Mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Việt Nam là bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục . Pháp luật Việt Nam quy định Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nói chung và đối tượng trẻ em nói riêng. Cụ thể tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, khẳng định và nhấn mạnh tới việc cần thiết phải quan tâm đầu tư, phát triển hơn nữa chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách…“
Song bên cạnh đó vẫn tồn tại những thách thức và hạn chế về giáo dục trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số. Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ làm sáng tỏ về Thực trạng giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số hiện nay cùng với đó sẽ đưa ra một số giải pháp hiệu quả phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mời bạn theo dõi đón đọc ngay nhé!
Căn cứ pháp lý
- Nghị quyết số 29-NQ/TW
Những thành tựu bước đầu trong công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay
Nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn và phù hợp của Đảng, Nhà nước, đến nay đã có nhiều mô hình trường học dành cho con em đồng bào các dân tộc, như: Trường thanh niên dân tộc, trường vừa học vừa làm, trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, trường dự bị đại học dân tộc, trường thiếu sinh quân… Hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông được củng cố và phát triển, bước đầu đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc.
Theo kết quả điều tra về tình hình kinh tế – xã hội 53 dân tộc thiểu số của Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc, tính đến ngày 1/8/2015: số lượng người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết là 7.465.062 người (đạt 79,8%); số lượng người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 7.416.732 người (đạt 79,2%); tỷ lệ người có việc làm từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo, đạt 6,2%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học, đi học đúng cấp đạt 70,2%; tổng số trường học của các xã vùng dân tộc thiểu số là 17.722. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2014-2015, cả nước đã có 304 trường phổ thông dân tộc nội trú với gần 64.697 học sinh thuộc 45/53 dân tộc thiểu số theo học, trong đó có 215 trường cấp huyện, 89 trường cấp tỉnh. Năm học 2014 – 2015 số học sinh tiểu học là con em dân tộc là 1.316.048 em; trung học cơ sở là 816.995 em; trung học phổ thông có 296.868 em.
Cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục phổ thông, đến nay đã có 4 trung tâm đại học khu vực: Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Hệ thống trường đào tạo nghề, trường cao đẳng được củng cố và phát triển. Hiện cả nước, có trên 13 nghìn người dân tộc thiểu số có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng; hơn 78 nghìn người có trình độ trung học chuyên nghiệp,… đã thực hiện cơ bản sự nghiệp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tiếp tục tăng với tốc độ cao; trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật của lao động từng bước được nâng lên; tiềm lực và trình độ khoa học – công nghệ đã có bước phát triển đáng kể. Hệ thống các trường dự bị đại học và các khoa dự bị đại học dân tộc đang được phát triển cả về quy mô đào tạo và cơ sở vật chất. Các chương trình dạy tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số bước đầu được quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn được một số sách giáo khoa dạy chữ viết dân tộc Khmer, chữ viết dân tộc Mông, dân tộc Mnông, dân tộc Bana, dân tộc Êđê, dân tộc Chăm, Hoa… Chế độ cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, có nhiều dân tộc thiểu số lần đầu tiên có học sinh được cử tuyển đi học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.
Thực trạng giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số hiện nay
Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, đồng thời, nhằm thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”, xoá dần khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa “miền ngược và miền xuôi”, đòi hỏi công tác giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số phải tiếp tục được quan tâm, đầu tư hơn nữa. Thực trạng đói nghèo, kém phát triển, chưa nhận thức và sự hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; còn nghe theo kẻ xấu lừa phỉnh gây mất ổn định an ninh chính trị ở một số vùng dân tộc hiện nay có nguyên nhân chủ yếu là do trình độ học vấn của đồng bào còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện còn thấp (khoảng 11,32%). Trong tổng số 48.200 cán bộ dân tộc thiểu số cấp xã, số người có trình độ học vấn trung học cơ sở chiếm 45,7%, tiểu học 18,7%, chỉ có 1,9% có trình độ cao đẳng và đại học. Đội ngũ cán bộ thôn, bản, phum, sóc năng lực, trình độ còn thấp hơn nhiều. Bên cạnh đó, lực lượng trong độ tuổi lao động của vùng dân tộc thiểu số đã qua đào tạo mới đạt 10,5%. Nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số có trình độ đại học và trên đại học mới đạt 2,8%, riêng người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 1,1%, thấp hơn 4 lần so với toàn quốc.
Nhìn chung, mặt bằng giáo dục, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn có khoảng cách đáng kể với dân tộc đa số. Chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số thiếu về số lượng và một bộ phận yếu về trình độ chuyên môn. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung cả nước, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền, giữa các dân tộc còn cao và có nguy cơ ngày càng rộng ra, thể hiện ở tỷ lệ biết chữ của trẻ em dân tộc thiểu số chỉ đạt tỷ lệ 78% so với tỉ lệ biết chữ chung, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 30% (hiện còn hơn 2.000 xã và trên 18.000 thôn, bản đặc biệt khó khăn). Tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ trong đồng bào còn khá cao, tỷ lệ người có trình độ học vấn cao là rất thấp (dân tộc Brâu là dân tộc chưa có người đi học đại học).
