Xin chào luật sư. Hiện nay tôi đang vướng vào một vụ kiện tụng. Tôi muốn hòa giải ở cơ sở nhưng băn khoăn không biết vụ việc của mình có được tiến hành thủ tục hòa giải này không? Pháp luật hiện nay có bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải ở cơ sở không? Những vụ việc không được hòa giải ở cơ sở theo quy định là những vụ việc nào? Rất mong được luật sư hỗ trợ giải đáp thắc mắc. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Luật Sư X. Với thắc mắc của bạn chúng tôi xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý
Nội dung tư vấn
Hòa giải ở cơ sở là gì?
Theo quy định tại Điều 2 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 thì hòa giải ở cơ sở được hiểu là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định. Trong đó cơ sở được hiểu là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác.
Theo quy định hiện nay, không bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, đây lại là hình thức hòa giải dễ mang đến hiệu quả nhất, góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và giảm việc các bên kiện tụng tại tòa án và được khuyến khích thực hiện.
Nguyên tắc hòa giải ở cơ sở
Việc hòa giải ở cơ sở phải được thực hiện theo những nguyên tắc quy định tại Điều 4 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013. Theo đó, khi tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.
- Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.
- Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.
- Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
- Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
- Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.
Những vụ việc được hòa giải ở cơ sở
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP quy định việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:
– Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);
– Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
– Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;
– Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:
- Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
- Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
- Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
– Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;
– Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
Những vụ việc không được hòa giải ở cơ sở
Khoản 2 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP quy định sẽ không tiến hành hòa giải ở cơ sở đối với các trường hợp sau đây:
– Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
– Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này;
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này;
– Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:
- Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Có thể bạn quan tâm:
- Phân biệt hòa giải không được và không được hòa giải
- Đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải có đúng pháp luật không?
- Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được thì giải quyết thế nào?
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là tư vấn của Luật Sư X về vấn đề “Những vụ việc không được hòa giải ở cơ sở theo quy định“. Chúng tôi hy vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến Thủ tục cấp hộ chiếu tại Việt Nam; hợp thức hóa lãnh sự; giấy phép bay Flycam…. của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833.102.102.
Câu hỏi thường gặp
Việc hòa giải được tiến hành thông qua hòa giải viên ở cơ sở. Trường hợp các bên ở các cơ sở khác nhau thì việc hòa giải do hòa giải viên ở hai cơ sở thực hiện theo sự phối hợp, phân công của tổ hòa giải.
Các bước tiến hành hòa giải:
– Bước 1: Tiếp nhận căn cứ hòa giải
– Bước 2: Phân công hòa giải viên
– Bước 3: Tiến hành phiên hòa giải
– Bước 4. Kết thúc hòa giải
Hòa giải viên là người được công nhận để thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:
– Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;
– Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.