Xin chào Luật sư, tôi đang tìm mặt bằng để kinh doanh nhưng có thắc mắc chưa rõ về quy định pháo luật mong muốn được luật sư tư vấn. Cụ thể tôi đã tìm được một thửa đất khá ưng ý và quyết định xuống tay mua mảnh đất này, tôi thắc mắc rằng hợp đồng mua bán đất có phải thực hiện công chứng hay không? Pháp luật quy định phí công chứng nhà đất bên nào chịu? Mong luật sư giải đáp, tôi xin cảm ơn.
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật sư X. Bạn hãy theo dõi nội dung bài viết dưới đây của chúng tôi để được giải đáp thắc mắc nêu trên.
Căn cứ pháp lý
Phí công chứng là gì?
Có thể hiểu, phí công chứng là khoản phí mà người yêu cầu công chứng phải nộp khi làm các thủ tục công chứng, bao gồm phí công chứng hợp đồng, giao dịch, phí lưu giữ di chúc, phí cấp bản sao văn bản công chứng.
Có bắt buộc phải công chứng hợp đồng mua bán nhà đất không?
Nhìn chung, theo quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và Bộ luật dân sự 2015 thì các giao dịch có tính chất chuyển dịch quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở thì bắt buộc phải công chứng nhằm bảo đảm tính an toàn pháp lý và quyền lợi của người dân.
Theo đó, các trường hợp giao dịch bắt buộc phải công chứng gồm:
Về quyền sử dụng đất
Dựa theo quy định tại Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, các loại hợp đồng sau đây phải công chứng hoặc chứng thực:
– Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Về nhà ở
Dựa theo quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014, các loại hợp đồng liên quan sau đây phải công chứng hoặc chứng thực:
– Hợp đồng mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở.
– Hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại.
Như vậy, việc công chứng/ chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà ở là quy định bắt buộc.
Phí công chứng nhà đất bên nào chịu?
Do tâm lý chung của hầu hết mọi người dân khi chuyển nhượng nhà đất đều muốn được miễn thuế, phí hoặc số tiền phải nộp cho các thủ tục là ít nhất. Để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các bên, Khoản 1 Điều 66 Luật Công chứng 2014 quy định về nghĩa vụ nộp phí công chứng như sau:
“Người yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng.”
Dựa trên quy định trên, có thể thấy hiện nay pháp luật không quy định người yêu cầu công chứng phải là bên bán hay bên mua trong hợp đồng mua bán nhà đất. Do vậy, bên bán hay bên mua đều có thể là người yêu cầu công chứng.
Ngoài ra, pháp luật không cấm các bên (bên bán, bên mua) thỏa thuận về việc trả phần chi phí này cho tổ chức hành nghề công chứng. Trên thực tế, nhiều hợp đồng mua bán nhà đất được ký kết là do hai bên cùng đi công chứng.
Do vậy, từ những căn cứ nêu trên, bên bán hoặc bên mua là bên chịu chi phí công chứng. Các bên có thể tự thỏa thuận với nhau về việc để người bán/ người mua trả hoặc cùng nhau chịu khoản chi phí này.
Phí công chứng mua bán nhà đất hiện nay là bao nhiêu?
Hiện nay, theo quy định tại Luật Công chứng 2014 và Thông tư 257/2016/TT-BTC thì việc công chứng hợp đồng mua bán nhà đất phải chịu các chi phí theo quy định của từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà đất.
Theo đó, các khoản thu mà tổ chức hành nghề công chứng (văn phòng công chứng/ phòng công chứng) được thu bao gồm: Phí công chứng; Thù lao công chứng và các chi phí khác nếu có. Cụ thể như sau:
Một là, phí công chứng (Điều 66 Luật Công chứng 2014)
Đây là mức phí được thu khi người yêu cầu công chứng phải trả cho tổ chức hành nghề công chứng để họ thực hiện công việc chứng nhận hợp đồng/ giao dịch, cấp bản sao hợp đồng/ giao dịch cho người yêu cầu công chứng. Hiện nay, khoản thu này được tính theo quy định tại Thông tư 257/2016/TT-BTC và tùy thuộc vào mức giá nhà đất chuyển nhượng mà mức thu này có sự khác biệt.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định về căn cứ để tính phí công chứng hợp đồng mua bán nhà đất như sau:
“2. Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch:
a) Mức thu phí đối với việc công chứng các hợp đồng, giao dịch được tính như sau:
a1) Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho, chia, tách, nhập, đổi, góp vốn bằng quyền sử dụng đất: Tính trên giá trị quyền sử dụng đất.
a2) Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho, chia, tách, nhập, đổi, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng trên đất: Tính trên tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản gắn liền với đất, giá trị nhà ở, công trình xây dựng trên đất….”