Để mọi người dân có trình độ học vấn cao hơn đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước bằng việc mở trường, lớp, đào tạo giáo viên… Ở những vùng có địa hình thuận lợi, như các tỉnh đồng bằng, trung du dân cư đông, việc mở trường lớp thuận lợi, lại được ngành giáo dục quan tâm hơn nên trình độ học vấn của người dân được nâng cao. Ngược lại, ở vùng miền núi là nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi có địa hình phức tạp, không thuận lợi, cơ sở vật chất, trường lớp thiếu thốn, nên công tác phát triển giáo dục, nâng cao trình độ học vấn của đồng bào còn nhiều hạn chế. Do vậy, trình độ học vấn của đồng bào các dân tộc thiểu số thấp hơn trình độ học vấn của đồng bào dân tộc đa số; hoặc trình độ học vấn của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thấp hơn trình độ học vấn của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở những vùng thuận lợi.
Quá trình thực hiện chính sách phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu sót từ chương trình sách giáo khoa, phương pháp giáo dục và dạy học đến chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đội ngũ giáo viên thường thiếu và yếu, chính sách sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên dạy ở các vùng dân tộc thiểu số còn nhiều bất hợp lý, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút giáo viên có tâm huyết với nghề, với sự phát triển sự nghiệp giáo dục.
Một trong những yếu tố làm hạn chế sự phát triển giáo dục ở nhiều vùng dân tộc thiểu số mà ngành giáo dục chưa quan tâm thỏa đáng là do vấn đề bất đồng ngôn ngữ trong quá trình dạy và học. Trẻ em còn chưa thông thạo tiếng mẹ đẻ lại phải học tiếng phổ thông. Vì học không hiểu, học kém, thua bạn bè, gây ra tâm lý chán nản, sợ học, sợ phải đến trường nên nhiều học sinh đã bỏ học dẫn đến tình trạng mù chữ và tái mù chữ.
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, câu hỏi: học để làm gì đang là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyết định của các gia đình có cho con đi học hay không. Chỉ khi nào đồng bào thấy lợi ích của việc học hành thì họ mới có quyết tâm cho con em đi học. Do đó việc đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở và trung học phổ thông là vấn đề cốt lõi cho công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp giáo dục. Nhưng nếu chúng ta không có những giải pháp đồng bộ thì công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số khó có thể đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một số giải pháp phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay
Chúng ta không thể chờ kinh tế phát triển mới phát triển giáo dục. Giáo dục phải đi trước một bước, chúng ta đã có kinh nghiệm phát triển sự nghiệp giáo dục trong những ngày đầu giành độc lập, khi nạn đói làm hàng triệu người chết nhưng do làm tốt công tác vận động, tuyên truyền phong trào “bình dân học vụ” đã khơi dậy truyền thống hiếu học của nhân dân ta. Phát triển giáo dục, đào tạo cho đồng bào dân tộc để đồng bào có điều kiện vươn lên hoà nhập cùng đồng bào cả nước và thực hiện quyền bình đẳng của mình về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Vì vậy, cần có sự giải quyết một cách khoa học và phải xem đó là nhiệm vụ cấp bách. Để đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay, các cấp, các ngành cần quan tâm những vấn đề sau:
Một là: tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có dân số ít. Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách của Đảng và Nhà nước với hoạt động của ngành giáo dục và sự đóng góp của toàn dân cho sự nghiệp giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, xã hội hoá giáo dục để toàn dân cùng quan tâm đóng góp một cách thiết thực là một trong những biện pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Hai là: phải đào tạo đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Bên cạnh việc đào tạo, cần xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, sao cho họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở chính quê hương của họ.
Ba là: ngành giáo dục phải xây dựng chương trình, sách giáo khoa và phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học của từng dân tộc, từng vùng trên cơ sở 2 ngôn ngữ (ngôn ngữ mẹ đẻ và ngôn ngữ phổ thông).
Bốn là: có chính sách đặc thù đối với con em đồng bào các dân tộc sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, nếu không thi được vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học thì bố trí cho đi học nghề và giải quyết công ăn, việc làm sau khi ra trường để tránh lãng phí tiền của, công sức của bản thân học sinh, gia đình và nguồn nhân lực cho sự phát triển các vùng dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng ở nước ta hiện nay.
Mời bạn xem thêm bài viết
- Tầm quan trọng của cơ sở vật chất trường học đến chất lượng giáo dục
- Hợp đồng đào tạo giáo dục nghề nghiệp có được giao kết bằng lời nói?
- Quyết định 355/QĐ-BGDĐT năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Thông tin liên hệ
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư X về vấn đề “Thực trạng giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số hiện nay”. Chúng tôi hi vọng rằng bài viết có giúp ích được cho bạn.
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của Luật sư X về đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền, đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thay đổi họ tên cha trong giấy khai sinh,thủ tục đăng ký bảo hộ logo, dịch vụ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; đơn xác nhận độc thân mới nhất, thành lập công ty hợp danh, đăng ký mã số thuế cá nhân, giấy phép bay flycam,… Hãy liên hệ qua số điện thoại: 0833.102.102
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
– Đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục công lập: Thời hạn ra quyết định là 04 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nhận đơn.
– Đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập: Thời hạn ra quyết định là 16 ngày làm việc kể từ ngày khai giảng năm học.
Cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo, phòng lao động – thương binh và xã hội.