Xin chào luật sư. Tôi và hàng xóm nhà cạnh nhau cùng những người dân khác sử dụng chung ngõ đi, đây là phần đường chung của làng mà không của riền ai cả. Tuy nhiên một người trong xóm lợi dụng để lấn chiếm một phần đất và xây cổng vượt ra ngoài phần đất ngõ chung làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân trong ngõ? Vậy xin hỏi hành vi lấn chiếm vi phạm xây dựng trên phần đất công này sẽ bị xử lý như thế nào? Tôi cần làm gì để người này chấm dứt việc vi phạm và trả lại phần đường chung cho chúng tôi. Mong luật sư giải đáp giúp tôi.
Việc lấn, chiếm đất công để sử dụng vào mục đích riêng là vấn đề diễn ra khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên trên thực tế mặc dù các hành vi này đã bị xử lý rất nhiều những vẫn tiếp tục xảy ra gây bức xúc trong nhân dân. Để khắc phục tình trạng lấn chiếm đất thì các cấp có thẩm quyền cần phải xử lý nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm. Vậy pháp luật hiện hành, đối với hành vi lấn, chiếm đất công sẽ bị xử phạt như thế nào? Người bị xâm phạm quyền lợi cần làm gì để bảo vệ mình và cộng đồng? Để giải đáp thắc mắc này, Luật sư X xin giới thiệu bài viết “Xử lý vi phạm xây dựng trên đất công“. Mời bạn đọc cùng tham khảo.
Căn cứ pháp lý
- Luật đất đai 2013
- Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
- Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
- Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi bổ sung 2020
Đất công là gì?
Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 10 Luật đất đai 2013 quy định về đất công như sau:
“Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác.“
Theo đó có thể hiểu đất công là đất được sử dụng vào mục đích công cộng theo quy định pháp luật. Đất công do nhà nước quản lý, chỉ sử dụng vào mục đích công cộng như đường, công viên, vỉa hè, sông suối, đất xây dựng các công trình nhà nước, đất quốc phòng, đất an ninh, nghĩa trang, đất chưa sử dụng, các quỹ đất được nhà nước xác lập quản lý bằng văn bản. Đất công là vẫn thuộc sở hữu toàn dân và không của bất cứ một cá nhân hay một tổ chức nào, tuy nhiên đây là loại đất đặc thù được nhà nước quản lý và chỉ được cho phép sử dụng vào các mục đích như trên. Do đó bất cứ ai cũng không được làm bất cứ việc gì trên mảnh đất đó trừ khi có văn bản hoặc quyết định của nhà nước cho phép.
Quy định về việc vi phạm xây dựng trên đất công
Hiện nay các hành vi vi phạm về việc xây dựng trên đất công diễn ra rất phổ biến. Người dân lợi dụng các khu vực đất được sử dụng vào mục đích công mà có các hành vi như lấn đất, chiếm đất để sử dụng vào mục đích cá nhân. Đây là hành vi vi phạm vô cùng nghiêm trọng không chỉ làm sai lệch mục đích sử dụng đất mà còn ảnh hưởng tới lợi ích của công cộng, lợi ích của nhân dân khi đất đó đáng nhẽ phải được sử dụng vào mục đích chung và nhân dân đều được hưởng.
Hành vi lấn, chiếm đất công là gì?
Hành vi lấn chiếm đất công là việc người sử dụng đất tự ý chuyển dịch mốc giới/ranh giới mảnh đất sang phần diện tích đất công hoặc tự ý sử dụng đất công mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép. Hành vi lấn chiếm đất công cộng nói riêng và đất công nói chung diễn ra khá phổ biến ở cả khu vực nông thôn và thành thị.
Căn cứ theo Điều 12 Luật đất đai 2013 và Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định để giải thích về hành vi lấn đất và chiếm đất như sau:
1. Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.
2. Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép;
b) Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép;
c) Sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
d) Sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào quy định trên thì hành vi xây dựng trên đất giao thông công cộng (đường phố) là hành vi chiếm đất sử dụng vào mục đích công cộng. Đây là hành vi hoàn toàn bị cấm và vi phạm pháp luật về đất đai.
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 166 Luật Đất đai 2013:
“Người sử dụng đất có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai. “
Do đó khi phát hiện hành vi vi phạm về pháp luật đất đai, bất cứ người nào cũng có quyền khiếu nại, tố cáo về các hành vi này với các cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Như vậy, trong trường hợp của bạn, khi phát hiện hành vi lấn chiếm đất thuộc lối đi chung, bạn có thể làm đơn tố cáo các hành vi nói trên tại Uỷ ban nhân dân cấp xã để họ giải quyết.
Hành vi xây dựng trên đất công bị xử lý như thế nào?
Hành vi lấn, chiếm đất công là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi.