Như vậy, tùy thuộc vào giá trị chuyển nhượng mà mức phí công chứng được tính khác nhau, cụ thể theo bảng sau:
Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch | Mức thu (đồng/trường hợp) |
Dưới 50 triệu đồng | 50 nghìn |
Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng | 100 nghìn |
Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng | 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng | 01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng |
Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng | 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng |
Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng | 3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ |
Từ trên 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng | 5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng |
Trên 100 tỷ đồng | 32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/ trường hợp). |
Hai là, thù lao công chứng (Điều 67 Luật Công chứng 2014)
Đây là khoản mà người yêu cầu công chứng phải trả cho cơ quan có thẩm quyền công chứng hoặc tổ chức hành nghề công chứng để họ thực hiện các việc như soạn thảo, đánh máy, in ấn, sao chụp, dịch văn bản,… và các công việc khác phục vụ cho việc công chứng.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà đất sẽ quy định mức trần (mức cao nhất) thù lao công chứng mà các văn phòng công chứng/ phòng công chứng được phép thu của người yêu cầu công chứng.
Ví dụ:
– Mức trần thù lao công chứng tại Hà Nội là 01 triệu đồng/ giao dịch mua bán đất (Quyết định 10/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội);
– Mức trần thù lao công chứng tại thành phố Hồ Chí Minh là 300.000 đồng đối với các giao dịch mua bán nhà đất phức tạp và 70.000 đồng đối với các giao dịch mua bán nhà đất đơn giản (Quyết định 08/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh);
Ba là, các chi phí khác (Điều 68 Luật Công chứng 2014)
Đây là khoản thu mà người yêu cầu công chứng phải trả cho văn phòng công chứng/ phòng công chứng theo thỏa thuận giữa hai bên để văn phòng công chứng/ phòng công chứng thực hiện các công việc như giám định, xác minh hồ sơ/ điều kiện công chứng, hoặc việc ký ngoài trụ sở/ ngoài giờ hành chính. Vì đây là khoản thu thỏa thuận, do đó không có quy định pháp luạt cụ thể.
Như vậy, khi thực hiện ký hợp đồng mua bán nhà đất có công chứng, người yêu cầu công chứng phải chịu các khoản chi phí là: Phí công chứng, thù lao công chứng và các chi phí khác (nếu có). Tùy thuộc vào mức giá trị của tài sản và yêu cầu cụ thể của người công chứng mà mức phí sẽ khác nhau.
Mời bạn xem thêm:
- Công chức có được góp vốn vào doanh nghiệp không?
- Cá nhân có được góp vốn vào doanh nghiệp tư nhân không?
- Tại sao doanh nghiệp tư nhân không được góp vốn?
Thông tin liên hệ:
Vấn đề “Năm 2023 quy định phí công chứng nhà đất bên nào chịu?” đã được Luật sư X giải đáp thắc mắc ở bên trên. Với hệ thống công ty Luật sư X chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý trên toàn quốc. Chúng tôi sẽ giải đáp mọi thắc mắc của quý khách hàng liên quan tới tư vấn pháp lý về Tra cứu chỉ giới xây dựng. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ giúp quý khách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và ít đi lại. Chi tiết vui lòng liên hệ tới hotline: 0833102102
Câu hỏi thường gặp:
Theo quy định của pháp luật, có một số loại hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng. Trong các trường hợp các bên không thực hiện công chứng, hợp đồng đó được coi là vô hiệu và không có giá trị pháp lý.
Việc công chứng giúp các bên hạn chế được những rủi ro từ những hợp đồng, giao dịch dân sự, thương mại không được công chứng.
– Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của bên mua (cả vợ và chồng nếu bên mua là hai vợ chồng)
– Sổ hộ khẩu của bên mua (cả vợ và chồng)
– Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của bên mua.
– Phiếu yêu cầu công chứng + tờ khai
– Hợp đồng ủy quyền mua (Nếu có)
Theo quy định tại Điều 42 Luật Công chứng năm 2014 có quy định:
“Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”
Như vậy, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì các bên công chứng tại phòng công chứng nhà nước hoặc văn phòng công chứng tư có trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà đất.