Danh dự, nhân phẩm của mỗi người cũng rất quan trọng. Pháp luật có những quy định rõ ràng trong vấn đề bảo hộ danh dự, nhân phẩm cho mỗi công dân. Tại Hiến pháp 2013, quyền được bảo hộ danh dự, nhân phẩm là quyền cơ bản của mỗi công dân. Mọi hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác đều là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ chịu các xử phạt theo các chế tài đã quy định. Tuy nhiên, xâm phạm danh dự, xúc phạm nhân phẩm vẫn diễn ra phổ biến trong đời sống. Đặc biệt, với sự phát triển của khoa học công nghệ và kỹ thuật hiện đại, Internet và các trang mạng xã hội phát triển khiến cho các hình thức xâm phạm diễn ra đa dạng hơn, gây nên vấn đề được gọi là “bị xúc phạm danh dự trên mạng xã hội”. Vậy thực trạng xâm phạm danh dự nhân phẩm ở thời điểm hiện nay như thế nào? Việc xử phạt những hành vi này ra sao? Chỉ bị xử phạt hành chính hay bị xử phạt cả trách nhiệm hình sự. Luật sư X mời bạn cùng tìm hiểu với chúng tôi qua bài viết sau đây nhé!
Căn cứ pháp lý
Khái niệm “danh dự” “nhân phẩm” và hành vi xâm phạm danh dự nhân phẩm của người khác:
Hiện nay, trong các văn bản pháp luật hiện hành không giải thích rõ như thế nào là “danh dự”, “nhân phẩm”, tuy nhiên căn cứ vào khái niệm được thể hiện trong từ điển Tiếng Việt có thể hiểu:
“Danh dự” của một người được hiểu là giá trị của người đó (bao gồm cả giá trị đạo đức, và giá trị tinh thần) được nhìn nhận trên cơ sở sự coi trọng và cách nhìn nhận của xã hội, của cộng đồng. “Danh dự” được thừa nhận như một quyền nhân thân, thể hiện vai trò và uy tín của một cá nhân trong xã hội.
Còn “nhân phẩm” của một người được hiểu là phẩm chất và giá trị của một con người. Phẩm chất có thể hiểu như là những đức tính, những tính cách làm nên một người như thật thà, dũng cảm, nhiệt tình…; giá trị của một con người có thể được đánh giá là “cao thượng”, “hèn hạ”… “Nhân phẩm” cũng giống như “danh dự” đều được xác định là một trong những quyền nhân thân của cá nhân được pháp luật bảo vệ.
“Danh dự”, “Nhân phẩm” là những giá trị nhân thân của một người được pháp luật bảo vệ. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 20, 21 Hiến pháp năm 2013, Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể: cá nhân khi phát hiện có thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín mình thì có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin này. Trường hợp, những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của một người được đăng tải trên mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng thì có quyền yêu cầu gỡ bỏ, cải chính những thông tin này.
Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể những hành vi nào là xúc phạm, danh dự, nhân phẩm của người khác. Tuy nhiên, có thể hiểu, khi một người có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác được hiểu là người đó đã có những lời nói, hoặc có những hành vi động chạm, tác động đến những giá trị đạo đức, uy tín, phẩm giá của một người, gây tổn thương cho người bị tác động. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm không chỉ làm tổn thương đến những giá trị về tinh thần, lòng tự tôn, tự trọng của người bị xúc phạm, khiến họ cảm thấy nhục nhã, tức giận, tủi hổ mà còn có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của những người khác đến người bị xúc phạm. Điều này dẫn đến những tổn thương về tâm lý của người bị xúc phạm khi tình trạng này diễn ra nhiều lần, trong thời gian dài.
Hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác là hành vi trái pháp luật nên người thực hiện hành vi này, tùy vào từng hậu quả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Quy định về Tội làm nhục người khác
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Tội làm nhục người khác hiện nay được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, nếu một người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của một người khác thì tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi, các tình tiết của vụ việc mà họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nhẹ nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ và nặng nhất là có thể bị xử phạt đến 05 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.
