Luật doanh nghiệp năm 2020 số 59/2020/QH14 ra đời thay thế Luật Doanh nghiệp 2014 huỷ bỏ một số quy định cũ và thay vào những quy định mới phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hiện nay. Luật doanh nghiệp năm 2020 số 59/2020/QH14 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 và sẽ được áp dụng trong quá trình nhà nước quản lý hoạt động kinh doanh. Bạn đọc có thể tham khảo và tải xuống Luật doanh nghiệp năm 2020 số 59/2020/QH14 ở bài viết dưới đây của Luật sư X, nó sẽ giúp ích cho quá trình nghiên cứu pháp luật của bạn.
Tình trạng pháp lý
Số hiệu: | 59/2020/QH14 | Loại văn bản: | Luật | |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Thị Kim Ngân | |
Ngày ban hành: | 17/06/2020 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2021 | |
Ngày công báo: | 24/07/2020 | Số công báo: | Từ số 713 đến số 714 | |
Tình trạng: | Còn hiệu lực |
Nội dung nổi bật
Luật doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021
Luật Doanh nghiệp 2020 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 17/6/2020, trong đó có một số điểm mới nổi bật như:
Thay đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước, cụ thể bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật doanh nghiệp 2020.
Hiện tại, tại Luật doanh nghiệp 2014: là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng.
Theo Luật doanh nghiệp 2014, trước khi sử dụng, doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bổ sung thêm đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp như: Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thêm Đối Tượng Bị Cấm Thành Lập Doanh Nghiệp
07 nhóm đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp
- Các tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam sau đây:
- Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
- Luật Doanh nghiệp 2020 còn bổ sung thêm 01 đối tượng khác không được thành lập và quản lý doanh nghiệp: Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, từ ngày 01/01/2021 sẽ có 07 nhóm đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp.
Tên Địa Điểm Kinh Doanh Phải Bao Gồm Tên Doanh Nghiệp
Từ năm 2021, ngoài quy định về chữ viết nêu trên thì tại khoản 2 Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm yêu cầu, tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh” (hiện nay chỉ áp dụng với chi nhánh, văn phòng đại diện).
Không Phải Thông Báo Mẫu Dấu Trước Khi Dùng
Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh. Cụ thể Luật này quy định dấu bao gồm dấu được làm tại các cơ sở khắc dấu hoặc dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số. Doanh nghiệp được quyết định loại dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
Thay Đổi Tỷ Lệ Vốn Trong Doanh Nghiệp Nhà Nước
Doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thay vì 100% vốn điều lệ như hiện nay. Cụ thể, Điều 88 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau:
Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Trong đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Còn doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoặc trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Bỏ Quy Định Về Thời Hạn Sở Hữu Cổ Phần Phổ Thông
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng tại khoản 2 Điều 114 Luật hiện hành để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% (thay vì 10%) tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:
- Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
- Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp;
- Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết;
- Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
Tải xuống Luật doanh nghiệp năm 2020 số 59/2020/QH14 bản mới
Thông tin liên hệ
Luật sư X đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề “Luật doanh nghiệp năm 2020 số 59/2020/QH14 bản mới”. Ngoài ra, chúng tôi có hỗ trợ dịch vụ pháp lý khác liên quan đến tư vấn pháp lý về hồ sơ xét miễn nhiệm công chức lãnh đạo, hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833102102 để được đội ngũ Luật sư, luật gia giàu kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ, đưa ra giải đáp cho quý khách hàng.
Mời bạn xem thêm:
- Thành lập công ty theo quy định Luật Doanh nghiệp
- Các bước giải thể doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020.
- Quy định của pháp luật về vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân?
Câu hỏi thường gặp
Căn cứ quy định tại Điều 7 Luật doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều 7. Quyền của doanh nghiệp
1. Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
2. Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.
3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.
4. Tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng.
5. Kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
6. Tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
7. Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh; được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
8. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.
9. Từ chối yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân về cung cấp nguồn lực không theo quy định của pháp luật.
10. Khiếu nại, tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.
11. Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại Điều 8 Luật doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều 8. Nghĩa vụ của doanh nghiệp
1. Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
2. Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.
3. Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
4. Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
5. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại Điều 9 Luật doanh nghiệp năm 2020 như sau:
Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích
1. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định tại Điều 7, Điều 8 và quy định khác có liên quan của Luật này.
2. Được hạch toán và bù đắp chi phí theo giá do pháp luật về đấu thầu quy định hoặc thu phí sử dụng dịch vụ theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Được bảo đảm thời hạn cung ứng sản phẩm, dịch vụ thích hợp để thu hồi vốn đầu tư và có lãi hợp lý.
4. Cung ứng sản phẩm, dịch vụ đủ số lượng, đúng chất lượng và thời hạn đã cam kết theo giá hoặc phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
5. Bảo đảm các điều kiện công bằng và thuận lợi cho khách hàng.
6. Chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về số lượng, chất lượng, điều kiện cung ứng và giá, phí sản phẩm, dịch vụ cung ứng.