Để tính thuế hoặc thống kê đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cần phải xác định trị giá hải quan. Khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, người khai hải quan cần xác định trị giá hải quan để tính và xác định số thuế phải nộp. Người khai hải quan tự xác định trị giá hải quan theo nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được trình bày sau đây hoặc gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan để đề nghị xác định trước trị giá.
Tham khảo bài viết về cách tính thuế hải quan theo quy định mới dưới đây của Luật sư X.
Nguyên tắc xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu
Trị giá hải quan là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế (I), phí vận tải quốc tế (F), được xác định bằng cách áp dụng tuần tự các phương pháp xác định trị giá hải quan hàng xuất khẩu theo quy định và dừng ngay tại phương pháp xác định được trị giá hải quan.
Việc xác định trị giá hải quan phải căn cứ vào chứng từ, tài liệu, số liệu khách quan, định lượng được.
Trị giá hải quan hàng xuất khẩu được xác định bằng cách áp dụng tuần tự các phương pháp sau và dừng ngay tại phương pháp xác định được trị giá hải quan:
- Xác định giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất
- Xác định giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự tại cơ sở dữ liệu trị giá hải quan
- Xác định giá bán của hàng hóa xuất khẩu giống hệt, tương tự tại thị trường Việt Nam
- Xác định giá bán của hàng hóa xuất khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại
- Xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu trong trường hợp đặc biệt
Nguyên tắc xác định trị giá hải quan hàng nhập khẩu
Trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định bằng cách áp dụng tuần tự sáu phương pháp (Phương pháp trị giá giao dịch; Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu giống hệt; Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự; Phương pháp trị giá khấu trừ; Phương pháp trị giá tính toán; Phương pháp suy luận), và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá hải quan.
Trường hợp người khai hải quan đề nghị bằng văn bản thì trình tự áp dụng phương pháp trị giá khấu trừ và phương pháp trị giá tính toán có thể hoán đổi cho nhau. Việc xác định trị giá hải quan phải căn cứ vào chứng từ, tài liệu, số liệu khách quan, định lượng được.
Trị giá hải quan hàng nhập khẩu được xác định bằng cách áp dụng tuần tự sáu phương pháp sau và dừng ngay ở phương pháp xác định được trị giá hải quan:
- Phương pháp trị giá giao dịch
- Phương pháp trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu tương tự
- Phương pháp trị giá khấu trừ
- Phương pháp trị giá tính toán
- Phương pháp suy luận
Cách tính thuế hải quan
Khi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và các loại thuế bổ sung khác (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ) (nếu có).
Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
Số tiền thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế.
Thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu được quy định cụ thể cho từng mặt hàng tại biểu thuế xuất khẩu.
Trường hợp hàng hóa xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế xuất khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam thì thực hiện theo các thỏa thuận này.
Thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt, thuế suất thông thường và được áp dụng như sau:
- Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
Danh sách nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam thực hiện theo các công văn: số 8678/TCHQ-TXNK ngày 09/9/2016 của Tổng cục Hải quan v/v danh sách các nước và vùng lãnh thổ đã có thỏa thuận đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam; số 3803/TCHQ-TXNK ngày 12/6/2017 của Tổng cục Hải quan; số 6960/TCHQ-TXNK ngày 26/11/2018 của Tổng cục Hải quan.
- Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
- Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b nêu trên. Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0%, Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường.
Số tiền thuế áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được xác định căn cứ vào lượng hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tại thời điểm tính thuế.
Số tiền thuế áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được xác định là tổng số tiền thuế theo tỷ lệ phần trăm và số tiền thuế tuyệt đối theo quy định tại khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
Hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo quy định tại khoản 3 Điều 5 và Điều 6 của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
Hàng hóa nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối ngoài hạn ngạch do cơ quan có thẩm quyền tại khoản 1 Điều 11 của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng = Trị giá tính thuế x Thuế suất
Trị giá tính thuế GTGT hàng nhập khẩu = Giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng (+) với thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá nhập khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu xác định theo mức thuế phải nộp sau khi đã được miễn, giảm.
Thuế tiêu thụ đặc biệt
Số tiền thuế TTĐB phải nộp = Giá tính thuế TTĐB x Thuế suất thuế TTĐB
Giá tính thuế TTĐB của hàng hóa, dịch vụ là giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ của cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa có thuế TTĐB, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) và thuế giá trị gia tăng, được xác định cụ thể như sau:
Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Trường hợp giá bán của cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường thì cơ quan thuế thực hiện ấn định thuế theo quy định của Luật quản lý thuế.
Đối với hàng nhập khẩu tại khâu nhập khẩu, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau:
Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu.
Giá tính thuế nhập khẩu được xác định theo các quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn, giảm.
Mời bạn xem thêm:
- Kiểm tra hồ sơ hải quan được quy định ra sao?
- Khai sai đơn giá trên tờ khai hải quan bị xử lý như thế nào?
Thông tin liên hệ với Luật sư X
Trên đây là tư vấn của Luật sư X. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên; để sử dụng trong công việc và cuộc sống.
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến dịch vụ: Đổi tên giấy khai sinh Hồ Chí Minh, thành lập công ty cổ phần, dịch vụ đăng ký bảo hộ thương hiệu, tra cứu thông tin quy hoạch, xin phép bay flycam, hợp thức hóa lãnh sự…của luật sư X, hãy liên hệ 0833102102.
Câu hỏi thường gặp
Hàng hóa nhập khẩu không có hợp đồng mua bán hàng hóa và hóa đơn thương mại; hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển đến Việt Nam bằng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, không có hợp đồng mua bán và hóa đơn thương mại, trị giá hải quan là trị giá khai báo. Trường hợp cơ quan hải quan có căn cứ xác định trị giá khai báo không phù hợp thì xác định trị giá hải quan theo phương pháp xác định trị giá quy định tại Thông tư 39/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 60/2019/TT-BTC), phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu.
Đối với hàng hóa nhập khẩu là hàng đi thuê, trị giá hải quan là trị giá khai báo được xác định trên cơ sở giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán để thuê hàng hóa và các khoản chi phí khác mà người đi thuê phải trả để đưa hàng hóa đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với chứng từ, tài liệu có liên quan đến hàng hóa đi thuê.
Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam sau khi thuê phía nước ngoài gia công là tiền thuê gia công và trị giá của nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình gia công do phía nước ngoài cung cấp thể hiện trên hợp đồng gia công và các khoản điều chỉnh quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư 39/2015/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 60/2019/TT-BTC). Không tính vào trị giá hải quan sản phẩm sau gia công trị giá của vật tư, nguyên liệu đã xuất khẩu từ Việt Nam đưa đi gia công theo hợp đồng gia công.