Trên cơ sở quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 được xác định ở trên, có thể thấy, một người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác nếu đáp ứng đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội này như sau:
- Về mặt khách quan:
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, như đã phân tích, được xác định là hành vi dùng lời nói, hành động tác động đến đến danh dự, nhân phẩm của một người, hạ thấp, chà đạp lên phẩm giá, giá trị của người khác. Hành vi này có thể được thể hiện bằng lời nói như: thóa mạ, chửi bới một cách thậm tệ, thô tục, tục tĩu hoặc thể hiện bằng hành động mang tính chất bỉ ổi, hèn hạ, ví dụ như dúi đầu, bắt người khác liếm giày cho mình, ép người khác ăn cơm bị thiu… nhằm mục đích hạ nhục người này trước người khác, hạ thấp nhân cách, danh dự của người này.
Mặc dù hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác được diễn ra ở nhiều hình thái khác nhau, đối tượng tác động cũng như mức độ tác động đối với người bị xúc phạm có thể khác nhau, tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 thì chỉ có những hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác mà có tính chất “nghiêm trọng”. Tính chất “nghiêm trọng”, theo từ điển Tiếng Việt được hiểu là tính chất tồi tệ, xấu đến mức trầm trọng, có thể dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại. Do vậy, có thể hiểu hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm được hiểu là những hành vi có tính chất xúc phạm rất lớn, có khả năng gây sát thương cao đối với danh dự, uy tín, lòng tự trọng, tự tôn, bản ngã của một người, có thể dẫn đến hậu quả không thể lường trước được, ví dụ làm người bị xúc phạm tức giận dẫn đến cố ý gây thương tích, hoặc tự sát, hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống của người bị xúc phạm.
Trên thực tế, có những lời nói, hành vi đối với người này mang ý nghĩa xúc phạm nhưng đối với người khác thì lại được đánh giá không hẳn là xúc phạm, xem xét như một lời nói như bình thường. Ví dụ, một người chửi mắng một người khác là “đồ chó, đồ con chó”. Có thể đối với người này, lời nói này đang xúc phạm khi so sánh họ như con vật nhỏ bé, hèn mọn, thường biểu hiện tính cách xấu xa, nhưng có thể với một người khác nó như là một lời nói đùa, thậm chí coi đó là một cách gọi “thân mật” của bạn bè.
Tuy nhiên, nhìn chung những lời nói, hay hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm mà có thể bị truy cứu về Tội làm nhục người khác đều được đánh giá có tính chất xúc phạm với hầu hết người bị tác động và việc xúc phạm này khiến cho danh dự, nhân phẩm của người bị xúc phạm bị hạ thấp, gây nên những tổn thương lớn đến tinh thần và cảm xúc của họ. Do vậy, khi xem xét về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì cần phải xem xét đến mức độ thực hiện hành vi, phương thức thực hiện hành vi và mức độ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm cũng như cuộc sống của người bị xúc phạm để xác định; đồng thời phải kết hợp với ý thức chủ quan của người phạm tội, các yếu tố về hoàn cảnh sống, địa vị, nhận thức của người bị hại cũng như đánh giá của cộng đồng, dư luận xã hội.
- Về mặt chủ quan:
Mặt chủ quan của tội phạm được hiểu là những diễn biến về tâm lý, tinh thần bên trong của tội phạm như mục đích phạm tội, động cơ phạm tội, lỗi. Có thể thấy, trong Tội làm nhục người khác, người phạm tội đang thực hiện hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác với lỗi cố ý, tức là hoàn toàn nhận thức được hậu quả của hành vi của mình đối với người bị tác động như thế nào nhưng vẫn cố tình thực hiện và mong muốn điều đó xảy ra.
Động cơ phạm tội có thể xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, từ thù ghét cá nhân, do ngoại tình, tranh chấp nơi làm việc, trong cuộc sống.
