Người lao động hoạt động trong lĩnh vực xây dựng là một ngành nghề vất vả và khá nguy hiểm. Trong quá trình thi công xây dựng các công trình, tuy không ai mong muốn nhưng việc xảy ra tai nạn lao động là điều không thể tránh khỏi. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động nhằm bù đắp một phần tổn thất cho người lao động và hỗ trợ rủi ro cho chủ đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, nên pháp luật hiện nay quy định chủ đầu tư xây dựng công trình phải mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động. Vậy pháp luật hiện hành “Quy định bảo hiểm tai nạn trong xây dựng” như thế nào?. Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Các loại bảo hiểm tai nạn trong xây dựng
Hiện nay có những loại bảo hiểm tai nạn trong xây dựng mà chủ đầu tư và các công ty xây dựng phải mua theo quy định của Nhà nước như:
Bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng.
Đây là gói bảo hiểm mà chủ đầu tư sẽ phải mua để bảo hiểm cho công trình trong thời gian xây dựng. Bảo hiểm tai nạn trong xây dựng này để đền bù lại những rủi ro, tổn thất có thể xảy ra trong khi xây dựng trừ các trường hợp không được bảo hiểm chi trả như: những tổn thất phát sinh từ hành vi cố ý; tổn thất không thể tính được bằng tiền; tổn thất không mang tính ngẫu nhiên, chẳng may xảy ra hoặc là tổn thất mang tính thảm họa không thể tính được.
Bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ 3.
Với gói bảo hiểm này thì chủ thầu phải mua bảo hiểm đối với bên thứ 3 khi bên nhận thầu thực hiện triển khai xây dựng công trình.
Bảo hiểm về trách nhiệm nghề nghiệp, tư vấn xây dựng.
Đối tượng của gói bảo hiểm tai nạn trong xây dựng này là thuộc trách nhiệm dân sự của nhà thầu tư vấn đầu tư xây dựng với bên thứ ba. Đặc biệt là bảo hiểm sẽ bồi thường cho nhà thầu tư vấn những khoản phát sinh mà nhà thầu này có trách nhiệm bồi thường cho các tổn thất của bên thứ ba phát sinh theo quy định pháp luật.
Bảo hiểm cho những công nhân xây dựng.
Đối tượng bảo hiểm là những công nhân xây dựng trên công trường và đây cũng là trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng phải mua cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Những quyền lợi mà người tham gia bảo hiểm nhận được
Bảo hiểm tai nạn trong xây dựng là để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và đảm bảo an toàn tính mạng cho mỗi người lao động, nó bao gồm các chi phí điều trị khẩn cấp; chi phí nằm viện, khám sức khỏe và các chi phí khác như nhu cầu đi lại, chỗ ở trong quá trình điều trị của người lao động. Những quyền lợi mà người tham gia được hưởng là:
– Hưởng trợ cấp khi xảy ra tại nạn hoặc bị mắc những bệnh nghề nghiệp, theo đó với gói bảo hiểm tai nạn trong xây dựng này bạn sẽ được thanh toán hàng tháng hoặc là trả 1 lần theo yêu cầu của khách hàng.
– Giúp người lao động có thể chuyển đổi nghề nghiệp hay có thể chữa những căn bệnh gây ra trong quá trình làm việc và phục hồi lại chức năng lao động theo quy định.
Quy định bảo hiểm tai nạn trong xây dựng
Khi công nhân tham gia lao động trên công trường chẳng may gặp các tình huống bất ngờ, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe; công ty bảo hiểm sẽ hỗ trợ chi trả các khoản chi phí đã được nêu trong hợp đồng bảo hiểm.
Theo quy định tại Thông tư 50/2022/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và Nghị định 20/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì :
Bảo hiểm tai nạn con người còn là loại hình bảo hiểm bắt buộc tham gia cho các đối tượng là Lao động, công nhân trong các dự án, công trình, công trường xây dựng. Thông tư này áp dụng cho Chủ đầu tư xây dựng, nhà thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng; Nhà thầu tư vấn; Nhà thầu thi công xây dựng….
Điều 21, Mục 3 của Thông tư 50/2022/TT-BTC nêu rõ: Số tiền bảo hiểm tối thiểu trong trường hợp bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường là một trăm (100) triệu đồng/người/vụ.
Trách nhiệm mua bảo hiểm: Nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường khi người lao động thực hiện công việc thi công trên công trường.
Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm tai nạn trong xây dựng
Khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thi công trên công trường, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp giải quyết bồi thường bảo hiểm như sau:
Đối với bên mua bảo hiểm:
– Lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc; sau đó trong thời hạn mười bốn (14) ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thi công trên công trường, phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.
– Thực hiện mọi biện pháp trong phạm vi khả năng của mình để hạn chế tổn thất ở mức thấp nhất.
– Cung cấp các tài liệu trong hồ sơ bồi thường theo quy định tại Điều 27 Thông tư này và tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu đó.
– Thực hiện, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các hành động và biện pháp cần thiết hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng sau khi bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo Thông tư này.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm:
– Hướng dẫn bên mua bảo hiểm, phối hợp với bên mua bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập đầy đủ các tài liệu để lập hồ sơ bồi thường; xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.
