Khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên mang lại lợi ích cho cả bản thân người lao động và doanh nghiệp. Qua khám sức khỏe định kỳ, nhân viên có thể phát hiện sớm các bất thường về sức khỏe để điều trị kịp thời, an tâm lao động và sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nắm được tình hình sức khỏe người lao động nên có thể sắp xếp vào vị trí phù hợp để lao động đạt năng suất cao. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp vì lợi ích kinh tế, sợ tốn một khoản tiền mà không tổ chức khám sức khoẻ thường niên cho người lao động. Vậy đối với vấn đề không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên có bị phạt không? Hãy theo dõi bài viết dưới đây, Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc này dành cho bạn!
Căn cứ pháp lý
Quy định mới nhất về khám sức khoẻ định kỳ
Căn cứ Điều 21 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định về việc khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:
“1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.“
Như vậy, căn cứ theo quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động thì hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, riêng đối với lao động nữ thì khi kiểm tra sức khỏe phải được khám chuyên khoa phụ sản.
Vì vậy, với lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ hằng năm lao động nữ sẽ được khám chuyên khoa phụ sản.
Trường hợp lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, hoặc là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi phải được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần, trong các lần khám vẫn phải bảo đảm có khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ.
Không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên có bị phạt không?
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt đối với hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động như sau:
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, trừ trường hợp người sử dụng lao động đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động nhưng người lao động không muốn khám.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng giám định y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Như vậy theo quy định trên thì với mỗi người lao động vi phạm thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng.
Giấy tờ và thủ tục làm hợp đồng với các cơ sở khám bệnh chữa bệnh
Doanh nghiệp phải lập, quản lý, bổ sung hồ sơ sức khỏe cá nhân, hồ sơ quản lý tình hình sức khỏe, hồ sơ cá nhân bệnh nghề nghiệp (nếu có) cũng như việc quản lý, chăm sóc sức khỏe của người lao động.
Về vấn đề giấy tờ và thủ tục, bên khách sạn chủ động làm hợp đồng với các cơ sở khám bệnh chữa bệnh đủ điều kiện được phép thực hiện khám sức khỏe theo quy định Thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe. Và khi đi khám người lao động cần chuẩn bị hồ sơ khám sức khỏe như quy định tại Điều 4 Thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe gồm:
1. Hồ sơ KSK của người từ đủ 18 (mười tám) tuổi trở lên là Giấy KSK theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này, có dán ảnh chân dung cỡ 04cm x 06cm, được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ KSK.
2. Đối với người được KSK định kỳ, hồ sơ KSK bao gồm sổ KSK định kỳ theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này và giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc đối với trường hợp KSK định kỳ đơn lẻ hoặc có tên trong danh sách KSK định kỳ do cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc xác nhận để thực hiện KSK định kỳ theo hợp đồng.
Có thể bạn quan tâm
- Mua giấy khám sức khỏe xin việc có được không?
- Xin giấy nghỉ khám thai hưởng BHXH
- Bán giấy khám sức khỏe cho người khác bị xử lý thế nào ?
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn của Luật sư X về vấn đề; ” Không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên có bị phạt không?“. Chúng tôi hi vọng rằng bạn có thể vận dụng các kiến thức trên; để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn; giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến giải thể công ty; giải thể công ty TNHH 1 thành viên, tạm dừng công ty, mẫu đơn xin giải thể công ty; giấy phép bay flycam; xác nhận độc thân, đăng ký nhãn hiệu, …. của luật sư X, hãy liên hệ: 0833 102 102.
Hoặc qua các kênh sau:
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Trường hợp công ty không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định thì tùy vào số người lao động không được khám sức khỏe mà công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tương ứng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 21 và Khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP (Mức phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng).
Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 21 Nghị định này cũng đồng thời loại trừ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong trường hợp người sử dụng lao động đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động nhưng người lao động không muốn khám.
Đối chiếu với trường hợp công ty đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ nhân viên nhưng một số người không muốn khám và không tham gia khám sức khỏe thì công ty không bị xử phạt về hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định nêu trên.
Hồ sơ sức khỏe cá nhân của người lao động bao gồm:
– Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc Phiếu khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc đối với trường hợp người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định hiện hành của pháp luật;
– Sổ khám sức khỏe định kỳ hoặc Sổ khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với trường hợp người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định hiện hành của pháp luật;
– Hồ sơ bệnh nghề nghiệp của người lao động (nếu có);
– Giấy ra viện, giấy nghỉ ốm hoặc các giấy tờ điều trị có liên quan (nếu có)