Hiệp định CPTPP đặt ra những chuẩn mực bảo hộ mới, những cam kết cao hơn về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nhằm đáp ứng những yêu cầu của Hiệp định CPTPP, việc cấp thiết Việt Nam phải làm là nhanh chóng hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ. Dưới đây, Luật sư X xin cung cấp một số nội dung đáng chú ý về Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi.
Căn cứ pháp lý
Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2019
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi
Theo Hiệp định CPTPP, bên cạnh các nghĩa vụ phải thực hiện ngay khi Hiệp định này có hiệu lực, với nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp là 03 hoặc 05 năm, Việt Nam sẽ bắt đầu thi hành từ ngày 14/01/2022. Còn nghĩa vụ về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm sẽ thực hiện từ 14/01/2024. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA cũng được ký kết, có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Việc phê chuẩn hai Hiệp định nêu trên đặt ra yêu cầu bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của pháp luật quốc gia với quy định của các Hiệp định, đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến 3 nhóm: quyền tác giả, quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng.
Mời các bạn xem thêm: Luật Sở hữu trí tuệ
Những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi
Về quyền tài sản (Điều 20)
Mặc dù Điều 20 Dự thảo Luật có tên gọi là “Quyền về tài sản”, tuy nhiên, điểm a, b khoản 2 Điều này lại bao hàm cả “các trường hợp giới hạn quyền tác giả, ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả” là chưa phù hợp với tên gọi của điều luật.
Bên cạnh đó, các điều 25, 25a, 26 Dự thảo Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi cũng đã quy định: “các trường hợp giới hạn quyền tác giả, ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả”. Để bảo đảm tính hợp lý, tránh chồng chéo giữa các quy định của Dự thảo Luật, các nhà làm luật cần chuyển quy định của điểm a, b khoản 2 Điều 20 “Các trường hợp giới hạn quyền tác giả, ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả” sang các điều 25, 25a, 26 tương ứng.
Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 86a)
Theo sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, việc tạo lập cơ chế để thực hiện quyền đăng ký quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Việc bổ sung cơ chế này có tác động khuyến khích và phát huy được các giá trị, đồng thời tạo cơ sở tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. Do đó, việc lên phương án bổ sung quy định Điều 86a của Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi là phù hợp và cần thiết.
Về giám định về sở hữu trí tuệ (Điều 201)
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các khoản 1, 2, 4, 5 Điều 201. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này nhằm bảo đảm tính thống nhất với Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Tuy nhiên, việc khoản 2 Điều 201 Dự thảo Luật đã bỏ điểm a khoản 1 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành là chưa phù hợp, không bảo đảm tính thống nhất với Luật Giám định tư pháp.
Để khắc phục thiếu sót này, Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi cần được bổ sung vào khoản 2 Điều 201 quy định điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định đối với tổ chức được quyền thực hiện giám định sở hữu trí tuệ. Đây cũng chính là điều kiện bảo đảm tính khả thi trên thực tế của các tổ chức được phép thực hiện hoạt động giám định trong lĩnh vực này.
Về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Điều 211)
Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đưa ra 02 phương án sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 211 như sau:
Phương án 1: Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 211, cụ thể: “Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội”;
Phương án 2: Giữ nguyên điểm a khoản 1 Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
Có thể thấy, quy định như phương án 1 là hợp lý vì những lý do sau đây:
Một, việc phân luồng xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết, bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của luật;
Hai, nếu chỉ quy định là “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” thì không rõ là xâm phạm đối tượng nào của quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả; quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng; hay xâm phạm cả ba quyền trên).
Ba, việc liệt kê cụ thể các quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm bảo đảm việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính cụ thể, khả thi của điều luật, Dự thảo cần bổ sung quy định rõ nhóm hành vi nào xâm phạm quyền quyền sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền xử lý của Tòa án và nhóm hành vi nào xâm phạm quyền quyền sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính. Việc phân định rõ ràng phạm vi, thẩm quyền trong việc giải quyết những trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa rất lớn trong việc tránh sự chồng chéo trong quá trình xử lý giữa các cơ quan có thẩm quyền và bảo vệ kịp thời, hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ.
Có thể thấy rằng, việc giao cho Tòa án giải quyết một số trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết, phù hợp với xu thế xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu tăng cường tính minh bạch, khách quan và hiệu quả; nâng cao vai trò bảo vệ công lý của Tòa án, góp phần giảm tải công việc cho cơ quan quản lý nhà nước.
Về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hình sự (Điều 212)
Điều 212 Luật quyền Sở hữu trí tuệ quy định: cá nhân nào thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, có yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, bên cạnh việc đặt ra trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, pháp nhân thương mại cũng phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (khoản 4 Điều 225); xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (khoản 4 Điều 226) hoặc sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng (khoản 6 Điều 195).
Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cần phải sửa đổi Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng bổ sung thêm chủ thể là “pháp nhân thương mại”. Vì vậy, Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ được viết lại như sau: “Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự”.
Hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Quyền nhân thân bao gồm:
Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;
Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
Người biểu diễn và chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn có thể thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung cuộc biểu diễn.
Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền theo thoả thuận cho người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng.