Ngày này, trong nền kinh tế thị trường, các hoạt động thương mại cũng phát triển mạnh. Hàng hóa đa dạng và phong phú hơn về cả chất lượng, chủng loại. Không chỉ có những hàng hóa sản xuất ở trong nước mà còn có cả những loại hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác về. Mỗi loại hàng hóa đều được gắn nhãn mác để giúp người tiêu dùng có thêm thông tin để mua sắm, lựa chọn hàng hóa. Đặc biệt, nhãn mác hàng hóa nhập khẩu sẽ được quy định chặt chẽ hơn. Nhãn mác hàng hóa nhập khẩu được quy định như thế nào? Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa của người nhập khẩu ra sao? Xử phạt vi phạm hành chính về nhãn mác hàng hóa nhập khẩu như thế nào? Nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam là gì? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu những vấn đề này qua bài viết sau đây nhé! Hy vọng bạn đọc sẽ biết thêm nhiều kiến thức thú vị và hữu ích qua bài viết này.
Căn cứ pháp lý
- Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa
- Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa
Quy định về nhãn mác hàng hóa nhập khẩu
Theo quy định hiện hành, việc thiếu, sai nhãn hàng hóa khi nhập khẩu hàng hóa có thể bị phạt từ 500.000 VND đến 60.000.000 VND tùy hành vi và giá trị hàng và phải đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất (Điều 22. Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu, Nghị Định 128/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính Phủ Quy định Xử phạt Vi phạm Hành chính trong Lĩnh vực Hải quan).
Trong Quá trình làm dịch vụ thông quan, chúng tôi chứng kiến nhiều tình huống khách hàng có những lỗi không đáng có liên quan đến nội dung nhãn hàng hóa nhập khẩu, trong khi chỉ cần một chút để ý nhỏ có thể tránh được việc này, vì vậy, chúng tôi làm nội dung này để khách hàng hiểu thêm về kiến thức liên quan quy định hiện hành về nhãn hàng hóa nhập khẩu
Một số khái niệm cần lưu ý liên quan nhãn mác hàng hóa nhập khẩu
(Quy định tại Điều 3 “Giải thích từ ngữ” nghị định số 43/2017/NĐ-CP)
Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;
Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát;
Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa
Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu
Bao bì thương phẩm của hàng hóa là bao bì chứa đựng hàng hóa và lưu thông cùng với hàng hóa; bao bì thương phẩm của hàng hóa gồm hai loại: Bao bì trực tiếp và bao bì ngoài
a) Bao bì trực tiếp là bao bì chứa đựng hàng hóa, tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa, tạo ra hình khối hoặc bọc kín theo hình khối của hàng hóa;
b) Bao bì ngoài là bao bì dùng để bao gói một hoặc một số đơn vị hàng hóa có bao bì trực tiếp;
Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa của người nhập khẩu
- Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa (Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP)
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này.” (Điểm 4, Điều 9, Nghị định 111/2021/NĐ-CP)
- Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. (Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP)
Nội dung bắt buộc trên nhãn gốc hàng hóa nhập khẩu
(Tại khoản 2, Điều 10; điều 15 Nghị định 111/2021/NĐ-CP)
Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:
a) Tên hàng hóa
b) Xuất xứ hàng hóa
Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.”
c) Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
c1) Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa;
c2) Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.
Lưu ý:
Đối với hàng hóa nhập khẩu là linh kiện mà không thể hiện được nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa: Trường hợp hàng hóa nhập khẩu là linh kiện, không thể hiện được các nội dung bắt buộc trên hàng hóa thì trên bao bì thương phẩm của hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn và nhãn phải thể hiện các nội dung bắt buộc theo quy định tại mục 2 khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021. (Công văn số 408/TCHQ-GSQL ngày 10/12/2022 của Tổng cục Hải quan v/v ghi nhãn hàng hóa)
Xử phạt vi phạm hành chính về nhãn mác hàng hóa nhập khẩu
Điều 22. Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu (Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ Quy định Xử phạt Vi phạm Hành chính trong Lĩnh vực Hải quan
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu hàng hóa có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa mà cá nhân, tổ chức nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được.
2. Nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi sai các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam) thì bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.
3. Nhập khẩu hàng hóa theo quy định phải có nhãn gốc mà không có nhãn gốc hàng hóa thì bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá đến dưới 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên.
4. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với tang vật vi phạm hành chính quy định tại Điều này trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt;
b) Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.
Nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam
(Khoản 1, Điều 10, Nghị định 111/2021/NĐ-CP; Điều 12, Nghị định 111/2021/NĐ-CP)
Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
Hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.
Hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành. Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.”; (Khoản 3, Điều 12, Nghị định 111/2021/NĐ-CP)
c) Xuất xứ hàng hóa.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
- Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
- Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
- Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.”;
(Điều 15, Nghị định 111/2021/NĐ-CP)
d) Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.
Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.
Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.
Mời bạn xem thêm bài viết
- Quy định về rượu nhập khẩu
- Công văn xác nhận không nợ thuế xuất nhập khẩu
- Thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu
Thông tin liên hệ
Vấn đề “Nhãn mác hàng hóa nhập khẩu” đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Luật sư X luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên viên tư vấn pháp lý, quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý liên quan như là dịch vụ cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, vui lòng liên hệ đến hotline 0833.102.102. Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng, làm các dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.
- FaceBook: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Trên thực tế và tùy theo từng loại hàng hóa cụ thể mà vị trí gắn nhãn hàng hóa cũng được Nhà nước quy định khác nhau nhưng cơ bản vẫn phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện cụ thể sau đây:
– Vị trí của nhãn hàng hóa phải được thể hiện trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa đó ở vị trí giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng quan sát được đầy đủ các nội dung quy định của nhãn hàng hóa đó mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
– Đối với trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài của sản phẩm hàng hóa phải có nhãn và nhãn hàng hóa phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc theo đúng quy định pháp luật.
Kích thước của nhãn hàng hóa do tổ chức, cá nhân ghi nhãn hàng hóa tự xác định dựa trên các nguyên tắc sau đây:
– Nhãn hàng hóa phải có đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật.
– Kích thước chữ và số trên nhãn hàng hóa phải đảm bảo đủ để đọc bằng mắt thường và các quy định cụ thể như sau:
+ Kích thước chữ và số trên nhãn hàng hóa phải tuân theo quy định về đo lường đối với kích thước của chữ và số thể hiện đại lượng đo lường.
+ Đối với trường hợp hàng hóa là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn thì chiều cao chữ của các nội dung bắt buộc trên nhãn không được thấp hơn 1,2 mm. Đối với trường hợp một mặt của bao gói dùng để ghi nhãn (không tính phần biên giáp mí) nhỏ hơn 80 cm2 thì chiều cao chữ không được thấp hơn 0,9 mm.
Ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa không phải dịch tất cả nội dung bằng tiếng Việt ra ngôn ngữ khác. Nếu dịch ra ngôn ngữ khác thì nội dung ngôn ngữ khác phải bảo đảm cho người đọc hiểu tương ứng với nội dung tiếng Việt.
Những nội dung không phải nội dung bắt buộc mà thể hiện bằng ngôn ngữ khác không được làm hiểu sai lệch bản chất, công dụng của hàng hóa và không được làm hiểu sai nội dung khác của nhãn hàng hóa.
Tên quốc tế của nước hoặc vùng lãnh thổ không thể phiên âm được ra tiếng Việt hoặc phiên âm được ra tiếng Việt nhưng không có nghĩa thì được phép sử dụng tên quốc tế đó.
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.