Căn cứ pháp lý:
- Hiệp định EVFTA
- Quy chế của Hội đồng và Nghị viện Châu Âu số 1151/2012 về “Hệ thống chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm”
Điều kiện xuất khẩu sang EU đối với nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lí
Năm 1992, Liên minh Châu Âu đã ban hành Quy chế chung trên toàn Liên minh bảo hộ các tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm.
Tháng 3/2005, Hội đồng Giải quyết Khiếu nại của WTO ra kết luận chấp thuận về cơ bản các khiếu nại của Hoa Kỳ và cho rằng một số nội dung của Quy chế chỉ dẫn địa lý của EU là không tương thích với Hiệp định TRIPs và yêu cầu EU phải sửa đổi Quy chế trước tháng 4/2006.
Tháng 3/2006, EU ban hành Quy chế 510/2006 nhằm đưa hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Châu Âu phù hợp với các khuyến cáo của WTO.
Tháng 11/2012, EU đã thông quy định mới về quy trình quản lý chất lượng, đó là Quy chế của Hội đồng và Nghị viện Châu Âu số 1151/2012 về “Hệ thống chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm” thay cho Quy chế 510/2006 có hiệu lực từ 3/1/2013.
Quy chế 1151/2012 xác định các đối tượng được bảo hộ
- Tên gọi xuất xứ được bảo hộ (PDO)
Sản phẩm xuất xứ từ một địa phương, vùng hoặc trong các trường hợp đặc biệt là từ một quốc gia; Chất lượng hoặc đặc tính của sản phẩm có được nhờ hoàn toàn hoặc chủ yếu vào điều kiện địa lý đặc biệt bao gồm cả yếu tố tự nhiên lẫn con người. (Ví dụ: Giăm bông Parma)
- Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (PGI)
Sản phẩm xuất xứ từ một địa phương, vùng hoặc quốc gia cụ thể; Chất lượng, uy tín hoặc các đặc tính khác có được nhờ vào xuất xứ địa lý; Ít nhất có một công đoạn sản xuất được thực hiện tại vùng địa lý được xác định. (Ví dụ: Pho mát Gruere)
- Đặc sản truyền thống được bảo đảm (TSG)
Đối tượng này được áp dụng cho thực phẩm mang tính “truyền thống”. Các sản phẩm có khả năng đăng ký nếu chúng có đặc tính riêng do kết quả của quá trình sản xuất hoặc phương pháp xử lý truyền thống, hoặc được sản xuất từ nguyên liệu thô hay nhờ thành phần nguyên liệu trong công thức truyền thống. Theo Quy chế thì khoảng thời gian để coi một sản phẩm là “truyền thống” phải đạt đến 30 năm. (Ví dụ: Pho mát Mozzarella).
Hệ thống kiểm soát chính thức của EU bao gồm:
- Sản phẩm tuân thủ với thông số tương ứng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường;
- Sử dụng tên trên thị trường kiểm tra dựa trên phân tích rủi ro;
- Kiểm tra bởi Văn phòng Thực phẩm và Kiểm dịch động vật (DG SANTE);
- Kiểm soát hải quan (DG TAXUD và hải quan MS);
- Kiểm tra thương hiệu (EUIPO và MS IPO).
Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo GlobalGap và HACCP
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường EU phải đạt hai loại chứng nhận cơ bản là GlobalGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn, tương tự hệ thống quản lý chất lượng ISO).
- GlobalGap
GlobalGaplà một bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice).
Để đạt chứng nhận GlobalGapngười sản xuất phải chứng minh các sản phẩm của mình được canh tác tuân thủ các tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn GlobalGap. Đối với người tiêu dùng và đại lý bán lẻ, giấy chứng nhận GlobalGap là sự đảm bảo rằng sản phẩm đã đạt được mức độ an toàn và chất lượng được chấp nhận, đồng thời phải đảm bảo sự canh tác nông nghiệp bền vững nghĩa là tôn trọng sức khỏe, an toàn và phúc lợi cho người sản xuất, môi trường và kể cả vấn đề chăm sóc cho động vật. Nếu không đảm bảo những điều cơ bản trên thì trang trại sẽ không được chứng nhận theo bộ tiêu chuẩn này.
Tiêu chuẩn GlobalGap bao gồm các yếu tố sau:
- Độ an toàn, nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm;
- Thân thiện với môi trường (bao gồm sự đa dạng sinh học);
- Điều kiện làm việc, sức khỏe và an toàn lao động của người sản xuất;
- Cách thức nuôi dưỡng và điều kiện sinh sống của vật nuôi;
- Các tiêu chuẩn về “Quản lí cây trồng tổng hợp” (ICM), “Quản lí dịch hại tổng hợp” (IPC), “Hệ thống quản lí chất lượng” (QMS), và “Hệ thông phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn” (HACCP)
Một trong các mục tiêu chính của tiêu chuẩn GlobalGap là hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón khi canh tác, để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nông nghiệp đối với môi trường xung quanh và duy trì tuổi thọ đất nông nghiệp.
Theo tiêu chuẩn GlobalGap, người sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát từ khâu canh tác đến thu hoạch, chế biến bao gồm toàn bộ thông tin trong quá trình sản xuất như làm sạch đất, chọn giống cây trồng vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Ngoài ra, GlobalGap cũng đề cập đến các tiêu chí khác như: Phúc lợi cho người lao động, độ tuổi lao động, lao động trẻ em, vấn đề bảo vệ môi trường…
- HACCP
HACCP(Hazard Analysis and Critical Control Point System), là hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn.
HACCP được nhiều nước trên thế giới quy định bắt buộc áp dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, trong đó có EU. Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (CODEX) đã đưa ra khuyến cáo việc nên áp dụng HACCP.
HACCP được giới thiệu trong tiêu chuẩn của CODEX mang số hiệu CAC/RCP 1-1969, Rev.4-2003, và tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam tương đương là TCVN 5603:2008.
HACCP là hệ thống xác định, đánh giá và kiểm soát các mối nguy đáng kể đối với an toàn thực phẩm, giúp xác định các mối nguy cụ thể và các biện pháp để kiểm soát chúng nhằm đảm bảo tính an toàn thực phẩm. Đây là một công cụ để đánh giá các mối nguy và thiết lập các hệ thống kiểm soát, tập trung vào việc phòng ngừa nhiều hơn, thay cho việc kiểm tra thành phẩm.
HACCP được áp dụng trong suốt cả chuỗi thực phẩm, từ khâu ban đầu tới khâu tiêu thụ cuối cùng. Việc áp dụng HACCP phù hợp với việc thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; Hệ thống ISO 22000.
Cũng giống như ISO 22000, trước khi triển khai HACCP, doanh nghiệp cần xem xét lại điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị và con người. Nếu doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải phải sửa chữa, nâng cấp… Để áp dụng thành công hệ thống HACCP, doanh nghiệp cần phải chú ý các yêu cầu cơ bản như sau:
- Cam kết của lãnh đạo
- Yếu tố con người
- Nhà xưởng và trang thiết bị
Điều kiện xuất khẩu sang EU đối với các nông sản khác
Để vào được thị trường EU, các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng. EU có hàng loạt quy định, yêu cầu rất khắt khe, nhất là các quy định về các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thực phẩm.
