Xin chào Luật sư X. Tôi và chồng tôi tới nay đã chung sống với nhau gần 50 năm. Nay chồng tôi đang lâm vào bạo bệnh, bệnh tình đã đến thời kì cuối. Cả hai chúng tôi đều lập nghiệp từ tay trắng, tài sản hầu hết đứng tên chồng tôi. Xin hỏi tôi là vợ nhưng không đăng ký kết hôn có hưởng thừa kế không? Tôi rất mong được luật sư giải đáp giúp tôi về vấn đề này. Mong nhận được phản hồi sớm nhất từ phía luật sư. Xin chân thành cảm ơn.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Luật sư X chúng tôi. Dưới đây là bài viết “Không đăng ký kết hôn có được hưởng thừa kế không?” Mời bạn cùng đón đọc để tìm ra lời giải đáp cho vấn đề của mình.
Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015.
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
- Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP
Quy định chung về quan hệ hôn nhân
Mối quan hệ trong hôn nhân là một mối quan hệ đặc thù, liên đới nhiều quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên nam, nữ. Vì vậy, việc xác lập quan hệ hôn nhân cũng mang tính đặc thù riêng biệt. Điều này nằm ở hai tiêu chí là Điều kiện kết hôn và quy định về Đăng ký kết hôn được pháp luật ghi nhận trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Điều kiện kết hôn
Căn cứ dựa trên cơ sở pháp lý tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, giải thích như sau:
” Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.
2. Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này.
3. Chế độ hôn nhân và gia đình là toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn; quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
…
5. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.”
Như vậy, kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Dẫn chiếu theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Điều kiện kết hôn như sau:
“Điều 8. Điều kiện kết hôn
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Quy định đăng ký kết hôn
Một mối quan hệ hôn nhân được xem là hợp pháp, không chỉ cần phải có đủ điều kiện kết hôn mà còn phải được đăng ký một cách hợp pháp. Căn cứ theo Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cụ thể dưới đây.
” Điều 9. Đăng ký kết hôn
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.”
Như đã phân tích phía trên thì mối quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ chỉ hợp pháp khi chứa đầy đủ những yếu tố mà pháp luật quy định. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ được ghi nhận tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP về Hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 9 tháng 6 năm 2000 của Quốc hội “Về việc thi hành án Luật Hôn nhân và gia đình”.
Theo khoản 2 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định cụ thể về mối quan hệ hôn nhân trước thời điểm ngày 03/01/1987 như sau:
” 2. Đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực) mà có đủ điều kiện kết hôn, nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003; do đó, cần phân biệt như sau:
a. Kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003 nếu họ chưa đăng ký kết hôn hoặc đã đăng ký kết hôn mà họ có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý trong trường hợp họ thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, thì quan hệ của họ vẫn được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Việc đăng ký kết hôn theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội do Bộ Tư pháp hướng dẫn.
b. Kể từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ không được công nhận là vợ chồng; nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết và áp dụng điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, bằng bản án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.”
Điều này có nghĩa là: Nếu trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 thì phải nhanh chóng đi làm thủ tục đăng ký kết hôn, để xác lập quan hệ vợ, chồng hợp pháp. Nếu sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ không được công nhận là vợ chồng.
Còn nam, nữ đã chung sống với nhau từ trước ngày 03/01/1987 trở đi thì mối quan hệ đó vẫn được xem là mối quan hệ vợ, chồng hôn nhân hợp pháp. Quyền và nghĩa vụ về thân nhân và tài sản sẽ dựa trên Bộ luật dân sự năm 2015 để xem xét.
Giải quyết quan hệ tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Như đã phân tích kĩ phía trên, thì việc giải quyết, phân chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, sẽ dựa vào yếu tố thời điểm và dựa trên Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết.
Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”
Không đăng ký kết hôn có được hưởng thừa kế không?
Theo như những phân tích quy định pháp luật phía trên, Nhà nước sẽ chỉ thừa nhận quan hệ vợ chồng đối với nam, nữ không đăng ký kết hôn nhưng sống chung với nhau như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987. Vì thế nên trường hợp này mới được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật khi một bên vợ hoặc chồng chết .
Ngoài ra, nếu đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 nhưng kể từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn. Thì người vợ trong trường hợp này vẫn có thể được thừa hưởng di sản của chồng thông qua việc người chồng lập di chúc. Theo quy định tại Chương XXII Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Thừa kế theo di chúc. Còn nếu một người chết đột ngột, không kịp để lại di chúc thì người còn lại sẽ không thể thừa hưởng phần di sản còn lại đó.
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn của Luật sư X về vấn đề “Không đăng ký kết hôn có được hưởng thừa kế không?” . Chúng tôi hy vọng rằng với câu trả lời trên bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến xác nhận tình trạng độc thân, thành lập công ty hợp danh, thủ tục xin giải thể công ty cổ phần, tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, hợp thức hóa lãnh sự tại Việt Nam, đăng ký mã số thuế cá nhân mới nhất, đơn xin trích lục quyết định ly hôn, giấy phép bay flycam; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, …. của Luật sư X. Hãy liên hệ: 0833102102.
Mời bạn xem thêm:
- Chồng chết vợ có được hưởng thừa kế của bố mẹ?
- Vợ có được thừa kế tài sản riêng của chồng không?
- Nguyên tắc hôn nhân tự nguyện tiến bộ trong chế định kết hôn
Câu hỏi thường gặp:
Tài sản được tạo lập trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ chồng.
Trường hợp vợ chồng cùng thỏa thuận nhập tài sản đó vào khối tài sản chung của vợ chồng theo quy định pháp luật hoặc không có căn cứ chứng minh được tài sản đó được tạo lập trước khi kết hôn thì tài sản đó là tài sản chung của vợ chồng.
Tài sản chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng bao gồm các tài sản là động sản bắt buộc phải đăng ký và bất động sản theo Bộ luật dân sự hiện hành.
Sau khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì vợ chồng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng thỏa thuận ghi tên một trong hai người.
Vợ/ chồng người nước ngoài vẫn có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng hoặc chung của vợ chồng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, người nước ngoài bị hạn chế quyền sở hữu đối với những tài sản sau:
Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
Nhà ở nằm ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và trong khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh hoặc vượt quá số lượng nhà ở cho phép mua theo quy định của pháp luật Việt Nam;
Đối với tài sản là động sản không cần phải đăng ký thì người nước ngoài có quyền sở hữu hợp pháp thông qua các giao dịch dân sự. Đối với tài sản là động sản bắt buộc phải đăng ký thì thực hiện theo quy định pháp luật liên quan.