Sự phát triển của xã hội loài người luôn gắn liền với sự phát triển của khoa học, công nghệ và được đánh dấu bằng các cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Các cuộc cách mạng công nghiệp này tạo ra nhiều thành tựu và mang lại nhiều lợi ích cho con người, giúp giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất lao động và giá trị cuộc sống. Với các công nghệ mang tính đột phá, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới, trong đó có vấn đề tiền ảo. Vây nhà nước có công nhận tiền ảo hay không? Có nên hợp pháp hóa tiền ảo để thu thuế không?
Xin chào Luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Hiện nay, tôi thấy có nhiều đồng tiền ảo như webmoney, perfectmoney, onecoin,….và thời gian gần đây, Bitcoin đã tăng mạnh trở lại, và ngày càng thu hút các nhà đầu tư muốn dựa vào đồng tiền này để “kiếm lời”. Với việc Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không được pháp luật công nhận là phương tiện thanh toán hợp pháp, liệu các hoạt động liên quan tới tiền ảo có bị cấm tại Việt Nam? Và theo luật sư thì có nên hợp pháp hóa tiền ảo để thu thuế không?
Rất mong nhận được sự phản hồi của Luật sư. Tôi xin cảm ơn
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của bạn thông qua bài viết dưới đây:
Tiền ảo được hiểu như thế nào?
Trên thực tế, tiền ảo có thể tồn tại dưới nhiều dạng như: Tiền ảo có chức năng là chứng khoán; tiền ảo có chức năng là phương tiện thanh toán; tiền ảo có chức năng là tiện ích để tiếp cận, sử dụng một dịch vụ nhất định… Điều này dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn trong thực tế khi cần có sự quản lý hoặc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tiền ảo. Không những thế, khái niệm tiền ảo cũng rất dễ gây nhầm lẫn với khái niệm tiền điện tử (là hình thức điện tử của tiền pháp định). Việc chưa có được một cách hiểu chính thức về tiền ảo trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam là một rào cản và khó khăn đặt ra khi xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo cũng như giải quyết các tranh chấp hoặc các hoạt động liên quan đến tiền ảo trong thực tiễn.
Tiền ảo trong lĩnh vực pháp luật dân sự
Trong giao lưu dân sự, tài sản là đối tượng chủ yếu của các quan hệ giữa những chủ thể được pháp luật dân sự điều chỉnh. Theo quan điểm của chúng tôi, đối chiếu với quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hoá, bởi lẽ:
Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bảo gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở một trong bốn dạng:
– Vật: Là một bộ phận của thế giới vật chất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và con người có thể chiếm hữu, kiểm soát được; ví dụ như nhà, xe, bàn ghế…
– Tiền: Là phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ dùng để định giá các loại tài sản khác. Tiền bao gồm tiền nội tệ và ngoại tệ. Tiền có thể tồn tại dưới dạng giấy, polymer, xu hoặc tiền điện tử (e-money).
– Giấy tờ có giá: Là loại giấy tờ trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự. Giấy tờ có giá phải do các chủ thể được phép phát hành. Giấy tờ có giá bao gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu, công trái…
– Quyền tài sản: Là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác như quyền đòi nợ, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt…
Như vậy, đối chiếu với quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong bốn loại nêu trên.
Tiền ảo trong lĩnh vực thuế
Trong thời gian vừa qua, sự biến động không ngừng về giá trị các đồng tiền ảo, đặc biệt là đồng Bitcoin đã khiến cho nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền ảo có được những khoản lợi nhuận lớn. Về phương diện pháp lý, các hoạt động này phải chịu thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động kinh doanh tiền ảo và các hoạt động khác liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích sinh lợi không chịu sự điều chỉnh của các luật về thuế ở Việt Nam. Điều này xuất phát từ nguyên nhân Việt Nam chưa có khung pháp luật về tiền ảo.
Như đã phân tích, tiền ảo không được coi là tài sản trong Bộ luật Dân sự và không được coi là hàng hoá theo quy định của pháp luật thương mại. Do đó, bản thân các đồng tiền ảo và các hoạt động kinh doanh tiền ảo không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể có liên quan.
Một minh chứng cụ thể đó là ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã ra phán quyết với nội dung huỷ Quyết định 714 của Chi cục Thuế thành phố Bến Tre về việc truy thu hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 1,6 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân đối với ông Nguyễn Việt Cường vì ông này tham gia trao đổi tiền ảo (Bitcoin). Theo Hội đồng xét xử, hiện chưa có luật công nhận tiền ảo Bitcoin là hàng hoá.
Việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế trong trường hợp này là mặc nhiên công nhận loại tiền này là hàng hoá trong khi đề án về khung pháp lý để quản lý, xử lý loại tiền này chỉ mới đang được xây dựng. Việc truy thu thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch bất hợp pháp… Mặt khác, tại quyết định truy thu thuế, cơ quan thuế có ghi nhận rằng không xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Cường do hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng internet là một loại hình mới phát sinh, các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế còn chậm. Điều đó thể hiện việc mua bán loại tiền này chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.
Có nên hợp pháp hóa tiền ảo để thu thuế không?
Theo quan điểm của cá nhân tôi: Do tiền ảo không công nhận là tài sản, Việt Nam không tiến hành thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh và giao dịch tiền ảo. Điều này làm giảm thiểu một nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Khi chúng ta đã công nhận tiền ảo là tài sản thì nó cũng trở thành hàng hoá (theo quy định của Luật Thương mại) và khi đó tiền ảo sẽ trở thành đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật thuế.
Nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, hầu hết các quốc gia đều đánh thuế đối với tiền ảo như Anh, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Australia… Thực trạng về tiền ảo và kinh nghiệm của các nước cũng chỉ ra rằng, hoàn toàn có cơ sở để tính thuế đối với các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại áp dụng một loại thuế và mức thuế khác nhau đối với tiền ảo tùy thuộc vào đặc thù kinh tế, chính trị, xã hội của từng nước. Phù hợp với xu thế chung đó, pháp luật về thuế Việt Nam cũng cần có sự điều chỉnh, quy định cụ thể về sắc thuế và cách tính thuế đối với loại tài sản mới này.
Mời bạn xem thêm bài viết:
- Pi network: Tiền ảo nhà nước có công nhận hay không?
- Chính sách, pháp luật đối với thị trường tiền ảo tại Việt Nam?
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Những rủi do có thể gặp khi đưa tiền ảo vào lưu thông là: nạn rửa tiền; lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tài sản ảo cũng là con đường chủ yêu mà tội phạm mạng lựa chọn khi thực hiện hành vi phạm tội
– Không thể cầm nắm được, không có hình hài vật lý cụ thể.
– Được sử dụng trên môi trường điện tử.
– Được tạo ra không giới hạn
– Được các công ty, tập đoàn hoặc tổ chức tạo ra mà không cần xin phép ai. Nó chỉ có giá trị trong cộng đồng giới hạn của các đơn vị này.
– Không có giá trị thực, không được bảo lãnh bởi Tiền mặt, vàng, và các tài sản có giá.
– Thường sử dụng để thanh toán, mua đồ trong các trò chơi điện tử, mỗi loại trò chơi có một loại tiền khác nhau.
– Tính thanh khoản thấp không thể dùng để trao đổi cho nhau hoặc đem ra ngoài môi trường điện tử để mua các sản phẩm dịch vụ khác được