Chào Luật sư, tôi và gia đình có dự định kinh doanh nhỏ dưới hình thức hộ kinh doanh. Luật sư cho tôi hỏi Hộ kinh doanh có được hoàn thuế GTGT không? Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư rất nhiều vì đã trả lời câu hỏi của tôi.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Để có thể cung cấp cho bạn thông tin về Hộ kinh doanh có được hoàn thuế GTGT không? Luật sư X mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi.
Căn cứ pháp lý
Hộ kinh doanh theo pháp luật là gì?
Hiện nay không có quy định nào định nghĩa về hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”.
Hóa đơn VAT là gì?
Hóa đơn VAT (Value-Added Tax) có tên gọi khác là hóa đơn đỏ, hóa đơn giá trị gia tăng, do Bộ tài chính phát hành, hoặc doanh nghiệp tự đặt in sau khi đã đăng ký mẫu với cơ quan thuế.
Đây là một chứng từ có giá trị pháp lý, thể hiện giá trị hàng hóa (dịch vụ) mà người bán cung cấp cho người mua, được coi là căn cứ nhằm xác định số tiền thuế mà doanh nghiệp cần nộp vào ngân sách Nhà nước.
Khi nào các doanh nghiệp được xuất hóa đơn VAT?
Để xuất hóa đơn VAT, các doanh nghiệp cần đảm bảo đáp ứng đầy đủ theo các quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
– Với các doanh nghiệp đã thành lập lâu năm: Doanh nghiệp phải được thành lập hợp pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, sở hữu tên riêng đã được Sở kế hoạch và đầu tư trực thuộc UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp có thể đăng ký tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
– Với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp có thể lựa chọn tự nguyện đăng ký thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:
+ Đảm bảo doanh nghiệp đang hoạt động, có nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, hoặc đã mua sắm, đầu tư, nhận góp vốn bằng tài sản cố định, máy móc, dụng cụ, thiết bị…
+ Sở hữu hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh, hoặc được phép in hóa đơn GTGT do đã đăng ký tính thuế theo phương pháp khấu trừ. Nếu doanh nghiệp được đặt in hóa đơn hoặc tự in hóa đơn thì cần thỏa mãn các điều kiện về in hóa đơn theo đúng quy định của pháp luật.
+ Trong trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký khấu trừ thuế theo phương pháp trực tiếp, thì doanh nghiệp cần gửi thông báo áp dụng phương pháp tính thuế GTGT gửi lên Chi cục thuế, hoặc Cục thuế địa phương – nơi doanh nghiệp đang chịu sự quản lý (Trong đó cần ghi rõ: Tên người nộp thuế, mã số thuế, địa chỉ, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và lý do, kiến nghị của mình).
Sau khi đăng ký tự nguyện áp dụng theo phương pháp khấu trừ thuế thì sẽ được xuất hóa đơn VAT hợp pháp.
Hộ kinh doanh có được xuất hóa đơn VAT không?
Theo quy định tại Điều 5, Thông tư 119/2014/TT-BTC, hóa đơn VAT là loại hóa đơn chỉ dành cho các tổ chức khai, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ cho các hoạt động như:
– Bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ nội địa.
– Các hoạt động vận tải quốc tế.
– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như là xuất khẩu.
Trong khi luật thuế GTGT sửa đổi năm 2013 quy định: Phương pháp khấu trừ chỉ được áp dụng với các trường hợp sau:
– Cơ sở kinh doanh có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên, trừ cá hộ, cá nhân kinh doanh.
– Các cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện, áp dụng theo phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.
Hộ kinh doanh xuất hóa đơn như thế nào?
Do không được kê khai, tính thuế GTGT, nên hộ kinh doanh nếu muốn xuất hóa đơn thì có thể thực hiện như sau:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 11, Thông tư 39/2014/TT-BTC, hộ kinh doanh sẽ nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, tỷ lệ phần trăm nhân doanh thu thuộc đối tượng được mua hóa đơn của Cơ quan thuế.
