Năm 2021, để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tập trung phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Nhà nước đã triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả của chính sách thuế, hải quan. Cùng Luật sư X tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội. Chính phủ và các cấp, các ban ngành luôn sát sao đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tập trung phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Nhà nước kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực cho phát triển và tái khởi động nền kinh tế đất nước.
Tổng quan về chính sách thuế, hải quan
Thực hiện chỉ đạo về kinh tế – xã hội từ Trung ương, Bộ Tài chính đã triển khai các giải pháp tài khoá ứng phó với đại dịch Covid -19. Bộ Tài chính đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế, chính sách thuế, hải quan nhằm nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, tạo động lực để doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Cụ thể như: các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế trong năm 2021; Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020; Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; Nghị định 70/2020/NĐ-CP giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; triển khai hóa đơn điện tử; tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện thủ tục hải quan
Tổng cục Hải quan cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp để bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
Trong đó, Tổng cục Hải quan luôn xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần được thực hiện thường xuyên, đồng bộ, vì mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong các năm 2020, 2021, công tác cải cách hành chính càng được đẩy mạnh.
Thủ tục hải quan điện tử
Đến nay, cơ bản các bước của thủ tục hải quan đã được thực hiện bằng phương thức điện tử. Một số chứng từ, trước đây doanh nghiệp phải nộp bản giấy (theo quy định của các Bộ, ngành) đến nay cũng được nộp bằng phương thức điện tử với chữ ký số, tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 quy định cắt giảm 06 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 13 điều kiện kinh doanh trên tổng số 29 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 22 thành phần hồ sơ trên tổng số 52 thành phần hồ sơ của các thủ tục công nhận cửa hàng miễn thuế, kho, bãi, địa điểm đã quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.
Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa
Là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã tham mưu đẩy mạnh thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và đang chủ trì xây dựng Nghị định “Quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.”
Việc đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành theo Nghị định được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm đầu mối tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức. Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ước tính trong 01 năm, tiết kiệm gần 1.376 tỷ đồng (xấp xỉ 59,1 triệu USD) cho doanh nghiệp và 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu USD) cho nền kinh tế.
Kết quả đạt được
Trong bối cảnh đại dịch, Tổng cục Hải quan cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục Hải quan. Năm 2021, tất cả thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS với 100% đơn vị Hải quan trên phạm vi toàn quốc, hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 đến 3 giây. Thu Ngân sách nhà nước liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu cũng được thực hiện bằng phương thức điện tử đạt 99,8% trên tổng số thu.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Trong năm 2021, Tổng cục Hải quan thực hiện tích hợp 26 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nhiều chính sách thuế được triển khai hiệu quả
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội, Tổng cục Thuế đã tham mưu, tham gia trình Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ứng phó với đại dịch Covid -19.
Gia hạn thời hạn nộp thuế
Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2021. Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Thực hiện Nghị định 52, tính đến ngày 23/12/2021, ngành Thuế đã tiếp nhận và giải quyết gia hạn thời hạn nộp thuế cho gần 140.000 người nộp thuế. Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định 52 là trên 92.000 tỷ đồng, trong đó tiền thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp, tổ chức là trên 44.000 tỷ đồng. Số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp là 45.000 tỷ đồng. Thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh được gia hạn là trên 400 tỷ đồng. Tiền thuê đất được gia hạn trên 2.500 tỷ đồng.
Miễn, giảm thuế
Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1148/ /2020/UBTVQH14 ngày 21 tháng 12 năm 2020 về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Trước diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, trước những ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân. Tổng cục Thuế cùng với các Vụ, đơn vị của Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 về việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nội dung thực hiện giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với người thuê đất trực tiếp dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đồng thời, ban hành Thông tư số 47/20221/TT-BTC ngày 24 tháng 6 năm 2021 về việc giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khan cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Thông tư này áp dụng từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Chính sách hỗ trợ khác
Bên cạnh đó, ngành Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15…
Trong điều kiện dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trong thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế, tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp, người dân.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc. Nếu có vấn đề pháp lý cần giải quyết, vui lòng liên hệ Luật sư X: 0833102102
Có thể bạn quan tâm:
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra thực tế hàng hóa, nêu Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan có đề nghị bằng văn bản hoặc gửi đề nghị qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử Hải quan thì Chi cục Hải quan nơi lưu giữ hàng hóa thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa.
Giám sát hải quan là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa, sự tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo quản, lưu giữ, xếp dỡ, vận chuyển, sử dụng hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lý hải quan.
Hồ sơ hải quan gồm tờ khai hải quan, các chứng từ phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan theo quy định của Luật Hải quan.