Giáo viên là người giảng dạy, giáo dục, cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho học sinh. Lên kế hoạch, tiến hành dạy tại các tiết học, thực hành và phát triển tư duy cho học sinh thông qua các buổi học nằm trong chương trình giảng dạy của nhà trường đồng thời cũng là người kiểm tra, ra đề, chấm điểm thi để đánh giá chất lượng từng học sinh. Giáo viên giảng dạy tại mỗi cấp học sẽ có những nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau. Quy định của pháp luật hiện nay về giáo viên như thế nào? Thời gian giảng dạy của giáo viên được pháp luật quy định ra sao?
Căn cứ pháp lý
- Luật giáo dục 2019
- Nghị định 84/2020/NĐ-CP
- Nghị định 24/2021/NĐ-CP
- Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT
- Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT
- Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT
Quy định pháp luật về giáo viên
Căn cứ theo Luật giáo dục 2019, Nghị định 24/2021, Nghị định 84/2020, một số quy định mới nhất hiện nay của pháp luật về giáo viên như sau:
Tiêu chuẩn của giáo viên
- Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt;
- Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm;
- Có kỹ năng cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;
- Bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.
Nhiệm vụ của giáo viên
- Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục.
- Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.
- Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.
- Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.
Quyền của giáo viên
- Được giảng dạy theo chuyên môn đào tạo.
- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
- Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục khác hoặc cơ sở nghiên cứu khoa học.
- Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể.
- Được nghỉ hè theo quy định của Chính phủ và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của giáo viên trong cơ sở giáo dục
- Tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
- Tham gia tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
- Tham gia giám sát việc tổ chức tuyển sinh, tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên
- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
- Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
- Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
Thời gian nghỉ hè của giáo viên
- Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;
- Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên trường trung cấp là 06 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm;
- Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách, thời gian nghỉ hè của nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, trường trung cấp và trường cao đẳng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
- Ngoài thời gian nghỉ hè thì giáo viên được nghỉ lễ, tết và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.
Việc nghỉ hè của giáo viên trong cơ sở giáo dục thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Quy định về thời gian làm việc của giáo viên
Giáo viên mầm non
Căn cứ Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT, thời gian làm việc trong năm học của giáo viên mầm non là 42 tuần gồm:
- 35 tuần nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ (dạy trẻ).
- 04 Tuần học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
- 02 tuần chuẩn bị năm học mới.
- 01 tuần tổng kết năm học.
Giờ dạy của giáo viên mầm non
- Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
- Đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 01 buổi/ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 04 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần.
- Đối với giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập, mỗi giáo viên dạy đủ số giờ theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này; trong đó, cứ có 01 trẻ khuyết tật/lớp, mỗi giáo viên được tính thêm 0,5 giờ dạy/ngày.
- Đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục (dạy trẻ hoặc dự giờ dạy trẻ của giáo viên trong trường) 02 giờ trong một tuần; phó hiệu trưởng phải trực tiếp tham gia các hoạt động giáo dục 04 giờ trong một tuần.
Giáo viên tiểu học
Theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT, giáo viên tiểu học có thời gian làm việc là 42 tuần/năm học, gồm:
- 35 tuần giảng dạy và các hoạt động khác theo kế hoạch.
- 05 tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.
- 01 tuần chuẩn bị năm học mới.
- 01 tuần tổng kết năm học.
Trong đó, cứ mỗi tuần, giáo viên tiểu học phải có số tiết lý thuyết hoặc thực hành là 23 tiết, nếu lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật và giáo viên trường dân tộc bán trú thì định mức này là 21 tiết.
Cũng như giáo viên mầm non ở trên, giáo viên tiểu học cũng được nghỉ hè, nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động và được hưởng nguyên lương, phụ cấp (nếu có).
Giáo viên THCS, THPT
Theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, cụ thể là khoản 2 Điều 5 Thông tư 28, giáo viên trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) có thời gian làm việc trong năm la 42 tuần gồm:
- 37 tuần giảng dạy và hoạt động giáo dục trong kế hoạch thời gian năm học.
- 03 tuần học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.
- 01 tuần chuẩn bị năm học mới.
- 01 tuần tổng kết năm học.
Trong đó, định mức tiết dạy (lý thuyết và thực hành) của mỗi giáo viên THCS là 19 tiết/tuần, của giáo viên THPT là 17 tiết/tuần.
Riêng giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú thì định mức tiết dạy là 17 tiết/tuần ở cấp THCS, 15 tiết/tuần ở cấp THPT. Với giáo viên cấp THCS trường phổ thông dân tộc bán trú là 17 tiết/tuần. Giáo viên trường dành cho người tàn tật, khuyết tật là 17 tiết/tuần ở cấp THCS.
Giáo viên trường dự bị đại học
Căn cứ theo Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT thời gian làm việc của giáo viên trường dự bị đại học là 42 tuần, trong đó:
- 28 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch năm học;
- 12 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, xây dựng tài liệu, nghiên cứu khoa học và một số hoạt động khác theo kế hoạch năm học;
- 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;
- 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học
Định mức tiết dạy của giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết
Liên hệ
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Sư X liên quan đến “Quy định pháp luật về giáo viên”. Quý khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về cách nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ vay vốn ngân hàng cho doanh nghiệp, trích lục hộ tịch, các thủ tục thành lập công ty, đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền hoặc muốn sử dụng dịch vụ tạm ngừng kinh doanh;…quý khách hàng vui lòng liên hệ đến hotline 0833.102.102 để được nhận tư vấn.
Mời bạn xem thêm
- 16 tuổi có được làm thuyền viên trên phương tiện đường thủy nội địa không?
- Bảo hiểm y tế có liên quan đến tiền thai sản không?
- Vi phạm giao thông có phải là tiền sự không?
Câu hỏi thường gặp
Mức lương của giáo viên được tính theo công thức:
Lương = Mức lương cơ sở x Hệ số lương + Chế độ phụ cấp ưu đãi được hưởng + Phụ cấp thâm niên – Mức đóng Bảo hiểm xã hội
Theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, giáo viên được dạy thêm khi đơn đăng ký dạy thêm được hiệu trưởng xét duyệt vào danh sách giáo viên dạy thêm ở trường. Đối với trường hợp giáo viên dạy thêm ở ngoài thì cần phải cam kết với Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi đặt điểm dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy thêm, học thêm và công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm.
Theo Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT các trường hợp giáo viên không được dạy thêm như sau:
– Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
– Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
– Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
– Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
+ Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
+ Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.