Nội dung việc mua bán hóa đơn của Cơ quan thuế được quy định rõ ràng tại Điểm b, Khoản 2, Điều 12, Thông tư trên như sau:
– Cơ quan thuế bán tối đa 1 quyển 50 số mỗi loại hóa đơn cho hộ kinh doanh lần đầu
– Với các lần sau, tùy thuộc vào tình hình kê khai nộp thuế và đề nghị mua hóa đơn, Cơ quan thuế sẽ giải quyết bán hóa đơn trong ngày với số lượng không quá số lượng hóa đơn đã sử dụng của tháng trước đó.
– Nếu không có nhu cầu sử dụng hóa đơn quyển và muốn thay đổi sang hóa đơn lẻ, thì được mua hóa đơn lẻ (1 số) theo từng lần phát sinh, không cần nộp tiền.
Tóm lại, hộ kinh doanh không thể xuất hóa đơn VAT như doanh nghiệp, nhưng hoàn toàn có thể xuất hóa đơn do Cơ quan thuế bán theo tháng.
Hộ kinh doanh có được hoàn thuế GTGT không?
Liên quan đến vấn đề này, tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 130/2016/TT-BTC quy định:
“Điều 18. Đối tượng và trường hợp được hoàn thuế GTGT
1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trong quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Trường hợp cơ sở kinh doanh có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết phát sinh trước kỳ tính thuế tháng 7/2016 (đối với trường hợp kê khai theo tháng) hoặc trước kỳ tính thuế quý 3/2016 (đối với trường hợp kê khai theo quý) đủ điều kiện hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Doanh nghiệp A thực hiện khai thuế GTGT theo quý, tại kỳ tính thuế quý 3/2016 có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết là 80 triệu thì doanh nghiệp A được khấu trừ vào kỳ tính thuế quý 4/2016. Trường hợp các kỳ tính thuế quý 4/2016, quý 1/2017 và quý 2/2017 vẫn còn số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết thì doanh nghiệp A chuyển số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết để tiếp tục khấu trừ tại kỳ tính thuế quý 3/2017 và các kỳ tính thuế tiếp theo.”
Như vậy, đối tượng được hoàn thuế GTGT là cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế.
Bên cạnh đó, tại Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định:
“Điều 12. Phương pháp khấu trừ thuế
1. Phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:
a) Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;
b) Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư này;
c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.”
Như vậy, hộ kinh doanh không thuộc đối tượng được xem xét hoàn thuế theo quy định pháp luật.
Thông tin liên hệ
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về “Hộ kinh doanh có được hoàn thuế GTGT không?”. Nếu quý khách có nhu cầu soạn thảo hồ sơ ngừng kinh doanh; đăng ký bảo vệ thương hiệu; cách tra cứu thông tin quy hoạch, giấy phép flycam, thủ tục xin hợp pháp hóa lãnh sự, tra cứu thông tin quy hoạch, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân mới nhất, max số thuế cá nhân, thay đổi tên bố mẹ nuôi trong giấy khai sinh, hợp pháp hóa lãnh sự Hà Nội, công chứng ủy quyền tại nhà… của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.
Liên hệ hotline: 0833.102.102.
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: youtube.com/Luatsux
Mời bạn xem thêm
- Án treo có được đi làm không?
- Án treo là một loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù phải không?
- Cải tạo không giam giữ có được đi làm không?
Câu hỏi thường gặp
Theo khoản 7 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013 quy định cụ thể:
– Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp lũy kế sau ít nhất mười hai tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc ít nhất sau bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ mà vẫn còn số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.
Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.
– Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý.
– Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.
– Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hoá mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh.
– Việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo được quy định như sau:
a) Chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản lý chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại được hoàn số thuế giá trị gia tăng đã trả cho hàng hoá, dịch vụ mua tại Việt Nam để phục vụ cho chương trình, dự án;
b) Tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại, tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam thì được hoàn số thuế giá trị gia tăng đã trả cho hàng hóa, dịch vụ đó.
– Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế giá trị gia tăng đã trả ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.
– Cơ sở kinh doanh có quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì chủ hộ kinh doanh là một trong các đối tượng sau:
– Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh;
– Người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp sau đây:
– Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Lưu ý:
+ Cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
+ Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
(Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)