Chào Luật sư, hôm qua xóm tôi có tình trạng bạo lực gia đình. Trong lúc người chồng định lấy dao chém vợ thì chị vợ chụp được cục đá gần đó đánh vào đầu người chồng làm cho anh chồng chết tại chỗ. Vậy có được coi là phòng vệ chính đáng hay không? Chị vợ có bị đi tù hay không theo quy định? Tội giết người vượt quá phòng vệ chính đáng như thế nào? Mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng dịch vụ tư vấn của Luật sư X. Chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:
Phòng vệ chính đáng được hiểu như thế nào?
Tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Vượt qua giới hạn phòng vệ chính đáng: Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Đồng thời, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, điểm c khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định người phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ được xem xét đó là tình tiết giảm nhẹ khi truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tội giết người vượt quá phòng vệ chính đáng như thế nào?
Mức xử phạt khi phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng đối với trường hợp gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:
Căn cứ Điều 136 Bộ luật Hình sự năm 2015, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bị xử lý theo quy định sau:
– Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên.
– Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Trường hợp giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, căn cứ Điều 126 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cụ thể: Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Phân tích hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng
Việc xác định các dấu hiệu của tội phạm này nhất thiết phải căn cứ vào chế định phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự. Bởi lẽ không có phòng vệ chính đáng thì không có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Như vậy, dấu hiệu quan trọng nhất của tội phạm này là “sự vượt quá giới hạn được coi là chính đáng”. Vì vậy, để xác định vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì nhất thiết phải hiểu được thế nào là phòng vệ chính đáng.
Phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự có nội dung: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vi bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”. Qua việc tổng kết thực tiễn xét xử, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05-01-1986 hướng dẫn tòa án các cấp áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự 1985, trong đó tại mục II có đề cập đến chế định phòng vệ chính đáng. Trước khi có Bộ luật Hình sự 1985, Tòa án nhân dân tối cao cũng có Chỉ thị số 07 ngày 22-12-1983 về việc xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ. Tinh thần của chỉ thị số 07 thực tế vẫn còn phù hợp với quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 02 của Hội đống thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Cụ thể, hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đầy đủ các dấu hiệu sau đây:
♦ Hành vi xâm hại các lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi tội phạm hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội;
♦ Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;
♦ Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại;
♦ Hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Cần thiết không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm phạm có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại; cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc… Đồng thời cũng phải chú ý yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp chống trả thích hợp; nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.
Khách thể của tội phạm giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng
Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ tội phạm là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà đã chống trả lại một cách rõ ràng là quá mức hoặc vượt quá mức cần thiết làm cho người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nêu trên bị chết hoặc hành vi của người khi bắt giữ người phạm tội áp dụng các biện pháp vượt quá mức cần thiết làm cho người bị bắt giữ chết.
Tội phạm này xâm phạm quyền sống của người khác. Đồng thời nó cũng xâm phạm quyền phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 và quyền gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự.
Thông tin liên hệ
Trên đây là những vấn đề liên quan đến “Tội giết người vượt quá phòng vệ chính đáng như thế nào?”. Luật sư X tự hào sẽ là đơn vị hàng đầu hỗ trợ mọi vấn đề cho khách hàng liên quan đến tư vấn pháp lý, thủ tục giấy tờ liên quan đến bảo hiểm cho người lao động, Giấy phép sàn thương mại điện tử… Nếu quý khách hàng còn phân vân, hãy đặt câu hỏi cho Luật sư X thông qua số hotline 0833.102.102 chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin và phản hồi nhanh chóng.
Mời bạn xem thêm
- Quy định hóa đơn điện tử bắt buộc khi nào năm 2022?
- Hướng dẫn xuất hóa đơn điện tử điều chỉnh giảm năm 2022
- Tội mua bán trái phép hóa đơn bị xử phạt như thế nào năm 2022?
Câu hỏi thường gặp
Mặt khách quan của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thể hiện ở hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội:
+ Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm;
+ Hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.