- Về khách thể:
Khách thể của Tội làm nhục người khác được xác định đó là “danh dự”, là “nhân phẩm” – những giá trị cao đẹp về nhân thân của một người, là cơ sở xác định nhân cách, phẩm giá của người đó.
- Về chủ thể:
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì có thể xác định, chủ thể bị truy cứu về Tội làm nhục người khác được xác định là những người đầy đủ năng lực hành vi dân sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
Như vậy, “danh dự” và “nhân phẩm” là những yếu tố về nhân thân của một người luôn được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Khi một người có hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì họ đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tùy vào từng mức độ vi phạm và hậu quả tác động đến danh dự, nhân phẩm cũng như cuộc sống của người bị hại, mà người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính.
Thực trạng xâm phạm danh dự nhân phẩm
Tốc độ phát triển nhanh chóng của internet như một con dao hai lưỡi. Một mặt, phương thức biểu đạt của con người đã phát triển đến một tầm cao mới, vươn ra khỏi biên giới quốc gia, tạo điều kiện cho sự tự do ngôn luận, xóa mờ lằn ranh của các nền văn hóa, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển nhanh chóng của internet chính là vô số hành vi xâm phạm quyền con người ẩn dưới tên giả, hình ảnh giả. Việc tạo lập một tài khoản trên mạng xã hội mà không cần công khai danh tính, nghề nghiệp, nơi ở, số điện thoại… dần tạo điều kiện cho con người giao tiếp một cách rộng rãi, nhanh chóng, mà không để lộ thông tin cá nhân. Vì lí do đó, không ít cá nhân đã lạm dụng quyền tự do ngôn luận ở trong môi trường khó xác định được danh tính người phát ngôn, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các nền tảng mạng xã hội, các chức năng ẩn danh trình duyệt… để thực hiện hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Những hành vi này thường khó bị phát hiện và điều tra một cách rốt ráo, bởi lẽ, việc chứng minh chủ thể thực hiện và hậu quả của thiệt hại đều khá khó khăn và thiếu tính chính xác. Một hình thức bôi nhọ danh dự, nhân phẩm khá phổ biến nhưng chủ thể thực hiện hành vi thường rất ít khi phải đối mặt với chế tài của pháp luật chính là những hội nhóm trên facebook như: hội nhóm bóc “phốt” các công ty, cửa hàng, hội nhóm antifans của nghệ sĩ… Bên cạnh đó, nhiều đối tượng được thuê mướn để lập các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, hoặc những tài khoản phụ mà không ai biết chính xác danh tính của người lập, để tiến hành các hành vi bôi nhọ, vu khống, xúc phạm người khác, gây ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân. Hầu hết những hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đều để lại những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống cá nhân của người bị hại như: ảnh hưởng về tinh thần, làm giảm sút uy tín, ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ trong xã hội.
Thực tế có rất nhiều trường hợp quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người bị xâm phạm thông qua mạng internet đã được đưa ra pháp luật. Trong hầu hết các trường hợp này, việc xác định có hay không có hành vi xâm phạm thường gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, trong bản án dân sự sơ thẩm số 289/2019/DS-ST về tranh chấp bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm ngày 29/05/2019 do Toà án nhân dân quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giữa nguyên đơn là Trường Mầm Non H và bị đơn là Ông Nguyễn Thanh Đ., bị kháng cáo và xét xử theo thủ tục phúc thẩm với Bản án phúc thẩm số 735/2019/DS-PT ngày 21/08/2019 do Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý, cả Tòa cấp sơ thẩm và Tòa cấp phúc thẩm đều đưa ra nhận định: “Phía nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh ông Nguyễn Huy H là người tạo ra và là người sử dung Facebook với tên gọi “ H N” để đăng tin nói trên gây thiệt hại cho Trường mầm non H và cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh lý do nghỉ học của 11 học sinh là do đọc thông tin trên Facebook “ H N””. Bên cạnh đó, việc xác minh sự thực đằng sau những tài khoản ảo trên mạng xã hội đều mang tính tương đối và gặp nhiều khó khăn, khi không có đủ căn cứ chứng minh hành vi xâm phạm, chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm, hệ lụy của hành vi đó. Đó là chưa kể đến những trường hợp tài khoản bị ăn cắp mật khẩu, bị điều khiển từ xa bởi các ứng dụng, phần mềm.
