Phạm tội có tổ chức xuất hiện ngày càng nhiều đặc biệt trong cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,… gây mất trật tự an toàn xã hội. Hãy theo dõi bài viết sau đây của Luật sư X để hiểu rõ phạm tội có tổ chức là gì theo pháp luật hình sự nhé!
Phạm tội có tổ chức là gì?
Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Trong đó “phạm tội có tổ chức”, là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Thế nào là phạm tội có tổ chức?
Phạm tội có tổ chức là một hình thức cao của đồng phạm, có sự cấu kết chặt chẽ và phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.
“Phạm tội có tổ chức” khác với “tổ chức phạm tội”. Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại và phạm vi truy cứu chỉ với những tội phạm quy định tại Điều 76 Bộ luật hình sự năm 2015, mà không có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một tổ chức nói chung, vì vậy, không có khái niệm hoàn chỉnh về “tổ chức phạm tội” trong luật hình sự Việt Nam, mặc dù trong xã hội vẫn có thể có một tổ chức phạm tội dưới hình thức “Băng, Đảng” do một số người thành lập hoặc có sự cấu kết để hoạt động phạm tội…
Tuy nhiên, khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của các tổ chức này thì chỉ truy cứu từng cá nhân trong tổ chức đó.
Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là gì?
Theo khoa học luật hình sự quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia là một trong những loại tội phạm có tính chất quốc tế đặc thù.
Về bản chất pháp lý, tội phạm có tính chất quốc tế được coi là tội phạm hình sự chung, được thực hiện bởi các cá nhân hoặc băng nhóm tội phạm đơn lẻ và có chứa đựng “yếu tố nước ngoài”. Loại tội phạm này gây ra thiệt hại về các mặt kinh tế, tài chính, xã hội… không chỉ cho một quốc gia mà còn cho một số quốc gia, đặc biệt có thể tác động tiêu cực có tính toàn cầu. Điển hình như tội phạm khủng bố quốc tế.
Chủ thể thực hiện tội phạm có tính chất quốc tế là các cá nhân hay băng nhóm tội phạm hoạt động với tư cách cá nhân, không đại diện cho quốc gia như trường hợp tội phạm quốc tế.
Dấu hiệu cơ bản của loại tội phạm này là sự hiện diện của “yếu tố nước ngoài” trong nó. Sự thể hiện “yếu tố nước ngoài” trong hành vi tội phạm rất đa dạng và không dễ xác định.
Nhìn chung, yếu tố nước ngoài của hành vi tội phạm có thể là hành vi này được thực hiện trên lãnh thổ nhiều quốc gia, hoặc được thực hiện ở một quốc gia nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia khác… Điều này có nghĩa, tội phạm có tính chất quốc tế thường có tính chất xuyên biên giới. Thuộc về nhóm tội phạm có tính chất quốc tế là tội cướp biển, tội buôn bán chất ma túy, tội buôn bán nô lệ, tội làm tiền giả… và gần đây nhất là các loại tội phạm tham nhũng, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia… Các loại tội phạm có tính chất quốc tế ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi hơn khi được thực hiện với các công cụ công nghệ hiện đại.
Các đặc trưng của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
Thứ nhất, về nguyên tắc, thẩm quyền tài phán đối với tội phạm có tính chất quốc tế là thẩm quyền tài phán quốc gia. Tuy nhiên, có ngoại lệ đối với tội phạm diệt chủng, tội ác chống con người, không chỉ quốc gia có quyền xét xử, mà cộng đồng quốc tế với thẩm quyền tài phán quốc tế cũng có thẩm quyền trừng trị 2 loại tội phạm này, bởi vì 2 loại tội phạm trên được coi đồng thời là tội phạm quốc tế và tội phạm có tính chất quốc tế.
Thứ hai, công cụ pháp lý quốc tế hiệu quả nhất đấu tranh phòng chống tội phạm có tính chất quốc tế là các điều ước quốc tế, đặc biệt là các điều ước quốc tế đa phương toàn cầu và khu vực. Các điều ước này quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện cam kết quốc tế bằng các phương thức chuyển hóa (nội luật hóa), dẫn chiếu điều ước quốc tế hoặc sử dụng luật trong nước. Đồng thời đưa ra các nguyên tắc phân định thẩm quyền xét xử đối với tội phạm có tính chất quốc tế.
Thứ ba, trong các điều ước quốc tế đa phương, khu vực luôn có quy tắc định danh tội phạm với các thành phần cấu thành nó và nghĩa vụ trừng trị bắt buộc các loại tội phạm có tính chất quốc tế như là tội phạm nghiêm trọng theo luật của quốc gia – nơi xét xử và trừng phạt, như khoản 1 Điều 2 Công ước Chống khủng bố bằng bom năm 1997 và một loạt các công ước quốc tế khác trong định chế tội phạm có tính chất quốc tế quy định…
Thứ tư, nguyên tắc aut dedere aut judicarc (hoặc xét xử hoặc dẫn độ) là nguyên tắc đặc thù đối với loại tội phạm có tính chất quốc tế. Nguyên tắc này quy định: quốc gia, nơi kẻ tội phạm đang có mặt, phải có nghĩa vụ hoặc là xét xử và trừng phạt thủ phạm, hoặc là dẫn độ cho nước khác xét xử. Dựa trên nền tảng các điều ước hữu quan, hiệu lực của các điều ước chuyên biệt về dẫn độ luôn bao trùm lên các tội phạm có tính chất quốc tế, đồng thời chính các điều ước quốc tế về các loại tội phạm có tính chất quốc tế cũng có thể được coi là cơ sở pháp lý độc lập để dẫn độ.
Có thể bạn quan tâm:
- Môi giới mại dâm bị xử lý như thế nào theo quy định của Bộ luật hình sự?
- Phân tích tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật hình sự hiện hành
Thông tin liên hệ Luật sư X
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về “Phạm tội có tổ chức là gì theo pháp luật hình sự?”. Nếu quý khách có nhu cầu soạn thảo thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh; quản lý mã số thuế cá nhân, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền hoặc muốn giải thể công ty, tra cứu thông tin quy hoạch, thủ tục xin hợp pháp hóa lãnh sự của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.
Liên hệ hotline: 0833.102.102.
Facebook: www.facebook.com/luatsux
Tiktok: https://www.tiktok.com/luatsux
Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Khái niệm về phạm tội có tổ chức được quy định tại khoản 2, điều 17, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể như sau: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm“.
Phạm tội có tổ chức được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tình tiết này không những được quy định chung tại Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 mà còn được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của nhiều loại tội phạm cụ thể như ở tội dâm ô với người dưới 16 tuổi (Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015).