Trong lịch sử phát triển của loài người, có rất nhiều lần con người phải đối diện với những trận đại dịch nguy hiểm; ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của không ít cá nhân. Để chống lại sự tàn phá nguy hiểm của bệnh tật,con người cũng tốn không ít công sức để phát minh ra những loại dược phẩm chống lại chúng; hay còn gọi là vaccine. Cho đến nay, tiêm vaccine phòng bệnh khá phổ biến ở Việt Nam. Vậy, các trường hợp tham gia tiêm vaccine tự nguyện và bắt buộc được quy định thế nào? Phòng tư vấn pháp lý của Luật sư X xin thông tin tới bạn đọc.
Căn cứ pháp lý
- Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007;
- Thông tư 38/2017/TT-BYT.
Nội dung tư vấn
Nguyên tắc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế
Việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế được tuân theo các nguyên tắc sau:
1. Vắc xin, sinh phẩm y tế được sử dụng phải bảo đảm các điều kiện quy định sau:
- Đạt tiêu chuẩn chất lượng và bảo đảm về an toàn, hiệu quả;
- Đáp ứng yêu cầu về nhãn thuốc quy định tại Điều 61 của Luật dược và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Vật liệu bao bì và dạng đóng gói phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng thuốc.
- Thuốc sản xuất trong nước cho chương trình y tế quốc gia, thuốc nhập khẩu trong các trường hợp sau:
“Phục vụ cho các chương trình mục tiêu y tế quốc gia;
Viện trợ, viện trợ nhân đạo;
Thử lâm sàng, làm mẫu đăng ký, tham gia trưng bày triển lãm, hội chợ;
Mang theo để chữa bệnh cho bản thân;”
phải được sử dụng đúng mục đích, đối tượng; nhãn thuốc phải đáp ứng quy định tại Điều 61 của Luật dược 2016; trên bao bì lẻ của thuốc phải in dòng chữ “Không được bán”, trừ trường hợp mang theo để chữa bệnh cho bản thân”
2. Vắc xin, sinh phẩm y tế được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc.
Bộ y tế quy định rõ về các trường hợp tham gia tiêm vaccine tự nguyện và bắt buộc thông qua các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành liên quan.
3. Vắc xin, sinh phẩm y tế phải được sử dụng đúng mục đích, đối tượng, thời gian, chủng loại và quy trình kỹ thuật sử dụng.
Điều này để đảm bảo hiệu quả, lợi ích tối đa của vaccine đối với người được tiêm chủng; tránh trường hợp tiêm sai mục đích, đối tượng gây thất thoát tài sản; sai thời gian,chủng loại, quy trình sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người tiêm.
4. Vắc xin, sinh phẩm y tế phải được sử dụng tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện.
Việc đảm bảo môi trường tiêm vaccine đáp ứng tiêu chuẩn y tế cũng là để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao nhất của vaccine lên sức khỏe người được tiêm.
Các trường hợp tham gia tiêm vaccine bắt buộc
Điều 29 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 có quy định như sau về các trường hợp bắt buộc tiêm vaccine:
- Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.
- Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em; và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền; trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Miễn phí sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong các trường hợp sau:
– Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch;
– Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch;
– Các đối tượng: trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Các loại bệnh bắt buộc phải tham gia tiêm bắt buộc hiện nay
Theo Thông tư 38/2017/TT-BYT, Bộ y tế đã đưa ra danh sách các loại bệnh phải bắt buộc tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; hoặc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch.
Danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng, lịch tiêm chủng vắc xin bắt buộc trong Chương trình tiêm chủng mở rộng
- Bệnh viêm gan vi rút B
- Bệnh lao
- Bệnh bạch hầu
- Bệnh ho gà
- Bệnh uốn ván
- Bệnh bại liệt
- Bệnh do Haemophilus influenzae týp b
- Bệnh sởi
- Bệnh viêm não Nhật Bản B
- Bệnh rubella
Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch
- Bệnh bạch hầu
- Bệnh bại liệt
- Bệnh ho gà
- Bệnh rubella
- Bệnh sởi
- Bệnh tả
- Bệnh viêm não Nhật Bản B
- Bệnh dại
Các trường hợp tham gia tiêm vaccine tự nguyện
Căn cứ theo điều 28 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, pháp luật quy định như sau về việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế tự nguyện:
- Mọi người có quyền sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho cộng đồng.
- Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích công dân tự nguyện sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế.
- Thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm, người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm được sử dụng miễn phí vắc xin, sinh phẩm y tế.
Như vậy, ngoài các trường hợp được liệt kê phía trên trong các trường hợp tham gia tiêm vaccine bắt buộc; thì người dân có thể và được khuyến khích tiêm vaccine đối với các loại bệnh khác dã có vaccine được cấp phép theo quy định pháp luật.
Hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Người mắc bệnh truyền nhiễm là người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng bệnh.
Theo khoản 10 điều 2 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007; vaccine là chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh.
Dịch bệnh là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.
Hiện nay, đối với trường hợp người dân đăng ký tiêm vaccine ngoài trường hợp bắt buộc thì sẽ đóng phí vaccine phụ thuộc và loại bệnh và loại vaccine mong muốn sử dụng.