Xin chào Luật sư X. Tôi và vợ đã kết hôn được 5 năm, vợ tôi được bố mẹ tặng cho riêng một mảnh đất và vợ chồng chúng tôi có dự định xây nhà trên mảnh đất đó, đất đứng tên bố mẹ vợ tôi. Tôi có băn khoăn rằng có nên xây nhà trên đất bố mẹ vợ hay không? Giả sử, trong trường hợp xấu nhất, vợ chồng tôi ly hôn thì nhà, đất đó là tài sản riêng hay chung? Tôi có được quyền lợi gì về nhà, đất, khi chia tài sản hay không? Mong được Luật sư giải đáp, tôi xin chân thành cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật sư X. Tại bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn. Hi vọng bài viết mang lại nhiều điều bổ ích đến bạn đọc.
Căn cứ pháp lý
Bố mẹ vợ cho đất trong thời kì hôn nhân có phải là tài sản chung?
Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng, cụ thể như sau:
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Cũng theo Luật này, tài sản riêng của vợ, chồng gồm:
– Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn;
– Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
– Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này;
– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Theo như trình bày của bạn, quyền sử dụng đất được bố mẹ vợ cho riêng vợ bạn, theo đó, đây là tài sản riêng của vợ bạn.
Năm 2022, có nên xây nhà trên đất bố mẹ vợ hay không?
Đây là câu hỏi khá nhạy cảm, thực tế có tồn tại vụ việc mà Luật sư X nhận được câu hỏi xoay quanh vấn đề này như sau:
“Tôi và vợ quen nhau khi cùng dự bữa tiệc sinh nhật của một người bạn tại Hà Nội. Tôi sinh ra và lớn lên ở Nam Đinh, sau khi tốt nghiệp đại học tôi ở lại Hà Nội lập nghiệp với tấm bằng kỹ sư xây dựng. Còn vợ tôi là người Hà Nội, cô ấy vừa mới ra trường chưa xin được việc nên chỉ ở nhà buôn bán online qua mạng.
Yêu nhau được nửa năm thì tôi dẫn cô ấy về ra mắt gia đình. Tuy nhiên, kể từ sau buổi ra mắt ấy, chuyện tình cảm của chúng tôi gặp rất nhiều sóng gió, do bố mẹ tôi chỉ muốn con trai lấy vợ gần nhà, không đồng ý để tôi lấy vợ Hà Nội.
Tôi đã định chia tay vì sự cấm cản của gia đình. Tuy nhiên, lý trí vẫn không thể thắng nổi sức mạnh tình yêu nên đám cưới của hai chúng tôi cuối cùng cũng diễn ra.
Ngày cưới, tôi biết, bố mẹ hai bên đều bằng mặt nhưng không bằng lòng. Tuy nhiên, về hình thức, đám cưới của chúng tôi cũng đã diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp. Riêng phần trao của hồi môn, bố mẹ vợ tôi tuyên bố trong đám cưới cho chúng tôi một mảnh đất 45m2 ở khu vực Xuân Phương, Hà Nội. Tuy nhiên, trong sổ đó, bố mẹ vợ tôi vẫn đứng tên.
Sau khi cưới, vợ chồng tôi thuê một căn nhà trọ nho nhỏ để ở tạm. Song ở được một thời gian thì chúng tôi cảm thấy rất bí bách, chật chội nên quyết định hùn tiền xây nhà.
Lúc đó, tôi nhẩm tính trong tay đã có khoảng 400 triệu đồng tiền tiết kiệm mà mấy năm qua tôi vất vả làm việc cực nhọc mới có được. Hơn nữa, bố mẹ tôi cũng mới bán mảnh đất mặt đường ở quê. Ông bà hứa cho vợ chồng tôi 500 triệu đồng để xây nhà. Tôi nhẩm tính với số tiền trên tôi có thể xây một ngôi nhà 3 tầng 1 tum là vợ chồng con cái có thể sống thoải mái. Vậy nhưng, kế hoạch xây nhà của vợ chồng tôi có nguy cơ đổ bể khi bố mẹ vợ khất lần khất lữa, không chịu sang tên mảnh đất kia cho chúng tôi.
Họ nói mảnh đất kia họ đã cho chúng tôi rồi thì trước sau gì cũng là của vợ chồng tôi. Bố mẹ vợ còn bảo, nếu bây giờ có sang tên, ông bà chỉ muốn sang tên cho con gái.
Nghe họ nói tôi cảm thấy rất bất bình. Tôi cho rằng, bố mẹ vợ tuyên bố cho đất nhưng không sang tên cho cả hai vợ chồng tôi thì tức là việc cho quà của ông bà chỉ là hình thức giả dối mà thôi.
Cũng vì việc trên mà mấy hôm nay vợ chồng tôi cứ tranh cãi, giận dỗi nhau. Rồi bố mẹ tôi nữa, họ nghe tin gia đình thông gia không chịu sang tên mảnh đất kia cho vợ chồng tôi thì rất tức giận. Bố mẹ tôi tuyên bố, nếu gia đình thông gia không sang tên mảnh đất kia thì họ cũng sẽ không cho chúng tôi số tiền 500 triệu để xây nhà nữa.
