Chào Luật sư, Ngày 01/7/2022 tới đây, Nghị định số 123/2020/NĐCP quy định về hóa đơn, chứng từ bắt đầu có hiệu lực, kéo theo đó là một loạt các văn bản pháp luật liên quan về thuế, hóa đơn hết hiệu lực thi hành. Trong quá trình tìm hiểu, tôi có thắc mắc về vấn đề thông báo phát hành hóa đơn, cụ thể là niêm yết thông báo phát hành hóa đơn có bắt buộc không? Không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định bị xử lý như thế nào? Mong Luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư.
Luật sư X xin cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến chúng tôi. Sau đây, chúng tôi xin đưa ra một số giải đáp về vấn đề trên.
Căn cứ pháp lý
- Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.
- Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
- Thông tư số 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Hóa đơn là gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, hóa đơn là “chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ”. Hóa đơn được thể hiện dưới hai hình thức là hóa đơn điện tử và hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.
- Hóa đơn điện tử là hóa đơn có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được thể hiện ở dạng điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập bằng phương tiện điện tử để ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
- Hóa đơn do cơ quan thuế đặt in là hóa đơn được thể hiện dưới dạng giấy do cơ quan thuế đặt in để bán cho tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng và trường hợp được mua hóa đơn của cơ quan thuế để sử dụng khi bán hàng.
Quy định của pháp luật về niêm yết thông báo phát hành hóa đơn
Khoản 3 Điều 4 Nghị định Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ quy định: “Trước khi sử dụng hóa đơn, biên lai doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh, tổ chức thu thuế, phí, lệ phí phải thực hiện đăng ký sử dụng với cơ quan thuế hoặc thực hiện thông báo phát hành theo quy định tại Điều 15, Điều 34 và khoản 1 Điều 36 Nghị định này. Đối với hóa đơn, biên lại do cơ quan thuế đặt in, cơ quan thuế thực hiện thông báo phát hành theo Khoản 3 Điều 24 và Khoản 2 Điều 36 Nghị định này“.
Khoản 3 Điều 24 Nghị định Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ quy định:
“Hóa đơn do Cục Thuế đặt in để bán được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và trước khi bán lần đầu Cục Thuế phải lập thông báo phát hành hóa đơn theo Mẫu số 02/PH-HĐG Phụ lục IB Nghị định này đính kèm hóa đơn Mẫu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có Cục Thuế mới có nghĩa vụ niêm yết thông báo phát hành hóa đơn. Thông báo phát hành hóa đơn gồm cả hóa đơn mẫu phải được niêm yết rõ ràng ngay tại các cơ sở trực thuộc Cục thuế trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn.
Nội dung Thông báo phát hành hóa đơn gồm:
- Tên Cục Thuế phát hành hóa đơn;
- Mã số thuế;
- Điện thoại;
- Các loại hóa đơn phát hành (tên loại hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ngày bắt đầu sử dụng, số lượng hóa đơn thông báo phát hành (từ số…đến số…);
- Tên và mã số thuế của doanh nghiệp in hóa đơn (đối với hóa đơn đặt in);
- Ngày lập Thông báo phát hành, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật và dấu của đơn vị.
Không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định bị xử lý như thế nào ?
Điểm b Khoản 2 Điều 23 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về phát hành hóa đơn:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
[…] b) Không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định”.
Khoản 4 Điều 23 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định:
” Biện phán khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định đối với hành vi quy định tại điểm a,b Khoản 2 và khoản 3 Điều này”.
Như vậy, khi tổ chức có hành vi không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định, họ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, đồng thời, buộc phải thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn. Trường hợp phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm, thẩm quyền xử phạt cá nhân bằng 1/2 thẩm quyền xử phạt tổ chức.
Thẩm quyền xử phạt hành vi không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn đúng quy định
Căn cứ theo Điều 32 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định người có thẩm quyền xử phạt bao gồm:
- Chi cục trưởng Chi cục Thuế trong phạm vi địa bàn quản lý của mình;
- Cục trưởng cục Thuế trong phạm vi đại bàn quản lý của mình;
- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;
- Chủ tịch Ủy ban nhân cấp huyện;
- Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh;
- Chánh thanh tra Sở Tài chính;
- Trưởng đoàn thanh tra Bộ Tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
- Chánh Thanh tra Bộ Tài chính.
Trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thì vụ xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.
Trường hợp vụ việc đang xử lý phải áp dụng các mức tiền phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, hình phạt bổ sung vượt quá thẩm quyền thì người có thẩm quyền xử phạt đang xử lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan, người có thẩm quyền để xử phạt.
Thời hiệu xử phạt hành vi không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn đúng quy định pháp luật
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, hành vi không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn là hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn đang được thực hiện. Do đó, thời hiệu xử phạt là 01 năm tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.
Thủ tục đăng ký hóa đơn điện tử
Bước 1: Lập tờ khai Đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo Mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này thông qua Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Bước 2: Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế gửi thông báo điện tử về việc tiếp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử hoặc qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Bước 3: Trong thời gian 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký sử dụng hóa đơn, cơ quan thuế gửi thông báo điện tử theo Mẫu số 01/TB-ĐKĐT Phụ lục IB về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đăng ký sử dụng hóa đơn.
- Trường hợp được chấp nhận, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngừng sử dụng hóa đơn điện tử đã thông báo phát hành trước đây và tiêu hủy hóa đơn giấy đã thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng .
- Trường hợp không được chấp nhận, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiến hành điều chỉnh, bổ sung nội dung theo yêu cầu và thực hiện tương tự các bước trên.
Mời bạn xem thêm bài viết
- Đơn đề nghị cấp hóa đơn điện tử năm 2022.
- Không hủy, không tiêu hủy hóa đơn theo quy định của pháp luật.
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ giả bị xử lý như thế nào?
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn của Luật Sư X về vấn đề “Không niêm yết thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định thì bị xử lý như thế nào?“. Chúng tôi hy vọng rằng mang lại thông tin hữu ích cho bạn. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn, giúp đỡ khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến quy định bảo hộ logo công ty; lấy giấy chứng nhận độc thân; thành lập công ty mới; Thủ tục cấp hộ chiếu tại Việt Nam….của Luật Sư X, hãy liên hệ: 0833.102.102.
Câu hỏi thường gặp
Truy cập vào website: http://tracuuhoadon.gdt.gov.vn/dkphtc.html, chọn “Tra cứu đăng ký phát hành“. Sau đó, nhập mã số thuế, thời gian đăng ký và mã xác thực. Sau cùng, nhấn chọn “Tra cứu“.
Theo quy định của pháp luật, không được sử dụng hóa đơn hóa đơn đã thông báo phát hành nhưng chưa đến thời hạn sử dụng. Nếu vẫn sử dụng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng.