Trộm cắp tài sản là một loại tội được quy định trong Luật Hình Sự Việt Nam. Nhưng nó chỉ quy định với những chủ thể như thế nào? Mức nguy hiểm gây ra cho xã hội từ hành vi đó thì xử phạt ra sao? Sau đây hãy cùng với luật sư X tìm hiểu xem; đối với người dưới 14 tuổi thì có bị xử lý hình sự với tội danh trộm cắp tài sản hay không nhé!
Câu hỏi: “Xin chào luật sư X, tôi xin hỏi rằng: tôi có đứa con năm nay 13 tuổi, cùng nhóm bạn đi trộm xe máy hiện tại có giá trị là 10.000.000 đồng và bị bắt quả tang, đang bị tạm giữ tại công an phường. Vậy con tôi có bị phạt tù hay đưa và trường giáo dưỡng không? Mong luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn”.
Nội dung tư vấn:
Cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi cho LSX; thông qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, chúng tôi xin đưa ra cho anh/chị lời giải đáp như sau:
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020.
Trách nhiệm hình sự
Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý;nlà hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước do việc người đó thực hiện tội phạm. Là kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự, được thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, hình phạt và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật hình sự quy định.
Tội trộm cắp tài sản
Theo quy định tại điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có:
“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
(a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
(b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
(c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
(d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
(đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
(a) Có tổ chức;
(b) Có tính chất chuyên nghiệp;
(c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
(d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
(đ) Hành hung để tẩu thoát;
(e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
(g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
(a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
(b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
(a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
(b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Với trường hợp trên, chiến xe máy có giá trị là 10.000.000 đông tương ứng với khoản 1 điều này.
Phân loại tội phạm
Trường hợp trên đây chính là tội ít nghiêm trọng. Bởi theo điều 9 Bộ luật Hình Sự năm 2015; quy định về việc phân loại tội phạm như sau:
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này; tội phạm được phân thành bốn loại sau đây:
1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù;
3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù;
4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Kết hợp khoản 1 điều 173 và khoản 1 điều 9. Chúng tôi xin đưa ra kết luận rằng trường hợp trộm cắp tài sản; cụ thể là trộm cắp xe máy trên chính là tội ít nghiêm trọng.
Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 có:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Từ quy định trên ta có thể hiểu: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có tội Trộm cắp tài sản ( điều 173). Còn người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Chính vì vậy mà người dưới 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự (không phải chịu các hình phạt như: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn…); do chưa đến tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp trộm cắp tài sản mà anh/chị đã nêu trên chỉ bị truy cứu TNHS với những người có độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên thôi. Bởi đây là tội ít nghiệm trọng được quy định trong khoản 1 điều 173; vậy nên kể cả người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cũng không phải chịu TNHS.
Vậy đứa trẻ này có bị xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể là có bị đưa vào trường giáo dưỡng để giáo dục hay không? Chúng ta cùng tìm hiểu những thông tin sau đây nhé.
Xử lý vi phạm hành chính
Theo khoản 1 Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung 2020; đã quy định về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng như sau:
“1. Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.”
Mà theo LSX phân tích như trên thì con anh/chị trộm cắp tài sản nhưng với tột danh ít nghiêm trọng. Do vậy mà đối chiếu với quy định trên, con anh/chị sẽ không thuộc một trong những đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Ngoài ra thì tại điểm a khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định:
“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.”
Do vậy mà trường hợp cháu bé 13 tuổi đi trộm cắp tài sản như trên cũng không thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính. Ví dụ như phạt cảnh cáo, phạt tiền….
Mong rằng mọi thông tin mà chúng tôi đã cung cấp như trên đã giúp cho anh chị hiểu rõ về trường hợp “người dưới 14 tuổi trộm cắp tài sản có bị truy cứu TNHS hay không?”; đặc biệt là với trường hợp đứa trẻ 13 tuổi là con của anh chị.
Hi vọng bài viết giúp ích cho độc giả!
Hãy liên hệ với chúng tôi khi bạn cần tư vấn, hỗ trợ về các vấn đề pháp lý: 0833.102.102.
Xem thêm: Hiếp dâm người dưới 16 tuổi bị xử phạt như thế nào?