy đủ về tình hình thực hiện hợp đồng uỷ thác;
+ Không chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật;
+ Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác
+ Trả thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác cho bên nhận ủy thác;
+ Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận;
+ Liên đới chịu trách nhiệm trong trường hợp bên nhận uỷ thác vi phạm pháp luật mà nguyên nhân do bên uỷ thác gây ra hoặc do các bên cố ý làm trái pháp luật.
– Quyền và nghĩa vụ của bên nhận ký gửi (ủy thác)
+ Yêu cầu bên uỷ thác cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
+ Nhận thù lao uỷ thác và các chi phí hợp lý khác;
+ Không chịu trách nhiệm về hàng hoá đã bàn giao đúng thoả thuận cho bên uỷ thác.
+ Thực hiện mua bán hàng hoá theo thỏa thuận;
+ Thông báo cho bên uỷ thác về các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng uỷ thác;
+ Giao tiền, giao hàng theo đúng thoả thuận….
Mẫu hợp đồng ký gửi hàng hoá 2022
Thông tin liên hệ Luật sư X
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật sư X về “Kinh doanh hàng hóa ký gửi và hợp đồng ký gửi hàng hóa”. Rất mong những kiến thức chúng tôi chia sẻ có ích cho bạn đọc.
Nếu quý khách có nhu cầu Tư vấn về hợp đồng mua bán nhà đất công chứng, Đổi tên khai sinh, Thành lập công ty, Đăng ký kinh doanh, Đăng ký bảo hộ thương hiệu, Trích lục hộ tịch, Giải quyết tranh chấp đất đai, Làm sổ đỏ,….. của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận. Để được tư vấn cũng như trả lời những thắc mắc của khách hàng trong và ngoài nước thông qua web lsx.vn, web nước ngoài Lsxlawfirm,…
Liên hệ hotline: 0833.102.102
Mời bạn xem thêm
- Những đồ không được ký gửi khi đi máy bay gồm những gì?
- Quy định hành lý ký gửi quốc tế như thế nào?
- Vi phạm xuất xứ hàng hóa bị xử phạt ra sao?
Câu hỏi thường gặp
Đại lý ký gửi hàng hóa có thể được đăng ký dưới một trong hai hình thức: đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, nếu quy mô nhỏ có thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
Khi giao kết hợp đồng ký gửi, các bên cần lưu ý những nội dung sau:
– Hình thức của hợp đồng ký gửi khi một bên là thương nhân, mục đích nhằm hưởng lợi nhuận phải được lâp bằng văn bản và các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương;
– Nội dung, mục đích của hợp đồng không được vi phạm điều cấm của pháp luật và đạo đức xã hội;
– Với những hợp đồng có giá trị lớn như: Hợp đồng ký gửi hàng hóa đại lý, hợp đồng ký gửi hàng hóa siêu thị, hợp đồng ký gửi nhà đất,…thời điểm giao nhận hàng cần có biên bản ký gửi hàng hóa ghi lại có xác nhận của hai bên hợp đồng;
– Các bên trong hợp đồng cần thỏa thuận rõ các điều khoản về: thời gian, địa điểm giao nhận hàng hóa ký gửi, tiền công, phương thức thanh toán,…
Các cửa hàng nhận ký gửi thường sẽ quy định một số sản phẩm nhất định để người có hàng hóa ký gửi mang đến bán. Thông thường phổ biến nhất là quần áo, giày dép, túi xách, tranh ảnh, truyện tranh,.. Một số nơi quy mô lớn hơn sẽ mở kho kí gửi để nhận mua bán các sản phẩm có giá trị cao như các loại đồ điện tử, nội thất, đồ trang trí, đồ gia dụng, đồ cổ, nhạc cụ, các loại thiết bị sang nhượng của quán cafe, văn phòng, phòng gym,…
Những hàng hóa đi ký gửi là những thứ không còn sử dụng nữa mới đem đi để bán lại. Tuy nhiên không phải tất cả những mặt hàng trưng bày trong cửa hàng ký gửi đều là đồ cũ. Đó có thể là đồ còn mới, nguyên tem mác, chưa dùng lần nào. Tuy nhiên chủ nhân của chúng không muốn dùng/không biết dùng làm gì thì mang đến ký gửi để thu về 1 khoản tiền. Và những người có nhu cầu mua đồ rẻ nhưng chất lượng sẽ tìm thấy thứ họ cần tại đây.