Giấy khai sinh là một loại giấy tờ quan trọng, chứa đựng những thông tin cơ bản của một đứa trẻ vừa mới được sinh ra như họ tên, ngày sinh, quốc tịch,… Trong một số trường hợp, bố mẹ sẽ có mong muốn làm lại giấy khai sinh cho con hoặc trường hợp bố mẹ ly hôn, mẹ muốn con mang họ mình nên muốn làm lại giấy khai sinh để đổi họ cho con. Vậy Làm lại giấy khai sinh, đổi họ cho con như thế nào? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu về câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!
Căn cứ pháp lý
Giấy khai sinh là gì?
Theo khoản 6 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014:
Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này.
Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP cũng quy định giá trị pháp lý của giấy khai sinh như sau:
1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.
Do đó, có thể thấy, giấy khai sinh là một trong những giấy tờ hộ tịch gốc của một cá nhân, quy định các thông tin cơ bản của công dân như năm sinh, giới tính, họ tên, dân tộc, quốc tịch…
Làm lại giấy khai sinh là gì?
Làm lại giấy khai sinh sẽ được hiểu theo nhiều cách khác nhau; tùy vào nhu cầu của mỗi cá nhân; cụ thể:
- Làm lại giấy khai sinh được hiểu là đăng ký lại khai sinh. Phát sinh trong trường hợp hồ sơ lưu trữ gốc tại địa phương nơi đăng ký khai sinh không còn lưu giữ, công dân sẽ phải tiến hành đăng ký khai sinh lại;
- Làm lại giấy khai sinh được hiểu là đăng ký khai sinh khác với bản khai sinh trước. Trường hợp này khác trường hợp đăng ký lại khi mất hồ sơ lưu trữ gốc phía trên bởi quý khách có nhu cầu thay đổi một số thông tin cá nhân so với khai sinh trước đó. Ví dụ đăng ký thay đổi họ tên, dân tộc …
- Làm lại giấy khai sinh được hiểu là xin cấp lại một bản khai sinh “màu xanh” tương tự như bản gốc đã được cấp trước đó do công dân làm mất bản gốc;
Trường hợp nào làm lại giấy khai sinh?
Hiện nay pháp luật không có quy định về vấn đề làm lại giấy khai sinh bản gốc, do đó tùy theo từng trường hợp người bị mất giấy khai sinh có thể xin cấp trích lục giấy khai sinh hoặc đăng ký lại khai sinh.
Trường hợp 1: Trường hợp bị mất giấy khai sinh nhưng vẫn còn thông tin trong sổ hộ tịch
Trong trường hợp này người bị mất bản chính giấy khai sinh cần làm thủ tục xin cấp trích lục đăng ký khai sinh. Hồ sơ xin cấp trích lục gồm:
– Tờ khai cấp bản trích lục hộ tịch;
– Xuất trình một trong các giấy tờ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay giấy tờ khác có dán ảnh và có thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp và còn giá trị sử dụng.
Cá nhân nộp hồ sơ xin cấp trích lục tại cơ quan nơi trước đây đã thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh.
Khi nhận được hồ sơ cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và cấp trích lục giấy khai sinh có đầy đủ các thông tin như nội dung ghi trong sổ gốc.
Trường hợp 2: Trường hợp cá nhân mất giấy đăng ký khai sinh bản gốc và thông tin về giấy khai sinh đó không còn lưu trong sổ hộ tịch
Cá nhân sẽ nộp hồ sơ tại nơi cư trú hoặc nơi trước đây đã đăng ký khai sinh. Nếu việc đăng ký lại khai sinh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký trước đây thì công chức hộ tịch sẽ báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nơi trước đây đã đăng ký khai sinh để kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.
Thủ tục làm lại giấy khai sinh
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ đăng ký lại khai sinh gồm các giấy tờ sau:
– Tờ khai theo mẫu quy định. Trong tờ khai cần có cam đoan về việc đã được đăng ký khai sinh nhưng không có lưu giữ được bản chính giấy khai sinh.
– Bản sao các hồ sơ, giấy tờ hay các tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung của người yêu cầu đăng ký lại khai sinh;
– Nếu người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài những giấy tờ trên thì phải có giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị về những nội dung như họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, quan hệ cha con, mẹ con phù hợp với hồ sơ mà đơn vị đó đang quản lý.
Từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ công chức hộ tịch sẽ kiểm tra và xác minh hồ sơ trong thời gian là 05 ngày làm việc. Sau khi xem xét nếu việc đăng ký khai sinh là đúng theo quy định của pháp luật thì công chức hộ tịch sẽ thực hiện đăng ký lại khai sinh theo quy định của Luật Hộ tịch.
Quyền được đổi họ cho con của cha mẹ
Khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ ràng về quyền thay đổi họ của cá nhân. Theo đó, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp: “Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại…”.
Việc thay đổi họ cho người từ đủ 09 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó. Việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.
Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch. Theo đó, việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.
Như vậy, từ những quy định trên, sau khi ly hôn thì cha hoặc mẹ có thể thay đổi họ cho con theo họ của mình, việc thay đổi cho con dưới 18 tuổi khi ly hôn phải có sự đồng ý của cả cha, mẹ và được thể hiện rõ trong Tờ khai.
Hồ sơ đổi họ cho con sau khi ly hôn
Khi thay đổi họ cho con, cha hoặc mẹ có yêu cầu cần chuẩn bị và hoàn thiện những giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký việc thay đổi hộ tịch, trong đó có thể hiện sự đồng ý người vợ, chồng về việc thay đổi họ cho con;
– Bản chính giấy khai sinh của con;
– Các giấy tờ khác làm căn cứ cho việc thay đổi họ (Chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu…).
