Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, số ca mắc ngày càng gia tăng, gây áp lực không nhỏ cho nền ý tế nói chung và xã hội nói riêng. Bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ đang gồng mình chống dịch, thì có bộ phận không nhỏ tỏ ra kỳ thị với những người mắc bệnh hoặc nghi ngờ, người nhiễm bệnh ở nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Vậy hành vi kỳ thị người mắc covid 19 có vi phạm pháp luật không? Nếu có bị xử lý như thế nào? Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu, do đó, trong nội dung bài viết này, Luật sư X sẽ giới thiệu đến bạn đọc quy định của pháp luật về vấn đề này.
Cơ sở pháp lý
Nội dung tư vấn
Tình trạng kỳ thị người mắc covid 19
Trên mạng xã hội, các hội nhóm có rất nhiều thông tin kỳ thị, bới móc đời tư, thóa mạ, nhiều thông tin thất thiệt chưa được kiểm chứng,… về người mắc covid 19 được đăng tải, copy và share với tốc độ chóng mặt làm nhiễu loạn dư luận. Đặc biệt, những tin tức giật gân câu views theo kiểu xâm phạm đời tư của những người nhiễm bệnh bị đào bới, thọc mạch và tung hê một cách thiếu ý thức và vi phạm nghiêm trọng.
Hậu quả của hành động kỳ thị, xúc phạm này là người nhiễm covid 19 bị ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, khiến cơ thể bị suy nhược, gây khó khăn trong quá trình điều trị. Hơn nữa, do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người mắc covid có thể giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống dịch, ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Do đó, tại phiên họp Thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu cấm kỳ thị đối với người nhiễm Covid-19, đồng thời lên án, xử lý nghiêm những người đưa thông tin sai sự thật, không trung thực trong khai báo. Thủ tướng cũng kêu gọi phát huy truyền thống quý báu của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn.
Kỳ thị người mắc covid 19 có vi phạm pháp luật không?
Hành vi kỳ thị phổ biến nhất thời gian qua là việc tung tin thất thiệt đối với những người mắc Covid-19 khiến cộng đồng có cái nhìn lệch lạc về họ, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ. Pháp luật nghiêm cấm hành vi này. Tùy vào hành vi, mục đích hành vi cụ thể có thể xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1, Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
Như vậy, người có hành vi kỳ thị bằng các cử chỉ, lời nói, hành động thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm nhân phẩm của người mắc covid 19 bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Bác sĩ kỳ thị người mắc covid 19 bị xử phạt bao nhiêu?
Khi người nhiễm bệnh bị mọi người xung quanh kỳ thị sẽ khiến tinh thần của họ bị căng thẳng, dễ dẫn đến strees. Tinh thần không thoải mái cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thể lực của người bệnh, cơ thể sẽ bị suy nhược khiến cho việc điều trị gặp khó khăn. Đặc biệt nếu hành vi này đến từ các y bác sĩ, người trực tiếp điều trị bệnh cho họ thì hậu quả càng nghiêm trọng hơn.
Do đó, tại điểm c khoản 3 Điều 48 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 48. Vi phạm quy định về nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
3, Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…c) Kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh.
Như vậy, theo quy định trên các y bác sĩ, người làm việc trong cơ sở y tế, hành nghề khám chữa bệnh có hành vi kỳ thị phân biệt đối xử với bệnh nhân mắc covid 19 bị phạt hành tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, người có hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử còn bị buộc xin lỗi trực tiếp, công khai tới người bệnh bị phân biệt đối xử, kỳ thị.
Kỳ thị người mắc covid 19 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi kỳ thị xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người mắc covid 19, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1, Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Như vậy, người có hành vi kỳ thị, thể hiện qua thái độ, ngôn ngữ, hành động xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người mắc covid 19 bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Hơn nữa, tùy thuộc mức độ hậu quả của hành vi, người có hành vi kỳ thị người mắc covid 19 có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người đang thi hành công vụ;
+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Đặc biệt, người có hành vi kỳ thị người mắc covid 19 có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên76;
+ Làm nạn nhân tự sát.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hy vọng những thông tin Luật sư X cung cấp hữu ích với bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Mời bạn xem thêm: Sản xuất vaccine covid 19 giả bị phạt bao nhiêu tiền?
Câu hỏi thường gặp
Căn cứ khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi cố tình khai báo y tế sai sự thật về dịch covid 19.
Ngoài ra, tùy theo hậu quả, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi khai báo y tế sai sự thật, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh của bản thân hoặc của người khác.
Hơn nữa, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi không khai báo y tế, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp người mắc bệnh covid 19 mà biết rõ hiện trạng của bản thân nhưng cố tình che giấu thông tin, hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm. Trường hợp làm chết người thì bị phạt tù lên đến 10 năm.