Công chức sử dụng bằng giả có bị buộc thôi việc không? Xử lý kỷ luật công chức dùng bằng giả được thực hiện như thế nào? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Trong nội dung bài tư vấn này, Luật sư X sẽ giới thiệu đến bạn đọc quy định của pháp luật về vấn để này.
Cơ sở pháp lý
Nội dung tư vấn
Công chức là ai?
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi bổ sung 2019 quy định:
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Như vậy, để trở thành công chức phải đáp ứng điều kiện: đủ 18 tuổi trở lên, Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; Có đơn dự tuyển, lý lịch rõ ràng, có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt. Công chức hiện nay được tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển trừ trường hợp đã có cam kết tình nguyện làm việc từ 05 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo…Ngoài ra, công chức phải trải qua quá trình tập sự để làm quen với môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng.
Công chức sẽ làm việc tại các cơ quan đơn vị là: cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện; hệ thống Tòa án nhân dân, hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân; cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, tỉnh, huyện; cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
Công chức dùng bằng giả có bị buộc thôi việc không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 13. Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với công chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
3, Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Như vậy, theo quy định trên, công chức có hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả không hợp pháp để tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc. Ngoài ra, tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm, công chức còn có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi sử dụng bằng giả để tuyển dụng vào cơ quan nhà nước.
Thủ tục xử lý kỷ luật công chức dùng bằng giả
Căn cứ Điều 25 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định trình tự xử lý kỷ luật công chức gồm 03 bước như sau:
Bước 1: Tổ chức họp kiểm điểm công chức dùng bằng giả
Tổ chức họp kiểm điểm là bước đầu tiên và bắt buộc khi tiến hành kỷ luật công chức dùng bằng giả. Tuy nhiên, trong trường hợp công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật thì không bắt buộc phải tổ chức họp kiểm điểm.
- Trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm công chức như sau:
+ Công chức dùng bằng giả không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm.
+ Trường hợp người bị kiểm điểm là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu thì lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm tổ chức cuộc họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.
- Tổ chức cuộc họp kiểm điểm được tiến hành như sau:
+ Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do cuộc họp.
+ Người có hành vi vi phạm trình bày bản kiểm điểm, trong đó nêu rõ hành vi vi phạm và tự nhận hình thức kỷ luật.
Trường hợp người có hành vi vi phạm có mặt tại cuộc họp nhưng không làm bản kiểm điểm thì cuộc họp kiểm điểm vẫn được tiến hành. Trường hợp người có hành vi vi phạm vắng mặt thì cuộc họp kiểm điểm được tiến hành sau 02 lần gửi thông báo triệu tập họp;
+ Thành viên tham dự cuộc họp phát biểu, nêu rõ ý kiến.
+ Người chủ trì cuộc họp kết luận. Nội dung cuộc họp kiểm điểm phải được lập thành biên bản.
Bước 2: Thành lập Hội đồng kỷ luật công chức dùng bằng giả
Căn cứ Điều 27 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định: Hội đồng kỷ luật họp khi có từ 03 thành viên trở lên tham dự, trong đó phải có Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng. Hội đồng kỷ luật kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật thông qua bỏ phiếu kín. Việc họp Hội đồng kỷ luật phải được lập thành biên bản, trong đó thể hiện rõ ý kiến của các thành viên dự họp và kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật. Hội đồng kỷ luật tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trong một vài trường hợp đặc biệt không thành lập Hội đồng kỷ luật, cụ thể là: Đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất hình thức kỷ luật. Đã có quyết định xử lý kỷ luật đảng.
Bước 3: Cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật công chức dùng bằng giả
Sau khi tổ chức họp kiểm điểm và thành lập Hồi đồng kỷ luật, người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
Hy vọng những thông tin Luật sư X cung cấp hữu ích với bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Mời bạn xem thêm: Quy định về xử lý kỷ luật công chức đã nghỉ hưu
Câu hỏi thường gặp
Căn cứ khoản 1 Điều 80 Luật cán bộ công chức 2008 sửa đổi bổ sung 2019 quy định: Thời hiệu xử lý kỷ luật công chức là 05 năm kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Căn cứ quy định Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, công chức có hành vi sử dụng tài liệu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng – 02 năm.
Đặc biệt, hành vi này có thể bị phạt tù đến 07 năm nếu sử dụng tài liệu hoặc giấy tờ khác để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên.