Tố giác tội phạm là một trong những nghĩa vụ của công dân góp phần đảm bảo việc phát hiện, xử lý tội phạm của cơ quan có thẩm quyền, là trách nhiệm của công dân trong việc phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm. Theo đó nếu không tố giác tội phạm có thể dẫn đến hệ luỵ xấu như người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm, không thể ngăn ngừa kịp thời tội phạm, gây nguy hiểm cho người khác và cả cộng đồng. Với sự nghiêm trọng này, pháp luật quy định người không tố giác tội phạm sẽ bị xử lý. Vậy như thế nào được coi là không tố giác tội phạm? Không tố giác tội phạm bị xử lý như thế nào? Có xử phạt hành chính người không tố giác? Trong trường hợp nào không tố giác tội phạm nhưng không phạm tội? Để làm rõ vấn đề này, Luật sư X xin giới thiệu bài viết “Có xử phạt hành chính hành vi không tố giác tội phạm không?“. Mời bạn đọc cùng tham khảo.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
- Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15
Không tố giác tội phạm được hiểu như thế nào?
Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015, và quy định về khái niệm của “tố giác về tội phạm” được quy định tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì có thể hiểu Không tố giác tội phạm như sau:
Không tố giác tội phạm là việc biết mà không báo, phát hiện hành vi phạm tội mà coi như không biết, im lặng, không trình báo cho cơ quan chức năng được biết để xử lý. Việc phát hiện tội phạm có thể diễn ra khi người phạm tội đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội hoặc trong khi hành vi phạm tội đang được thực hiện hoặc đã thực hiện xong.
“Tố giác tội phạm” được xem xét như một nghĩa vụ bắt buộc của công dân phát sinh ngay sau khi họ biết, phát hiện về việc thực hiện hành vi phạm tội của người khác. Đây chính là trách nhiệm của công dân trong việc phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Bất kỳ một người nào tình cờ hoặc bằng cách nào đó biết hoặc chứng kiến hành vi phạm tội của người khác đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện xong, mặc dù họ có đủ điều kiện để thực hiện việc tố giác tội phạm nhưng đã cố tình không tố giác tội phạm, hay trình báo sự việc lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì trường hợp này, họ có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Có xử phạt hành chính hành vi không tố giác tội phạm không?
Hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật không hề đề cập tới việc xử phạt hành chính với hành vi không tố giác tội phạm. Mà với hành vi này thì theo quy định của Bộ luật hình sự thì người vi phạm khi không tố giác đối với một số tội phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể Tội không tố giác tội phạm được quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 138 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“Điều 390. Tội không tố giác tội phạm
1.Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”
Trong đó căn cứ theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật Hình sự 2015 thì người thực hiện hành vi không “tố giác” hành vi phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội không tố giác tội phạm nếu tội phạm mà họ không tố giác thuộc một trong các tội sau đây:
Các tội được quy định trong Bộ luật hình sự tại các Điều 108, đến Điều 123, Điều 134, Điều 207, Điều 299, Điều 300, đến Điều 303 và Điều 324, Điều 109, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154; Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178; Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224; Khoản 2 và khoản 3 Điều 243; Điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259; các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282,, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329; Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365; khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386; điều 421, 422, 423, 424 và 425.
Tuy nhiên trong các trường hợp sau người không tố giác tội phạm sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự. Cụ thể:
– Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của Bộ luật này hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.
Đối với chủ thể đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành của tội Không tố giác tội phạm, nhưng họ đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc có những biện pháp để hạn chế tác hại của tội phạm mà mình không tố giác thì tùy vào từng mức độ mà Tòa án có thể xem xét cho người này được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Tố giác, tin báo về tội phạm sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính
Đây chính là quy định mới được thể hiện tại Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2022.
Theo Điều 9 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định về hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì sẽ bị xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này:
+ Cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền;
+ Lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
– Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Theo đó không tố giác tội phạm là hành vi vi phạm pháp luật. Công dân nếu phát hiện tội phạm và có đủ điều kiện để trình báo nhưng lại không thực hiện thì sẽ vi phạm. Đồng thời nếu trình báo nhưng lại không đúng sự thật thì cũng bị xử lý.
Căn cứ Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự, người tố giác, báo tin về tội phạm có nghĩa vụ sau: Phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.
Do đó nếu họ tố giác tội phạm mà sai sự thật thì sẽ bị xử phạt do hành vi cản trợ hoạt động tố tụng với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng tuỳ đối tượng thực hiện và hậu quả gây ra. Người vi phạm cong bị tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính trên.
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn về “Có xử phạt hành chính hành vi không tố giác tội phạm không?”. Nếu cần giải quyết nhanh gọn các vấn đề liên quan tới hồ sơ, thủ tục tạm ngừng kinh doanh hoặc thủ tục giải thể công ty như giải thể công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn,… và muốn tham khảo mẫu xin tạm ngừng kinh doanh; hoặc để dược tư vấn về các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay tới Luật sư X để chúng tôi nhanh chóng tư vấn hỗ trợ và giải quyết vụ việc. Với các luật sư có chuyên môn cao cùng kinh nghiệm dày dặn, chúng tôi sẽ hỗ trợ 24/7, giúp bạn tiết kiệm chi phí và ít đi lại.
Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Mời bạn xem thêm:
Câu hỏi thường gặp
Căn cứ Điều 23 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định :
“Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.“
Theo đó nếu các đối tượng là cán bộ, công chức viên chức mà có hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật sẽ bị xử lý kỷ luật.
Việc tố giác tội phạm được thực hiện theo các bước sau:
–Bước 1: Xác định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Trước khi tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố với cơ quan Công an, đề nghị xác định sơ bộ về tính chất, mức độ vụ việc, trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết của cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền để từ đó cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến đúng cơ quan có thẩm quyền, tránh mất thời gian, gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, điều tra, khám phá tội phạm.
Việc xác định cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định tại Điều 9 và Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan Công an tương ứng với thẩm quyền xét xử của Tòa án. Theo đó, chỉ có cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp quận, huyện, thị xã; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có chức năng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Bước 2: Lựa chọn hình thức và tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố có thể bằng các hình thức sau:
– Bằng miệng (trực tiếp đến trình báo hoặc tố giác, báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1);
– Bằng văn bản (gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1).
Khi tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố tới cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin.
Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
– Khi hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
– Khi hết thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Khoản 1, khoản 2 Điều 144 BLTTHS năm 2015 quy định:
“1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.”
Tố giác và tin báo về tội phạm có những điểm khác nhau sau:
– Về chủ thể cung cấp:
+ Tố giác về tội phạm: Chủ thể tố giác tội phạm là cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng.
+ Tin báo về tội phạm: Ngoài cá nhân, chủ thể báo tin về tội phạm còn bao gồm cơ quan, tổ chức.
– Về yếu tố phát hiện hành vi:
+ Tố giác về tội phạm: Chủ thể phải là người phát hiện, có thể là bị hại hoặc người trực tiếp chứng kiến hành vi có dấu hiệu tội phạm xảy ra.
+ Tin báo về tội phạm: Chủ thể có thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm như được nghe lại, kể lại, có thông tin từ người khác,… và báo cho cơ quan có thẩm quyền.
Cá nhân có thể là chủ thể cung cấp tin báo về tội phạm, chủ thể tố giác tội phạm. Như vậy, nhận định “Theo quy định khoản 1, khoản 2 Điều 144 BLTTHS năm 2015, chỉ cần căn cứ vào người đi tố giác là cá nhân hay tổ chức để phân biệt đó là tố giác hay tin báo về tội phạm.” là chưa chính xác.