Các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là các quan hệ chủ thể hay những gì xoay xung quanh có yếu tố chủ thể là người nước ngoài, đối tượng của quan hệ là tài sản ở hoặc những sự kiện pháp lý làm phát sinh làm thay đổi, chấm dứt quan hệ xảy ra tại nước ngoài. Xin mời các bạn độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết của Luật sư X để hiểu và nắm rõ được những quy định về “Quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” có thể giúp các bạn độc giả hiểu sâu hơn về pháp luật.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015
- Nghị định 138/2006/NĐ-CP
Khái niệm quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015 và Khoản 1 Điều 3 Nghị định 138/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ luật dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành có quy định về cách hiểu quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:
“Điều 663. Phạm vi áp dụng
- Phần này quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Trường hợp luật khác có quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không trái với quy định từ Điều 664 đến Điều 671 của Bộ luật này thì luật đó được áp dụng, nếu trái thì quy định có liên quan của Phần thứ năm của Bộ luật này được áp dụng. - Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.”
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
– Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
– Các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động mà các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam, nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt theo pháp luật nước ngoài, phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Ngoài ra, tại Điều này còn có định nghĩa về một số quy định có liên quan như sau:
+ Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch.
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
+ Cơ quan, tổ chức nước ngoài là các cơ quan, tổ chức không phải là cơ quan, tổ chức Việt Nam được thành lập theo pháp luật nước ngoài, bao gồm cả cơ quan, tổ chức quốc tế được thành lập theo pháp luật quốc tế.
+ Pháp nhân nước ngoài là pháp nhân được thành lập theo pháp luật nước ngoài.
Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định tại Khoản 2 Điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, theo đó:
Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
Vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài
Quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định từ Điều 664 đến Điều 671 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
Xác định pháp luật áp dụng với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
- Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
- Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng như trên thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
Áp dụng điều ước quốc tế với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì quy định của điều ước quốc tế đó được áp dụng.
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Phần này và luật khác về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì quy định của điều ước quốc tế đó được áp dụng.
Áp dụng tập quán quốc tế với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Các bên được lựa chọn tập quán quốc tế trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 664 của Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
Áp dụng pháp luật nước ngoài với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Trường hợp pháp luật nước ngoài được áp dụng nhưng có cách hiểu khác nhau thì việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền tại nước đó.
Phạm vi pháp luật được dẫn chiếu đến
Pháp luật được dẫn chiếu đến bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng và quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 668 Bộ luật Dân sự 2015.
- Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật Việt Nam thì quy định của pháp luật Việt Nam về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
- Trường hợp dẫn chiếu đến pháp luật của nước thứ ba thì quy định của pháp luật nước thứ ba về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự được áp dụng.
- Trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 664 của Bộ luật Dân sự 2015 thì pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ dân sự, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng.
Áp dụng pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật
Trường hợp pháp luật của nước có nhiều hệ thống pháp luật được dẫn chiếu đến thì pháp luật áp dụng được xác định theo nguyên tắc do pháp luật nước đó quy định.
Trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài
Pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp sau đây:
- Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
- Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trường hợp pháp luật nước ngoài không được áp dụng như trên thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
Thời hiệu với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Thời hiệu đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó.
Thông tin liên hệ
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề “Quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài”. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến xác nhận tình trạng độc thân, xác nhận tình trạng hôn nhân, thành lập công ty hợp danh, thủ tục xin giải thể công ty cổ phần, đổi tên giấy khai sinh, tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc vấn đề về điều kiện đối với nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo… Quý khách vui lòng liên hệ Luật Sư X để được hỗ trợ, giải đáp.
Để được tư vấn cũng như trả lời những thắc mắc của khách hàng trong và ngoài nước thông qua web Luatsux.vn, lsx.vn, web nước ngoài Lsxlawfirm,…
Liên hệ hotline: 0833.102.102.
- Facebook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Hợp đồng có yếu tố nước ngoài phải có ít nhất một chủ thể tham gia quan hệ là người nước ngoài, hoặc các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài hay các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài như theo quy định ở phân trên.
Cũng giống như các hợp đồng thông thường các bên tham gia hợp đồng cũng sẽ có thể xảy ra tranh chấp. Tranh chấp hợp đồng là sự bất đồng của các bên trong việc thực hiện giao kết, sửa đổi, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng.
Tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài phát sinh khi một trong các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hay không đầy đủ nghĩa vụ của hợp đồng có yếu tố nước ngoài và khiến các bên xảy ra bất đồng không thể thoả thuận tiếp tục thực hiện hợp đồng được.
Việc tranh chấp hợp đồng sẽ có các đặc điểm sau:
– Căn cứ theo quyền tự định đoạt của các bên khi thỏa thuận hợp đồng nên tranh chấp hợp đồng sẽ được giải quyết dựa trên sự tôn trọng ý chí của các bên, nghĩa là việc giải quyết tranh chấp sẽ dựa trên những phương thức mà các bên thoả thuận, về vấn đề phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại xảy ra.
– Tranh chấp hợp đồng đôi khi chỉ đến từ việc yêu cầu không thực hiện một công việc nhất định nên bản chất của việc giải quyết tranh chấp hợp đồng không đơn thuần là việc phân định quyền lợi về mặt tài sản mà còn có thể bao gồm cả các quyền lợi về nhân thân của các chủ thể tham gia.
– Ngoại trừ có thỏa thuận khác thì các bên bình đẳng trước cơ quan tài phán trong việc khởi kiện tranh chấp hợp đồng. Do đó tranh chấp hợp đồng phải được xem xét dựa trên tiêu chí bình đăng, tôn trọng quyền lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.
Căn cứ Điều 683 Bộ luật dân sự 2015 quy định về cách xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài như sau:
“1. Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.
2. Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:
a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;
b) Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ;
c) Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ;
d) Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân;
đ) Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng.
3. Trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu tại khoản 2 Điều này có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó.
4. Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản.
5. Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
6. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.
7. Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam“.