Thủ tục đổi họ cho con sau khi ly hôn
Căn cứ Điều 28 Luật Hộ tịch năm 2014, thủ tục thay đổi họ cho con sau khi ly hôn được tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ tại UBND cấp xã
Cha hoặc mẹ có yêu cầu thay đổi họ cho con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho UBND cấp xã.
Bước 2: UBND cấp xã tiếp nhận và giải quyết
– Thời hạn giải quyết là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn tối đa là 06 ngày.
– Nếu thấy việc thay đổi họ cho con của người có yêu cầu là có cơ sở, phù hợp với quy định, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi họ cho con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Ngoài ra, trường hợp đăng ký thay đổi họ cho con không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến UBND nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Lệ phí làm thủ tục: Lệ phí thay đổi, cải chính hộ tịch tại UBND cấp xã hiện nay do các địa phương tự quy định.
Thành phần hồ sơ:
+ Tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính trong Giấy khai sinh (theo mẫu quy định). Đối với việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có ý kiến đồng ý của người đó thể hiện trong Tờ khai
+ Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, tùy từng trường hợp cụ thể phải nộp (bản sao kèm bản chính để đối chiếu) các loại giấy tờ sau:
- Nếu yêu cầu thay đổi tên với lý do trùng tên với người thân trong gia đình thì phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh việc trùng tên đó;
- Nếu yêu cầu thay đổi họ cho con từ họ cha, mẹ ruột sang họ cha, mẹ nuôi thì phải nộp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi;
- Nếu yêu cầu thay đổi họ cho con từ họ cha sang họ mẹ hoặc ngược lại thì phải nộp văn bản thể hiện sự đồng ý của cả cha và mẹ. Văn bản này phải có chứng thực chữ ký của cả cha lẫn mẹ. Trong trường hợp nếu khai sinh trước đây đã đăng ký không ghi phần cha hoặc mẹ hay ghi tên của người khác là cha hoặc mẹ thì phải nộp bản án hoặc quyết định công nhận cha hoặc mẹ…
+ Xuất trình bản chính chứng minh nhân dân.
+ Xuất trình bản chính giấy khai sinh của người cần thay đổi họ, tên, chữ đệm.
Thời hạn giải quyết:
- 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
- Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm nhưng không quá 05 ngày làm việc.
- Trường hợp nhận hồ sơ qua đường bưu điện thì thời hạn được tính theo ngày trên dấu bưu điện.
Mời bạn xem thêm bài viết
- Làm lại giấy khai sinh cho con khi bị mất
- Làm lại giấy khai sinh ở nơi khác
- Thủ tục làm lại giấy khai sinh gốc
- Làm lại giấy khai sinh cho con cần những gì?
Thông tin liên hệ
Trên đây là bài viết Luật sư X tư vấn về “Làm lại giấy khai sinh, đổi họ cho con“. Hy vọng bài viết có ích cho độc giả. Đội ngũ luật sư của Công ty Luật sư X luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi vướng mắc liên quan đến tư vấn pháp lý về vấn đề ly hôn với người nước ngoài,… của bạn. Nếu có những vấn đề nào chưa rõ cần được tư vấn thêm quý độc giả hãy liên hệ ngay tới hotline 0833.102.102 để được các chuyên gia pháp lý của Luật sư X tư vấn trực tiếp.
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Hiện nay một số thành phố như Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đăng ký khai sinh online, cấp bản sao khai sinh trích lục online trên cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến.
Theo đó để xin cấp trích lục khai sinh online thì cần phải điền đầy đủ các thông tin tờ khai trên trang dịch vụ công trực tuyến như: số lượng bản sao, thông tin của người yêu cầu cấp như họ và tên, số điện thoại; thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp; nơi cư trú;
Thông tin của người được trích lục như họ và tên, ngày tháng năm sinh, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, quốc tịch,…thông tin của cha, mẹ,…
Hiện nay chưa có quy định về việc cấp lại giấy khai sinh online do đó cá nhân vẫn cần tiến hành thực hiện nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 13 Luật Hộ tịch 2014, thẩm quyền đăng ký khai sinh cho con là Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, phường, thị trấn – nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ.
Khoản 1 Điều 11 Luật Cư trú năm 2020 giải thích rõ, nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Trong đó:
– Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú
– Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Theo quy định trên, việc đăng ký khai sinh đều được thực hiện tại nơi cư trú của cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ. Do đó, việc chỉ có sổ tạm trú của cha hoặc mẹ hoặc cha và mẹ sẽ không ảnh hưởng đến việc đăng ký khai sinh cho con.
Khi đi khai sinh cho trẻ, trong trường hợp chỉ có sổ tạm trú, cha, mẹ hoặc người có trách nhiệm vẫn thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục bình thường ngoại trừ thay sổ hộ khẩu thành sổ tạm trú và đến UBND cấp xã nơi cha, mẹ tạm trú.
Căn cứ khoản 1 Điều 19 Thông tư 04/2020/TT-BTP, Điều 27 và Điều 46 Luật Hộ tịch năm 2015, cơ quan có thẩm quyền thay đổi họ, tên cho con nuôi gồm:
– Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi người con nuôi cư trú có thẩm quyền thay đổi họ, tên cho con nuôi chưa đủ 14 tuổi;
– Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của người nước ngoài có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú trong nước.