Sinh sản vốn là một tính năng tự nhiên của xã hội loài người nói riêng và của tất cả giống loài trên thế giới nói chung. Trong xã hội loài người, em bé xuất hiện không chỉ với vai trò duy trì nòi giống. Bản thân những sinh linh bé nhỏ ấy còn là kết tinh tình yêu của ba mẹ chúng. Nhưng vì lý do đặc biệt, một số cặp vợ chồng đôi khi không thể tự mình sinh con. Với trình độ khoa học ngày càng hiện đại, giải pháp mang thai hộ ra đời như một phép màu đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn. Từ đó, một số người tìm đến dịch vụ mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Liệu dịch vụ này có trái với pháp luật hiện hành? Phòng tư vấn pháp lý Luật hôn nhân và gia đình của Luật sư X xin giải đáp thắc mắc trên qua các thông tin dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 ;
Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BYT.
Nội dung tư vấn
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là gì?
Trước tiên, cần tìm hiểu về khái niệm mang thai hộ cũng như tên gọi của một số phương pháp mang thai hộ phổ biến được áp dụng hiện nay.
Mang thai hộ là việc một người phụ nữ bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mang thai và sinh con thay cho người khác. Người nhận con là cha mẹ của đứa trẻ, chứ không phải người mang thai hộ.
Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được hiểu là các kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.
Phân loại mang thai hộ
Theo Luật hôn nhân và gia đình 2014, khái niệm mang thai hộ được chia thành 2 khái niệm nhỏ hơn:
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
Tại sao pháp luật lại phải chia khái niệm “mang thai hộ” thành hai khái niệm có nội hàm nhỏ hơn như trên? Và trong hai trường hợp mang thai hộ nói trên, trường hợp nào là đúng luật? Câu hỏi này sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại có trái luật không?
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay mang thai hộ vì mục đích thương mại đều có điểm chung là sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Hai hành vi này khác nhau ở mục đích thực hiện nên pháp luật cũng có quy định khác nhau. Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành chỉ công nhận việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định rõ điều cấm trong chế độ hôn nhân và gia đình:
“Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính”.
Như vậy, mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi vi phạm pháp luật.
Chế tài xử phạt đối với hành vi mang thai hộ trái pháp luật
Tại Điều 60 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 quy định như sau:
Điều 60. Hành vi vi phạm quy định về sinh con
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Tóm lại
Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn cuộc sống, pháp luật đã cho phép việc nhờ người mang thai hộ để tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng có vấn đề đặc biệt vẫn có thể có con chung.
Tuy nhiên, việc mang thai hộ phải vì mục đích nhân đạo. Cả hai bên tham gia phải đáp ứng được những yêu cầu được quy định trong các văn bản pháp lý đang có hiệu lực pháp luật.
Nếu cố tình thực hiện hành vi mang thai hộ trái luật thì các bên tham gia sẽ phải chịu các chế tài pháp lý. Tùy từng trường hợp mức xử phạt hành chính là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo luật hiện hành.
Video Luật sư X giải đáp thắc mắc về vấn đề xử phạt khi mang thai hộ vì mục đích thương mại
Hy vọng các thông tin tư vấn pháp lý được cung cấp trên đây của Luật sư X có ích với bạn đọc!
Thông tin liên hệ
Luật sư X là đơn vị Luật uy tín, được nhiều cá nhân và tổ chức đặt trọn niềm tin. Được hỗ trợ và đồng hành để giải quyết những khó khăn về mặt pháp lý của quý khách là mong muốn của Luật sư X.
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Câu hỏi thường gặp
“Đẻ thuê” là từ được dùng để chỉ việc thuê một người phụ nữ để mang thai và sinh con thay cho người khác sau đó trao lại đứa trẻ cho bên thuê để nhận về một khoản tiền hoặc một khoản lợi ích vật chất nhất định.
Đẻ thuê được thực hiện với 02 hình thức phổ biến. Một là, dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để người “đẻ thuê” mang thai hộ. Hai là, người chồng của bên thuê sẽ “quan hệ trực tiếp” với bên được thuê để có thai.
Khác với đẻ thuê, mang thai hộ vì mục đích thương mại đều áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong quá trình thụ thai.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, bệnh viện nhận được hồ sơ phải có kế hoạch để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thực hiện được, bệnh viện phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Đứa trẻ sinh ra được xác định là con của người nhờ mang thai hộ nên trách nhiệm đăng ký khai sinh thuộc về người chồng hoặc người vợ nhờ mang thai hộ (Căn cứ vào Điều 15 Luật Hộ tịch 2014)