Người khuyết tật do có những khuyến khuyết trên cơ thể, nên việc tiếp cận với việc làm khá khó khăn. Hơn nữa, không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ chối tuyển dụng; hoặc dè dặt khi xét hồ sơ xin việc của người khuyết tật. Vậy hành vi không tuyển dụng người khuyết tật có vi phạm pháp luật không? Trong nội dung bài viết này, phòng tư vấn Luật lao động của Luật sư X sẽ giới thiệu đến bạn đọc quy định của pháp luật về vấn đề này.
Cơ sở pháp lý
Nội dung tư vấn
Người khuyết tật là ai?
Người khuyết tật có thể do: Bẩm sinh, bệnh tật, chiến tranh, sinh hoạt, tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Dù bị khuyết tật bởi bất cứ nguyên nhân gì; thì đều khiển họ gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại trong sinh hoạt, cuộc sống. Tại khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật 2010 đưa ra khái niệm về người khuyết tật như sau:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1, Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
Như vậy, người khuyết tật là người bị khiếm khuyết bộ phận trên cơ thể; mắc có các dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Các dạng tật họ mắc phải có thể là: Khuyết tật vận động; Khuyết tật nghe, nói; Khuyết tật nhìn; Khuyết tật thần kinh, tâm thần; Khuyết tật trí tuệ;…
Quyền lao động, có việc làm của người khuyết tật
Người khuyết tật là đối tượng yếu thế trong xã hội; họ gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại trong sinh hoạt, cuộc sống. Do đó, được Nhà nước và pháp luật đặc biệt quan tâm, bảo vệ đặc biệt trong lĩnh vực lao động. Để đảm bảo quyền lao động, việc tuyển dụng người khuyết tật được công bằng, đúng pháp luật; tại Điều 158 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:
Điều 158. Chính sách của Nhà nước đối với lao động là người khuyết tật
Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của người lao động là người khuyết tật; có chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp đối với người sử dụng lao động trong tạo việc làm và nhận người lao động là người khuyết tật vào làm việc theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.
Hơn nữa, pháp luật quy định người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động; công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động; và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật; khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ. Ngoài ra, người sử dụng lao động hạn chế; hoặc không được phép để người khuyết tật làm thêm giờ; làm việc vào ban đêm, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,…
Không tuyển dụng người khuyết tật bị xử lý như thế nào?
Thực tế hiện nay, không ít nhà tuyển dụng từ chối tuyển dụng hoặc dè dặt khi xét hồ sơ xin việc của người khuyết tật; bởi nghi ngại, định kiến không tốt về năng lực, ngoại hình… của người khuyết tật. Do đó, để đảm bảo quyền lao động, có việc làm của người khuyết tật; pháp luật nghiêm cấm hành vi từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn làm việc.
Căn cứ khoản 1 Điều 13 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em như sau:
Điều 13. Vi phạm quy định trách nhiệm về lao động, việc làm của người sử dụng lao động đối với người khuyết tật
1, Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật.
Như vậy, người tuyển dụng có hành vi từ chối, cản trở; cố tình đặt ra các điều kiện tuyển dụng trái quy định pháp luật nhằm hạn chế; không tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc; sẽ bị xử phạt hành chính, với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Hy vọng những thông tin Luật sư X cung cấp hữu ích với bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Mời bạn xem thêm: Kỳ thị, xúc phạm người khuyết tật bị xử lý thế nào?
Câu hỏi thường gặp
Sử dụng lao động là người khuyết tật, người sử dụng cần đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là người khuyết tật.
+ Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của người lao động là người khuyết tật khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.
Các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật bao gồm:
+ Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.
+ Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.
Người khuyết tật được bảo đảm thực hiện các quyền sau đây:
+ Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;
+ Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;
+ Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội;
+ Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật (như tham gia bầu cử, kết hôn, tiếp cận thông tin,…)