Đăng ký thành lập “siêu doanh nghiệp” có phạm pháp không? Đây là câu hỏi hiện tại được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Bởi trong thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đang xôn xao về thông tin một công ty mới được thành lập được mệnh danh là “siêu doanh nghiệp” vì vốn điều lệ đăng ký lên đến 500 nghìn tỷ đồng.
Vụ việc của công ty này làm nhiều người quan tâm đến các quy định của pháp luật có liên quan đến vốn điều lệ đăng ký của doanh nghiệp. Có thể tự do đăng ký vốn điều lệ hay không? Pháp luật có giới hạn mức vốn điều lệ được đăng ký hay không? Thành lập “siêu doanh nghiệp”, tức là đăng ký mức vốn điều lệ cao có phạm pháp không? Nếu không góp đủ vốn thì hậu quả là gì? Hãy cùng Luật Sư X tìm hiểu ngay sau đây.
Các loại tài sản góp vốn
Để đăng ký thành lập “siêu doanh nghiệp” trước hết phải thực hiện việc góp vốn. Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp; góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
Theo Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020, Tài sản góp vốn bao gồm:
- Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam; ngoại tệ tự do chuyển đổi; vàng; giá trị quyền sử dụng đất; giá trị quyền sở hữu trí tuệ; công nghệ, bí quyết kỹ thuật; các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
- Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật
Nếu góp vốn bằng tiền thì phải tuân thủ hình thức góp vốn quy định tại Nghị định 222/2013/NĐ-CP; Thông tư 09/2015/TT-BTC về thanh toán bằng tiền mặt. Theo đó, các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác mà phải sử dụng các hình thức như: Thanh toán bằng Séc; Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền; Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
Mời bạn đọc tham khảo: Vốn điều lệ công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2020
Thành lập “siêu doanh nghiệp” phạm pháp?
Luật Doanh nghiệp không quy định mức tối thiểu hay tối đa đối với vốn điều lệ; ngoại trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định doanh nghiệp phải có mức vốn tối thiểu hay còn gọi là vốn pháp định. Theo đó, vốn điều lệ phải tối thiểu bằng vốn pháp định.
Như vậy, trừ các trường hợp pháp luật quy định vốn pháp định, doanh nghiệp được tự quyết định vốn điều lệ của mình phù hợp với quy mô hoạt động, kinh doanh, sản xuất và năng lực tài chính của mình.
Ngoài ra, luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định về việc tổ chức, cá nhân phải chứng minh năng lực tài chính khi đăng ký góp vốn vào doanh nghiệp. Tổ chức, cá nhân chỉ phải bảo đảm phải góp vốn cho doanh nghiệp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Do đó, việc đăng ký thành lập các “siêu doanh nghiệp” có mức vốn điều lệ cao không hề phạm pháp. Bởi các quy định hiện tại chỉ dừng ở mức quy định mức vốn điều lệ tối thiểu. Không giới hạn mức vốn điều lệ tối đa được phép đăng ký.
Hậu quả khi không góp đủ vốn điều lệ
Câu hỏi đặt ra là khai khống vốn điều lệ có được không? Có vi phạm pháp luật hay không? Việc khai vốn điều lệ “khủng” nhưng không góp đủ trong khoảng thời gian quy định có bị xử phạt hay không?
Theo Luật Doanh nghiệp, sau thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng đăng ký thành lập doanh nghiệp, thành viên, cổ đông của công ty:
- không góp vốn như đã đăng ký thì đương nhiên không còn là thành viên, cổ đông của công ty;
- góp chưa đủ vốn điều lệ đã đăng ký thì có quyền tương ứng với phần vốn thực góp, Tuy nhiên thành viên, cổ đông công ty phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Trong các trường hợp này, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị vốn điều lệ thực góp và thay đổi thành viên/cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên là 60 ngày) kể từ ngày cuối cùng của thời hạn 90 ngày trên.
Trường hợp công ty không thực hiện đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 50/2016/NĐ-CP.Đồng thời, công ty cũng bị buộc phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã thực góp.
Câu hỏi thường gặp
“Siêu doanh nghiệp” là cụm từ nhằm gọi tên các doanh nghiệp đăng ký mức vốn điều lệ rất cao. Nổi bật nhất hiện nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng (hơn 21,5 tỉ USD).
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Tăng mức độ chịu trách nhiệm của các thành viên trong doanh nghiệp không tương xứng với vốn thực góp; ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp; ảnh hưởng đến hồ sơ sổ sách kế toán của doanh nghiệp; phải chịu các chế tài theo quy định pháp luật.
Cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng có thể bị phạt tiền đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Mức phạt tiền là từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng
Thông tin liên hệ Luật Sư X
Trên đây là tư vấn về việc đăng ký thành lập “siêu doanh nghiệp” có phạm pháp không?
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102