Hiện nay có rất nhiều vụ tranh chấp dân sự và cần phải giải quyết. Tuy nhiên, không phải vụ tranh chấp nào cũng có thể đưa lên Tòa án khởi kiện và yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì số lượng đơn khởi kiện rất nhiều, Tòa án cũng còn rất nhiều việc phải giải quyết nên pháp luật đã quy định điều kiện để có thể gửi đơn kiện và được chấp nhận. Hãy cùng Luật sư X đi tìm hiểu căn cứ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện nhé!
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015
- Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021
Quy định pháp luật tại Bộ luật tố tụng dân sự
Theo khoản 2 Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định:
Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.
Như vậy theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự.
Quy định pháp luật tại Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021
Hiện nay có rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về Công văn này. Trong công văn có những đề xuất, yêu cầu là cho các đương sự được khởi kiện lại sau khi đình chỉ theo quy định tại Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, bởi vì hai lý do:
- Thứ nhất, việc không cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án chỉ nên áp dụng đối với vụ án mà Tòa án đã giải quyết yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của nguyên đơn (nếu có) để bảo đảm công bằng cho các bên đương sự.
- Thứ hai, phù hợp với tinh thần nêu trên, cần cho phép nguyên đơn khởi kiện lại vụ án mà Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 của BLTTDS để tạo điều kiện chấm dứt tranh chấp giữa các bên đương sự, góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy các quan hệ pháp luật phát triển bình thường, lành mạnh.
Căn cứ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về vụ án dân sự mà nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại bao gồm:
- vụ án Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết
- vụ án do Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định.
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Căn cứ pháp luật
Theo quy định cụ thể tại Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
d) Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;
g) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;
h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Hậu quả của đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Theo quy định tại Điều 218 Bộ luật tố tụng dân sự:
1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.
3. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.
4. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Tòa án nước ngoài đã ra bản án, quyết định
Theo quy định tại khoản 1 Điều 472 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
1. Tòa án Việt Nam phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nếu vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Các đương sự được thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và đã lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài giải quyết vụ việc đó.
Trường hợp các bên thay đổi thỏa thuận lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài bằng thỏa thuận lựa chọn Tòa án Việt Nam hoặc thỏa thuận lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài bị vô hiệu hoặc không thể thực hiện được, hoặc Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài từ chối thụ lý đơn thì Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết;
b) Vụ việc không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 470 của Bộ luật này và vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án nước ngoài có liên quan;
c) Vụ việc không thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam quy định tại Điều 470 của Bộ luật này và đã được Trọng tài hoặc Tòa án nước ngoài thụ lý giải quyết;
d) Vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của Trọng tài.
Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được Tòa án Việt Nam công nhận thì Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó;
đ) Bị đơn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.
Mục đích của việc quy định
- Đảm bảo sự công bằng về lợi ích cho các bên.
- Đảm bảo tính ổn định xã hội.
- Tạo điều kiện cho chấm dứt tranh chấp.
Thông tin liên hệ
Trên đây là tư vấn của Luật sư X về vấn đề các trường hợp không được yêu cầu khởi kiện. Chúng tôi hi vọng rằng thông tin trên có thể cho bạn thêm kiến thức về khởi kiện vụ án dân sự và có thể giúp bạn áp dụng vào cuộc sống. Để biết thêm thông tin chi tiết và có thêm sự tư vấn về vấn đề trên cũng như các vấn đề liên quan đến pháp luật như So sánh hợp nhất doanh nghiệp và sáp nhập doanh nghiệp, Trình tự thủ tục hợp nhất doanh nghiệp,… hãy liên hệ đến đường dây nóng của luật sư X, tel: 0833 102 102.
Hoặc qua các kênh sau:
- FB: https://www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Căn cứ theo quy định tại Điều 155 Bộ luật dân sự 2015:
Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản;
2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác;
3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai;
4. Trường hợp khác do luật quy định.