– Trường hợp chấp nhận bồi thường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản thông báo bồi thường bảo hiểm.
– Trường hợp từ chối bồi thường bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải có văn bản giải thích lý do.
Khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả những khoản tiền theo thỏa thuận giữa nhà thầu thi công và người lao động hoặc đại diện hợp pháp của người lao động (trong trường hợp người lao động đã chết), bao gồm các khoản chi trả sau:
+, Phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ điều trị được tính căn cứ vào mức tiền lương theo hợp đồng lao động nhưng không vượt quá sáu (06) tháng lương trong mỗi sự kiện bảo hiểm.
+, Chi phí y tế thực tế bao gồm: chi phí cấp cứu, chi phí điều trị nội, ngoại trú cần thiết và hợp lý nhưng không vượt quá một trăm (100) triệu đồng/người/vụ.
+. Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động dưới tám mươi mốt phần trăm (81%), mức bồi thường cụ thể cho từng loại thương tật, thiệt hại về người được xác định theo Bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.
+, Trường hợp người lao động bị chết hoặc suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ tám mươi mốt phần trăm (81%) trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả một trăm (100) triệu đồng/người/vụ.
Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm không vượt quá tổng số tiền bảo hiểm quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
Trường hợp tai nạn lao động xảy ra hoặc bệnh nghề nghiệp phát sinh gây thương tật cho người lao động và thương tật này bị làm trầm trọng thêm bởi các thương tật hoặc bệnh tật trước đó, doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường cho phần bị làm trầm trọng thêm đó.
Riêng đối với trường hợp bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, nếu bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường với hai (02) doanh nghiệp bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm, khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận theo hợp đồng bảo hiểm trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã giao kết.
Mời các bạn xem thêm bài viết:
- Quy định mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc như thế nào?
- Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho doanh nghiệp quy định thế nào?
- Quy định chi tiết về công trình bắt buộc mua bảo hiểm
Thông tin liên hệ
Trên đây là những vấn đề liên quan đến “Quy định bảo hiểm tai nạn trong xây dựng” Luật sư X tự hào sẽ là đơn vị hàng đầu hỗ trợ mọi vấn đề cho khách hàng liên quan đến tư vấn pháp lý, thủ tục giấy tờ liên quan đến dịch vụ giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn … Nếu quy khách hàng còn phân vân, hãy đặt câu hỏi cho Luật sư X thông qua số hotline 0833102102 chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin và phản hồi nhanh chóng.
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Phạm vi bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm
a) Loại trừ trách nhiệm bảo hiểm chung theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
b) Tổn thất có liên quan đến chất amiăng hoặc bất kỳ nguyên vật liệu nào có chứa chất amiăng.
– Thời hạn bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật.
– Việc xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể đối với người lao động thi công trên công trường căn cứ vào hợp đồng lao động và văn bản xác nhận của nhà thầu thi công xây dựng về thời gian người lao động làm việc thực tế trên công trường.
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, các cơ quan, tổ chức có liên quan thu thập các tài liệu có liên quan để lập hồ sơ bồi thường. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường bao gồm các tài liệu sau:
1. Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm
2. Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm bao gồm:
a) Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm, hợp đồng lao động ký giữa người được bảo hiểm và người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
b) Các văn bản yêu cầu bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động (nếu có).
3. Tài liệu chứng minh người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động (Bản sao của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản chính), bao gồm:
a) Biên bản điều tra tai nạn lao động do cơ quan có thẩm quyền lập theo quy định của pháp luật (nếu có). Trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông và được xác định là tai nạn lao động thì phải có biên bản tai nạn giao thông hoặc biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông do các cơ quan có thẩm quyền lập theo quy định của pháp luật.
b) Tùy theo mức độ thiệt hại về người có thể bao gồm một hoặc một số tài liệu sau: Giấy chứng nhận thương tích; Giấy ra viện; Giấy chứng nhận phẫu thuật; Hồ sơ bệnh án; Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y.
c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ năm phần trăm (5%) trở lên (nếu có).
d) Hóa đơn, chứng từ hợp lệ của các cơ sở y tế chứng minh việc điều trị thương tật do tai nạn lao động của người lao động.
4. Tài liệu chứng minh người lao động bị thương tật, chết do bệnh nghề nghiệp, bao gồm:
a) Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại trong thời hạn quy định do cơ quan có thẩm quyền lập, trường hợp biên bản xác định cho nhiều người thì hồ sơ của mỗi người lao động phải có bản trích sao.
b) Giấy ra viện (trường hợp không điều trị tại bệnh viện thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp) hoặc phiếu hội chuẩn mắc bệnh nghề nghiệp; Hồ sơ bệnh án; Trích lục khai tử hoặc Giấy báo tử (trong trường hợp người lao động chết).
c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ năm phần trăm (5%) trở lên (nếu có).
d) Hóa đơn, chứng từ hợp lệ của các cơ sở y tế chứng minh việc điều trị thương tật do bệnh nghề nghiệp của người lao động.
5. Tài liệu chứng minh các khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng đã thực hiện bồi thường cho người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây ra thuộc trách nhiệm bảo hiểm (nếu có).
6. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).