Cũng xuất phát từ việc “ẩn danh” trên mạng xã hội, việc khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm cũng gặp khó khăn khi xác định nơi cư trú của bị đơn, gây khó khăn trong việc xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hành vi xâm phạm về danh dự, nhân phẩm. Trên môi trường Internet, một lời nói ngắn ngủi không rõ danh tính người phát ngôn đã có thể gây tổn hại đến danh dự và nhân phẩm của người khác. Tuy nhiên, người bị hại có thể sẽ không biết được ai là người đang xâm phạm mình, hoặc biết được ai đang xâm phạm mình thì việc tìm ra nơi cư trú, thông tin liên lạc, nhân thân… là điều vô cùng khó khăn. Vì vậy, một thách thức đặt ra đối với cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về danh dự, uy tín và nhân phẩm của cá nhân, tổ chức thông qua mạng Internet chính là xác định đúng và đầy đủ nhân thân, thông tin liên lạc và địa chỉ cư trú của người có hành vi xâm phạm để thực hiện việc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết. Việc xác định địa chỉ truy cập có thể được thực hiện thông qua các công dụng dò IP của thiết bị, tuy nhiên, việc dò IP thiết bị truy cập không khả quan khi người dùng sử dụng thiết bị công cộng, sử dụng các thiết bị không thuộc quyền sở hữu của người đó, hoặc người dùng di chuyển qua nhiều địa điểm. Chưa kể đến một số website có tính năng và cam kết bảo mật thông tin tài khoản người dùng để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, khi đó, các website này sẽ tự động mã hóa các thông tin được cung cấp bởi người dùng. Đặt trong tình huống người được che giấu thông tin cá nhân có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì các cam kết không tiết lộ danh tính có thể là rào cản trong việc nhanh chóng xác định địa chỉ cư trú của người vi phạm, cũng như thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Mời bạn xem thêm bài viết
- Các dấu hiệu chứng của tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế
- Tội phạm về kinh tế chức vụ
- Cấu thành tội phạm về môi trường
Thông tin liên hệ
Trên đây là bài viết tư vấn về “Thực trạng xâm phạm danh dự, nhân phẩm“. Nếu cần giải quyết nhanh gọn các vấn đề liên quan tới vấn đề dịch vụ thông báo giải thể công ty thì hãy liên hệ ngay tới Luật sư X thông qua số hotline 0833.102.102 để chúng tôi nhanh chóng tư vấn hỗ trợ và giải quyết vụ việc. Với các luật sư có chuyên môn cao cùng kinh nghiệm dày dặn, chúng tôi sẽ hỗ trợ 24/7, giúp bạn tiết kiệm chi phí và ít đi lại.
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Đối với trường hợp bị xử phạt hành chính nêu trên, thì tại điểm c khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng có quy định:
“14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1, điểm l khoản 2 và điểm e khoản 4 Điều này;
b) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và điểm i khoản 4 Điều này;
c) Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, các điểm d và đ khoản 5 Điều này trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu;
…”
Theo điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định buộc công khai xin lỗi là một trong những biện pháp tư pháp đối với người phạm tội.
“Điều 48 Bộ luật Hình sự quy định về trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi như sau:
1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
2. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.”
Từ các quy định trên thì người có hành vi chửi bới xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác dù bị xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây thiệt hại về tinh thần như tội làm nhục người khác nêu trên thì cũng đều buộc phải xin lỗi công khai người bị xúc phạm.
Căn cứ Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi, vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:
“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;
b) Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
c) Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
d) Gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm;
đ) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển “đèn trời”;
…”
Theo đó, người nào chửi bới xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác thì có thể bị phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Người bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đên quyền, lợi ích hợp pháp của người khác phạm tội vu khống và bị xử phạt đến bảy năm tù; có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.