An ninh quốc gia là một vấn đề được xem trọng nhất trong công cuộc giữ gìn và phát triển đất nước. Có thể thấy trong Bộ luật hình sự và Hiến pháp tội nặng nhất là Tội phản bội Tổ quốc và mức án cao nhất theo quy định pháp luật hình sự lên đến tử hình. Dễ thấy, Nhà nước ta vô cùng quan tâm đến các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia. Vậy, có những biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia nào? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu về 7 biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia nhé.
Căn cứ pháp lý
- Luật An ninh quốc gia 2004
- Nghị định số 35/2011/NĐ-CP
- Nghị định số 06/2014/NĐ-CP
An ninh quốc gia là gì?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Luật An ninh quốc gia 2004 quy định về khái niệm an ninh quốc gia: “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc“.
An ninh quốc gia là các biện pháp thực thi an ninh của một quốc gia, là sự cần thiết để duy trì sự tồn tại của quốc gia hay cụ thể là một chế độ tại một thời điểm nhất định thông qua việc sử dụng sức mạnh kinh tế, ngoại giao với bên ngoài, triển khai sức mạnh vũ trang của nhà nước hiện hành và quyền lực chính trị với bên trong đất nước (tùy theo quan điểm và trường phái còn xem việc triển khai lực lựng hoặc can thiệp ra bên ngoài là biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia).
An ninh quốc gia còn là sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ xã hội trong nước, trong đó đề cao: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích quan trọng khác của một quốc gia. An ninh quốc gia đề cập đến sự yên ổn của một quốc gia, ở bên trong thì không có rối loạn, ở bên ngoài thì không bị các quốc gia khác quấy nhiễu, xâm phạm hoặc bị các thế lực thù địch đe dọa.
Bảo vệ an ninh quốc gia là gì?
- Bảo vệ an ninh quốc gia : là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn đấu tranh làm thất bại các hoạt động xâm hại an ninh quốc gia.
- Hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia là những đối tượng, địa điểm, công trình, cơ sở về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học – kĩ thuật, văn hoá, xã hội thuộc danh mục cần được bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bảo vệ an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật.
Theo Luật An ninh Quốc gia năm 2004 có 7 biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia. Chúng ta cùng tìm hiểu nội dung 7 biện pháp đó sau đây.
7 biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia
Căn cứ Khoản 1 Điều 15 Luật An ninh Quốc gia số 32/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 (gọi tắt là Luật An ninh Quốc gia năm 2004) quy định về các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia: “các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia bao gồm vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang.“
Biện pháp vận động quần chúng
Theo Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2014 quy định về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội như sau: “Biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự là việc huy động và sử dụng sức mạnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự“.
Nội dung của biện pháp vận động quần chúng được quy định rõ ràng tại Điều 5 của Nghị định số 06/2014/NĐ-CP quy định về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội như sau:
- Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chủ trương, quy định, kế hoạch huy động và sử dụng sức mạnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Tổ chức, động viên, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thành lập và hoạt động của các mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Biện pháp pháp luật
Theo Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 35/2011/NĐ-CP quy định về biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội như sau: “Biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự là cách thức, phương pháp xây dựng pháp luật, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và sử dụng pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế để bảo vệ an ninh, trật tự.“
Nội dung của biện pháp pháp luật được quy định tại Điều 5 của Nghị định số 35/2011/NĐ-CP quy định về biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội như sau:
- Đưa yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự vào xây dựng pháp luật, ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, hoàn thiện thể chế.
- Phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng hoạt động xây dựng pháp luật, hợp tác quốc tế về pháp luật để xâm hại đến chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Sử dụng pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế để quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh, trật tự và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự.
Biện pháp ngoại giao
Biện pháp ngoại giao là biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế, mang tính chất giải quyết các tranh chấp liên quan đến chính trị. Thực tiễn cho thấy các biện pháp ngoại giao luôn là lựa chọn đầu tiên và ưu tiên của các bên khi tranh chấp phát sinh.
Bản chất của biện pháp ngoại giao chính là cách thức, nghệ thuật sử dụng các công cụ, khả năng, điều kiện, nguồn lực, cơ chế ngoại giao để đàm phán, thuyết phục, tranh thủ, tác động và xử lý các đối tượng nhằm thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Biện pháp ngoại giao bao gồm đàm phán, trung gian, hòa giải, môi giới và sử dụng các cơ chế, dàn xếp hay tổ chức khu vực và quốc tế. Để thực hiện biện pháp ngoại giao hiệu quả thì cần chú ý:
- Làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, phối hợp tốt với các bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan chức năng theo dõi sát chính sách của các nước liên quan, nhất là các nước lớn, theo dõi các phát triển của tình hình trên thực địa, cả trên bộ và trên biển.
- Kịp thời đề xuất các biện pháp hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác vì lợi ích của Việt Nam cùng các nước liên quan, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
- Mở rộng quan hệ với các đối tác, tích cực tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, đề cao chủ nghĩa đa phương và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Biện pháp kinh tế
Về khái niệm, biện pháp kinh tế được hiểu là việc góp phần tạo tiền đề, môi trường thuận lợi, an toàn cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, bảo đảm kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế và tham gia bảo vệ an ninh đất nước.