Việc xử phạt lấn chiếm đất công được quy định tại Khoản 1, Khoản 5, Khoản 6 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
– Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 14 nghị định 91/2019/NĐ-CP và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
– Trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong từ lĩnh vực như sau:
- Trong lĩnh vực về giao thông đường bộ và đường sắt.
- Trong lĩnh vực về hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở
- Trong lĩnh vực về văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo
- Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các lĩnh vực chuyên ngành khác.
- Trong lĩnh vực về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão.
Ngoài ra người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc trả lại đất đã lấn, chiếm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi lấn chiếm đất của Nhà nước.
Trong trường hợp của bạn, người vi phạm kia đã xây dựng trái phép lên công trình giao thông của nhà nước, ngăn chặn phần lưu thông, di chuyển của người dân. Dựa trên các căn cứ nêu trên thì đây được coi là hành vi lấn chiếm đất công. Hành vi này đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bạn và những người xung quanh về quyền được lưu thông, di chuyển.
Theo đó người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP dựa vào diện tích đất đã lấn chiếm dựa trên các quy định nói ở trên.
Và về nguyên tắc, các công trình xây dựng trên phần đất lấn chiếm của người vi phạm sẽ buộc phải phải phá dỡ và trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.
Quy định về thời hiệu xử phạt hành chính với hành vi lấn chiếm đất công
Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 6 Luật Xử phạt vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Điểm a Khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.”
Do hành vi vi phạm xây dựng trên đất công thuộc lĩnh vực đất đai, theo đó thời hiệu xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm này là 2 năm. Trong đó, thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
+Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
+ Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
+ Trong thời hạn trên mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Bên cạnh đó theo Điều 65 của Luật này , khi đã hết thời hiệu xử phạt, cơ quan có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn có thể ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Một số biện pháp khắc phục hậu quả có thể kể đến như:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm lấn, chiếm. UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm lấn, chiếm đất đai.
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
– Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định mà có được do hành vi lấn/chiếm.
Tố cáo hành vi lấn chiếm đất công
Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Theo đó với việc lấn chiếm đất công, khi phát hiện bất kỳ người nào cũng có thể tố cáo. Trường hợp của bạn, bạn có thể làm đơn tố cáo và gửi tới Ủy ban nhân dân cấp xã để yêu cầu họ xử lý hành vi vi phạm. Trong đó đơn tố cáo bao gồm các nội dung sau:
-Quốc hiệu, tiêu ngữ, ngày, tháng, năm;
-Tên đơn: Đơn tố cáo
-Kính gửi: Tên cơ quan tiếp nhận tố cáo;
-Thông tin người làm đơn: Người làm đơn ghi rõ nội dung: họ và tên, địa chỉ thường trú, năm sinh, CMND/Hộ chiếu/Thẻ CCCD, ngày cấp, nơi cấp;
-Tên địa chỉ cá nhân, cơ quan, tổ chức bị khiếu nại;
-Nội dung tố cáo:
Trình bày hành vi lấn chiếm của chủ thể có hành vi vi phạm, thực hiện trong thời gian nào, diện tích lấn chiếm là bao nhiêu, đã từng được giải quyết hay chưa, hậu quả gây ra bởi việc lấn chiếm này là gì,…
-Đưa ra các yêu cầu cụ thể: yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng thẩm tra, xác minh, giải quyết và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những người bị ảnh hưởng,…
-Lời cam đoan của người làm đơn;
-Chữ ký xác thực của người làm đơn;
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn về “Xử lý vi phạm xây dựng trên đất công”. Mong rằng các kiến thức trên có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sồng hằng ngày. Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và nếu quý khách có nhu cầu tìm hiểu về thủ tục mua bán nhà đất và muốn download hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất cũng như tư vấn về các vấn đề liên quan đến đất đai ; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.
Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Mời bạn xem thêm:
Câu hỏi thường gặp
Căn cứ theo Điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp bao gồm:
-Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
-Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
d) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định này…
Theo đó tùy thuộc vào số tiền bị xử phạt mà thẩm quyền xử phạt với hành vi này có thể là Ủy ban xã hoặc huyện hoặc cấp cao hơn.
Các điều kiện để cơ quan có thẩm quyền chấp nhận thụ lý và giải quyết đơn tố cáo bao gồm:
a) Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật tố cáo
b) Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật;
c) Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo;
d) Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.
Khi đi gửi đơn tố cáo về việc lấn chiếm đất đai, người làm đơn cần mang theo các giấy tờ sau:
-Đơn tố cáo lấn chiếm đất đai
-CMND/CCCD, sổ hộ khẩu của người tốc cáo (dùng bản sao y)
-Các bằng chứng về vi phạm lấn chiếm đất trái phép của người bị tố cáo như: Video, hình ảnh kèm theo…
-Chữ ký xác nhận của các hộ gia đình lân cận, của cơ quan chức năng xác thực cho hành vi vi phạm này.
-Văn bản thể hiện tình trạng các tài sản bị ảnh hưởng do hành vi lấn chiếm đất trái phép gây ra (nếu có).