Xin chào Luật sư. Tôi tên là Trung. Do hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên tôi lên đây mong được luật sư giải đáp thắc mắc. Cụ thể đó là Khởi tố vụ án hình sự là gì? Khi chưa khởi tố vụ án hình sự liệu có được khám xét người? Mong sớm nhận được phản hồi từ quý Luật sư.
Cảm ơn quý khách hàng đã tin tưởng đặt câu hỏi, dưới đây là phần giải đáp thắc mắc của Luật sư X :
Căn cứ pháp lý
Khởi tố vụ án hình sự là gì?
Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự đầu tiên mà trong đó cơ quan tư pháp hình sự có thẩm quyền căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự tiến hành việc xác định có (hay không) các dấu hiệu của tội phạm trong hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, đồng thời ban hành quyết định về việc khởi tố (hoặc không khởi tố) vụ án hình sự liên quan đến hành vi đó.
Quyết định khởi tố vụ án là cơ sở pháp lí để thực hiện việc điều tra. Các hoạt động điều tra và việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế chỉ được tiến hành sau khi có quyết định khởi tố vụ án. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết phải làm sáng tỏ những tài liệu đầu tiên, xác định hoàn cảnh, địa điểm xảy ra tội phạm, thu thập những vật chứng và những tình tiết có giá trị cho việc phát hiện tội phạm thì tiến hành khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm tử thi; trưng cầu giám định; yêu cầu định giá tài sản; trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang thì giữ người hoặc bắt người trước khi khởi tố vụ án.
Khi chưa khởi tố vụ án hình sự liệu có được khám xét người?
Về việc khám xét người
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:
Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Theo quy định này, không hạn chế thời gian khám xét người phải tiến hành sau khi khởi tố vụ án hình sự mà có thể được tiến hành bất kỳ thời điểm nào nếu có căn cứ nhận định trong người có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có.
Ví dụ: Cơ quan công an nhận được tin báo có người cất giữ ma túy trong người, nếu có căn cứ nhận định có sự việc đó thì cơ quan có thẩm quyền hoàn toàn được phép ra lệnh khám xét người mà không cần phải chờ đến khi khởi tố vụ án hình sự.
Lưu ý: Trường hợp khám xét người phải tuân thủ quy định về quy trình khám xét theo các Điều 192, 193, 194 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Về vấn đề khám xét chỗ ở vào ban đêm
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì: Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Như vậy, trong trường hợp khẩn cấp thì cơ quan có thẩm quyền được phép khám xét chỗ ở vào ban đêm và phải ghi rõ lý do vào biên bản khám xét.
Nhiệm vụ khởi tố vụ án hình sự
Khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền khởi tố phải xác định có sự việc xảy ra hay không, nếu có sự việc xảy ra phải xem sự việc đó có hay không có dấu hiệu tội phạm. Giai đoạn khởi tố vụ án có nhiệm vụ xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để khởi tố hoặc không khởi tố vụ án, bảo đảm không tội phạm nào không bị phát hiện, không người vô tội nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan.
Khi xác định có dấu hiệu tội phạm, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án. Nếu xác định không có dấu hiệu tội phạm hoặc có các căn cứ khác theo quy định của pháp luật thì ra quyết định không khởi tố vụ án. Trong trường hợp đặc biệt, khi xác định “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chẩt nguy hiểm cho xã hội không đáng kể…” (Xem: Khoản 2 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015) thì không khởi tố vụ án hình sự mà có thể xử lí bằng các biện pháp khác.
Ý nghĩa khởi tố vụ án hình sự là gì ?
– Khởi tố vụ án góp phần bảo đảm cho việc phát hiện nhanh chóng mọi hành vi phạm tội. Bởi vì, chỉ có thông qua những hoạt động kiểm tra, xác minh kịp thời các nguồn tin về tội phạm mới có điều kiện làm rõ sự việc xảy ra có dấu hiệu của tội phạm hay không. Nếu hoạt động tố tụng trong giai đoạn khởi tố vụ án không được tiến hành khẩn trương, đầy đù sẽ có thể không phạt hiện ra dấu hiệu tội phạm, dẫn đến việc ra quyết định không khởi tố vụ án, bỏ lọt tội phạm.
– Khởi tố vụ án xác lập cơ sở pháp lí để cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra. Chưa khởi tố vụ án thì không được tiến hành các hoạt động điều tra, trừ một số hoạt động được tiến hành trọng quá trình giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Do đó, không thể xem khởi tố vụ án hình sự như một hoạt động trong giai đoạn điều tra. Khởi tố vụ án có nhiệm vụ riêng, chủ thể và các hoạt động tố tụng độc lập với các giai đoạn tố tụng khác nên được coi là giai đoạn tố tụng độc lập. Hoạt động điều tra chỉ được tiến hành sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự. Khởi tố vụ án tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tố tụng tiếp theo. Sau khi đã xác định dấu hiệu tội phạm và khởi tố vụ án, hoạt động tố tụng ở giai đoạn điều tra sẽ tập trung làm rõ các hành vi phạm tội và người thực hiện tội phạm.
– Khởi tố vụ án góp phần bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nếu không thực hiện các hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm mà tiến hành ngay các hoạt động điều tra, kể cả áp dụng biện pháp cưỡng chế tố tụng sẽ dẫn đến nhiều trường hợp sau một thời gian điều tra không xác định được dấu hiệu của tội phạm, không chứng minh được người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế có hành vi nguy hiểm cho xã hội nên phải quyết định đình chỉ điều tra thì người này đã bị xâm phạm quyền tự do thân thể.
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn của Luật sư X về vấn đề “Khi chưa khởi tố vụ án hình sự liệu có được khám xét người?“. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn khi có nhu cầu về các vấn đề liên quan đến dịch vụ đăng ký xác nhận tình trạng hôn nhân; tạm ngừng kinh doanh chi nhánh; mẫu đơn xin giải thể công ty, Thủ tục tặng cho nhà đất, của Luật sư , hãy liên hệ: 0833102102
Có thể bạn quan tâm
- Căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự là gì?
- Khám xét chỗ ở theo Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam
- Khởi tố vi phạm quy định về quản lý đất đai như thế nào?
Các câu hỏi thường gặp
Khám xét người là biện pháp điều tra do những người có thẩm quyền theo luật định tiến hành bằng cách lục soát, tìm kiếm trong người nhằm phát hiện và thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Thực chất, khám xét là biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án.
Việc khám xét người có ý nghĩa trong việc phát hiện và thu giữ, tạm giữ những vật chứng, tài liệu có ý nghĩa với công tác điều tra. Những vật chứng, tài liệu có ý nghĩa đối với công tác điều tra cần phát hiện, thu giữ trong quá trình khám xét có thể bao gồm: vũ khí, công cụ, phương tiện gây án, những tài sản bị chiếm đoạt, những vật mang dấu vết của tội phạm, tiền bạc hoặc những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội, những tài liệu, chứng cứ phản ánh về đặc điểm nhân thân của bị can cũng như những tài liệu khác có ý nghĩa đối với công tác điều tra, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.
Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc khám xét người chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có, hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Mặc dù là biện pháp điều tra nhưng khám xét mang tính cưỡng chế, dễ xâm phạm đến quyền con người nên khi khám xét phải có đầy đủ căn cứ khám xét theo quy định của pháp luật và phải có lệnh của người có thẩm quyền, trừ một số trường hợp luật định.
Điều 194 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:
– Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó; giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.
– Người tiến hành khám xét phải yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì tiến hành khám xét.
– Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét.
Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân trái pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật. Vậy nên, trong quá trình khám xét người không được có những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân.