Theo quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm vụ án hình sự trong một số trường hợp nhất định. Việc sửa bản án này thường sẽ theo hướng có lợi cho bị cáo. Vậy cụ thể, pháp luật quy định các trường hợp nào được sửa bản án sơ thẩm? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây:
Căn cứ pháp lý
Quy định về sửa bản án sơ thẩm vụ án hình sự?
Trường hợp được sửa bản án sơ thẩm được quy định cụ thể, chi tiết tại điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, như sau:
Điều 357. Sửa bản án sơ thẩm
1. Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:
a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; biện pháp tư pháp;
b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn;
c) Giảm hình phạt cho bị cáo;
d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng;
đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn;
e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho hưởng án treo.
2. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:
a) Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của BLHS về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư pháp;
b) Tăng mức bồi thường thiệt hại;
c) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn;
d) Không cho bị cáo hưởng án treo.
Nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp có căn cứ, HĐXXPT có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.
Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo
Căn cứ Khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo, như sau:
– Miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo đã bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố là có tội và áp dụng hình phạt hoặc miễn hình phạt, nếu có căn cứ “do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiêm cho xã hội nữa”;
– Miễn hình phạt cho bị cáo, nếu có căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự: “phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Bộ luật này, đáng được khoan hồng đặc biệt; nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”;
– Áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn hoặc khung hình phạt nhẹ hơn đối với bị cáo. Trong trường hợp áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự vê tội nhẹ hơn Tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm nhẹ hình phạt hoặc không giảm hình phạt cho bị cáo;
– Giảm hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung, hủy một trong các loại hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo;
– Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn (từ hình phạt tù sang cải tạo không giam giữ; hoặc phạt tiền, cảnh cáo); giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo;
– Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét phần dân sự của bản án sơ thẩm khi có kháng cáo hoặc kháng nghị đối với phần đó. Nếu thấy mức bồi thường thiệt hại mà Tòa án cấp sơ thẩm quyết định cao hơn mức thiệt hại thực tế do tội phạm gây ra, thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm mức bồi thường đối với bị cáo hoặc bị đơn dân sự.
Lưu ý:
– Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm mới có quyền được sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo.
– Trong trường hợp vụ án có nhiều bị cáo, qua việc xét xử phúc thẩm vụ án; nếu có căn cứ, thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm: áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn; giảm mức hình phạt hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn; giảm mức bồi thường thiệt hại, cho hưởng án treo; hoặc giảm thời gian thử thách của án treo… đối với cả những người không có kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp này được quy định tại khoản 3 điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 “Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo; hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.”
Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng đối với bị cáo
Căn cứ Khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng đối với bị cáo trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị; hoặc người bị hại kháng cáo theo hướng đó. Nếu Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt mà không yêu cầu áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn đối với bị cáo, thì Tòa án cấp phúc thẩm chỉ có quyền tăng mức hình phạt trong khung hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo mà không có quyền áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn và chuyển sang khung hình phạt khác nặng hơn.
Tuy nhiên, nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm hình phạt; áp dụng điều, khoản của Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn; chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo; giảm mức bồi thường thiệt hại.
Bạn đọc có thể quan tâm: Thẩm quyền xét xử vụ án hình sự
Thông tin liên hệ Luật sư X
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư X về chủ đề: “Quy định của pháp luật về sửa bản án sơ thẩm vụ án hình sự?“. Chúng tôi hi vọng rằng bài viết có giúp ích được cho bạn.
Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ của luật sư X. Hãy liên hệ qua số điện thoại: 0833.102.102
- Facebook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi; người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án; hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại….
Theo quy định tại Điều 336 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:
Kháng nghị phúc thẩm là việc Viện kiểm sát cùng cấp; Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp yêu cầu Toà án xét lại bản án; quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật theo thủ tục phúc thẩm.
Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là giai đoạn của tố tụng hình sự; trong đó, toà án có thẩm quyền (cấp xét xử thứ nhất) thực hiện trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên toà xem xét, giải quyết vụ án bằng việc ra bản án quyết định bị cáo (hoặc các bị cáo) có tội hay không có tội; hình phạt và các biện pháp tư pháp; cũng như các quyết định tố tụng khác theo quy định của pháp luật.