Mang chuyện này kể với một người bạn thân, bạn tôi khuyên tôi chả dại gì mà dốc hết tiền xây nhà trên mảnh đất mà bố mẹ vợ đang đứng tên cả. Bởi vợ chồng sống với nhau hạnh phúc dài lâu thì không sao, nhỡ may vợ chồng không ở được với nhau nữa thì tôi sẽ trắng tay.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, vốn liếng bao năm qua dành dụm để lấy vợ, làm nhà mà giờ đây tôi lại mang tâm trạng lo sợ một ngày nào đó sẽ bị “đá” đi không một xu dính túi. Mặc dù vợ tôi cũng an ủi cái sổ kia chỉ là thủ tục giấy tờ, sẽ chẳng bao giờ có chuyện ly hôn. Vợ chồng sống với nhau phải có niềm tin thì mới lâu bền được.
Thế nhưng tôi nghĩ, việc hôn nhân đúng là ai biết đâu là ngày mai, nếu khi có người thay lòng đổi dạ thì mọi việc đều phải dựa trên pháp luật để phân xử.
Hiện giờ tôi đang rất rối trí. Mong mọi người hãy cho tôi một lời khuyên, tôi có nên xây nhà trên đất của bố mẹ vợ cho khi chưa được sang tên hay không?”
Đây là câu hỏi khá nhạy cảm , bởi trong quá trình sinh sống sẽ phát sinh nhiều giao dịch liên quan đến tài sản chung/riêng của hai vợ chồng hoặc việc sáp nhập tài sản riêng vào tài sản chung…. Theo đó, Luật sư X khuyên bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Nhà xây trên đất bố vợ cho có được chia khi ly hôn?
Mặc dù, trong trường hợp đất là tài sản riêng của vợ bạn do được tặng cho riêng, nhưng đối với nhà xây dựng trên đất thì không phải tài sản riêng của vợ bạn, trừ khi xây bằng tiền riêng của vợ bạn. Chúng tôi chia thành 02 trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Nếu chi phí xây nhà phát sinh từ tài sản chung của vợ chồng bạn trong thời kỳ hôn nhân thì vẫn được coi là tài sản chung của vợ chồng. Vì thế, về cơ bản ngôi nhà được chia đôi.
Trường hợp 2: Nếu chi phí xây nhà xuất phát từ tài sản riêng của bạn (tiền có trước khi kết hôn; được tặng cho, thừa kế riêng… thì phần nhà xây dựng trên đất là tài sản riêng của bạn (người chồng).
Tuy nhiên, trong trường hợp nếu bạn không thể chứng minh tiền xây nhà là tài sản riêng của mình thì tài sản đó được coi là tài sản chung (thông thường rất khó chứng minh tiền có được trước hôn nhân).
Căn cứ Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, khi ly hôn, vợ chồng được phép thỏa thuận phân chia tài sản chung. Nếu hai bên không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp này, nếu ngôi nhà được xác định là tài sản chung vợ chồng, ngôi nhà cơ bản được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng.
– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.
– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Trong trường hợp của bạn, nếu người vợ nhận ngôi nhà thì phải thanh toán cho bạn khoản tiền có giá trị một nửa ngôi nhà.
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn về “Năm 2022, có nên xây nhà trên đất bố mẹ vợ hay không?”. Nếu quý khách có nhu cầu soạn thảo hợp đồng đặt cọc đất đai hay cần sự tư vấn đặt cọc đất theo quy định hiện hành ngày nay….của chúng tôi; mời quý khách hàng liên hệ đến hotline để được tiếp nhận.
Liên hệ hotline: 0833102102. Hoặc bạn có thể tham khảo thêm các kênh sau:
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Mời bạn xem thêm
- Chưa trả hết nợ chung thì có được ly hôn hay không?
- Không giao con sau ly hôn có thể bị đề nghị xử hình sự không?
- Có ly hôn online được không?
Câu hỏi thường gặp
Tặng cho đất đai là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên tặng cho chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cùng diện tích thửa đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù.
Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được quyền tặng cho quyền sử dụng đất (cho đất) khi có đủ các điều kiện sau:
Điều kiện 1 – Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp 02 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Người nhận thừa kế mà tài sản là quyền sử dụng đất nhưng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất thì không được cấp giấy chứng nhận nhưng được quyền tặng cho.
Trường hợp 2: Theo khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013 được quyền tặng cho đất đai khi:
+ Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được quyền tặng cho đất sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất;
+ Trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền tặng cho khi có điều kiện để cấp giấy chứng nhận (chưa cần có giấy chứng nhận).
Điều kiện 2 – Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
Điều kiện 3 – Đất không có tranh chấp;
Điều kiện 4 – Trong thời hạn sử dụng đất.
Tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 cũng quy định:
Hợp đồng chuyển nhượng; tặng cho; thế chấp; góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực; trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo quy định trên thì hợp đồng tặng cho nhà đất phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.