Việc bảo đảm an ninh kinh tế là điều kiện, tiền đề quan trọng để nền kinh tế nước ta gia tăng sức mạnh nội lực, năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, có những bước phát triển vững chắc. Do đó, để biện pháp bảo đảm an ninh kinh tế được coi trọng và triển khai hiệu quả, cần tập trung thực hiện:
- Tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt hơn trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp về bảo đảm an ninh kinh tế theo quy định pháp luật tạo hiệu quả thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp công tác công an góp phần bảo vệ kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh quốc gia trên lĩnh vực kinh tế, bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, không để xảy ra các sơ hở, thiếu sót.
- Kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế.
- Đổi mới phương thức và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương, về trách nhiệm bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, để tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét hơn từ nhận thức đến hành động, đưa công tác bảo đảm an ninh kinh tế trở thành trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Biện pháp khoa học – kỹ thuật
Về khái niệm, biện pháp khoa học – kỹ thuật được hiểu là việc đưa ra những hiểu biết hoặc tri thức của con người về tự nhiên – xã hội – tư duy, nó tồn tại dưới dạng các lý thuyết, định lý, quy luật, nguyên tắc, phạm trù, tiền đề hoặc các thiết bị, phương tiện, máy móc và công cụ vật chất nằm trong tư liệu sản xuất để quản lý, khai thác, bảo quản và chế tạo các sản phẩm dùng cho sản xuất và thỏa mãn các yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự.
Để biện pháp khoa học – kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, phục vụ có hiệu quả trong bảo vệ an ninh, trật tự cần thực hiện các nội dung sau:
- Tập trung nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của khoa học và kỹ thuật, coi khoa học và kỹ thuật là một biện pháp cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh chiến đấu, hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia.
- Phát triển khoa học và kỹ thuật phải tập trung vào những định hướng chiến lược cơ bản là: hoàn thiện cơ sở lý luận khoa học nghiệp vụ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lịch sử; đổi mới, nâng cao năng lực khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả ứng dụng thực tiễn của các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật
- Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về cơ chế, hoạt động khoa học kỹ thuật. Thực hiện cơ chế đặt nhiệm vụ khoa học kỹ thuật gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả nghiên cứu, phục vụ nhu cầu của Công an các đơn vị, địa phương.
- Ban hành và cụ thể hóa các chính sách sử dụng, trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ trong Công an nhân dân, có cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia ngoài lực lượng Công an nhân dân hợp tác tham gia nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ trong Công an nhân dân.
- Có kế hoạch liên kết với những đối tác nước ngoài có tiền năng khoa học kỹ thuật, có trình độ cao để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm công tác khoa học công nghệ trong Công an nhân dân.
Biện pháp nghiệp vụ
Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Luật An ninh Quốc gia 2004 quy định về khái niệm biện pháp nghiệp vụ là như sau: “Biện pháp nghiệp vụ là biện pháp công tác của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật“.
Để hiệu quả, Lực lượng Công an nhân dân chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp phù hợp, bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia, thực hiện có hiệu quả các chính sách đối ngoại, góp phần ổn định tình hình kinh tế – xã hội của đất nước; chủ động ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm; giải quyết hiệu quả các vấn đề nổi lên về an ninh xã hội.
Biện pháp vũ trang
Đặc trưng cơ bản của biện pháp vũ trang là việc sử dụng sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, vũ khí, công cụ, phương tiện… Sức mạnh tổng hợp này được xác định bằng những yếu tố cơ bản như: số lượng, trạng thái tinh thần và trình độ huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ; số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật và các phương tiện vật chất khác; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chỉ huy trong chỉ đạo, điều phối các lực lượng, phương tiện…
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng biện pháp vũ trang trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia cần thực hiện các nội dung sau:
- Chú trọng việc tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện và giáo dục chính trị, tư tưởng cho các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự.
- Chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo; công tác điều tra khảo sát để xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến phù hợp.
- Kết hợp giữa biện pháp vũ trang với các biện pháp công tác khác để nâng cao hiệu quả công tác.
- Ưu tiên đầu tư trang bị phương tiện, công cụ hiện đại cho lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia.
Mời bạn xem thêm bài viết
- Nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong giai đoạn hiện nay
- Tình hình an ninh quốc phòng của nước ta hiện nay
- Các quy định về quản lý và sử dụng đất quốc phòng an ninh
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn của Luật sư X về vấn đề “7 biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia“. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống.
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận tình trạng hôn nhân; giải thể công ty; tạm ngừng kinh doanh; Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; Đăng ký hộ kinh doanh; Bảo hộ quyền tác giả;… của luật sư X, hãy liên hệ: 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Cơ quan chuyên trách bảo vệ An ninh quốc gia bao gồm :
– Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị an ninh, tình báo, cảnh sát, cảnh vệ CAND.
– Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị bảo vệ an ninh quân đội, tình báo quân đội nhân dân.
– Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và trên biển.
Nguyên tắc bảo vệ an ninh quốc gia là:
– Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, sự quản lí thống nhất của Nhà nước ; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc, lực lượng chuyên trách bảo vệ ANQG làm nòng cốt.
– Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ ANQG với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế – văn hoá, xã hội ; phối hợp có hiệu quả hoạt động an ninh, quốc phòng với hoạt động đối ngoại.
– Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm ANQG