Hệ thống các quy trình nhập khẩu nông sản vào EU
- Nhà xuất khẩu nộp đơn xin được xuất khẩu hoặc tái xuất (yêu cầu hàng phải có chứng thư vệ sinh cùng một số giấy tờ khác và thuộc danh sách các công ty, các sản phẩm thủy sản được EU cho phép xuất khẩu)
- Cơ quan quản lý của nước xuất khẩu ngoài EU cấp giấy chứng nhận xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu
- Nhà xuất khẩu gửi trước bản sao tài liệu xuất khẩu, tái xuất khẩu tới nhà nhập khẩu EU
- Nhà nhập khẩu nộp đơn xin phép nhập khẩu có bản sao tài liệu xuất khẩu, tái xuất khẩu gửi kèm
- Cơ quan quản lý thuộc EU cấp giấy phép nhập khẩu
- Nhà nhập khẩu gửi bản cấp phép nhập khẩu gốc tới nhà xuất khẩu ngoài EU
- Nhà xuất khẩu gửi 02 loại tài liệu xuất khẩu và nhập khẩu cùng với hàng hoá
- Nhà xuất khẩu xuất trình 02 loại tài liệu xuất khẩu và nhập khẩu tới cơ quan hải quan tại mỗi điểm kiểm soát biên giới trước khi hàng được đưa vào lãnh thổ EU
Quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật
Các nước trong cộng đồng Châu Âu tiếp tục giảm mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật cho phép với các sản phẩm. Với nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật hiện đã có các mức dư lượng chung áp dụng cho toàn bộ Cộng đồng Châu Âu. Tuy nhiên, một số loại thuốc thì mức dư lượng lại khác nhau giữa các nước. Mỗi quốc gia phải xác định là đáp ứng được các quy định (thường là thông qua bộ nông nghiệp) tại địa điểm nhập khẩu. Trường hợp các nước trong Cộng đồng Châu Âu chưa thiết lập được mức dư lượng tối đa, các nhà xuất khẩu yêu cầu cần phải có giấy phép nhập khẩu.
Thị trường liên minh châu Âu (EU) yêu cầu rất khắt khe về an toàn thực phẩm, kiểm dịch… trong khi sản xuất nông sản Việt Nam còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết, ý thức áp dụng và tuân thủ các quy trình an toàn chưa cao. Đây là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản khi khai thác cơ hội từ EVFTA.
Kể từ ngày 31/3/2020, EU đã cấm sử dụng Ethoxyquin (chất chống ô xi hóa) để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Đối với một số sản phẩm có nguồn gốc sinh vật gây bệnh nhất định, EU không cho phép nhập khẩu nhằm tránh việc nhiễm và lây lan sâu bệnh hại cho thực vật và sản phẩm thực vật tại EU.
Hàng hóa nông sản, thực phẩm bán tại EU phải tuân thủ dán nhãn có đủ thông tin tên, địa chỉ của nhà đóng gói, nhà vận chuyển, tên sản phẩm nếu không nhìn thấy từ phía ngoài của bao bì, tên nước xuất xứ.
Các quy định của EU về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật rất chặt chẽ, khắt khe. Chẳng hạn, theo hướng dẫn 79/117/EEC của EC, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU rất thấp, gần như bằng 0. Nếu EU phát hiện có bất cứ một chất cấm nào tồn dư trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu hủy, nhà cung cấp (xuất khẩu) sẽ phải chịu toàn bộ chi phí tiêu hủy, thậm chí có thể bị truy tố và bị áp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm đó vào EU trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyền của EU tiến hành điều tra và xử lý.
Để ngăn chặn sự phát sinh các căn bệnh động vật thông qua giao dịch thương mại quốc tế, các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia không thuộc EU phải tuân theo các điều kiện kiểm dịch động vật hài hòa, nghiêm ngặt phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Động vật sống, sản phẩm phôi thai và sản phẩm có nguồn gốc động vật chỉ có thể được nhập khẩu từ các quốc gia được ủy quyền và từ các cơ sở được chấp thuận. Hàng nhập khẩu phải trải qua các Trạm kiểm dịch biên giới được chỉ định có trang bị đầy đủ để thực hiện các biện pháp kiểm soát cần thiết. Điều kiện nhập khẩu được thông báo trên toàn thế giới và được trình bày chi tiết trong giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và phải có chữ ký của Cơ quan chức năng của quốc gia xuất khẩu.
Hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường EU phải đạt hai loại chứng nhận cơ bản là GlobalGap và chứng nhận HACCP
Là các sản phẩm xuất xứ từ một địa phương, vùng hoặc quốc gia cụ thể; Chất lượng, uy tín hoặc các đặc tính khác có được nhờ vào xuất xứ địa lý; Ít nhất có một công đoạn sản xuất được thực hiện tại vùng địa lý được xác định.