Xin chào Luật sư X, tôi đang gặp vấn đề như sau rất mong được tư vấn. Tôi và chồng kết hôn được 02 năm và chưa có con; thì sau đó, chồng tôi đi sang Hàn Quốc làm ăn đến nay đã được hơn 05 năm. Khoảng 03 năm gần đây, tôi không liên lạc được, không có tin tức gì về chồng. Bây giờ, tôi muốn ly hôn để đi tìm hạnh phúc mới thì có được không? Thủ tục ly hôn khi chồng tôi đang ở nước ngoài như thế nào? Mong sớm nhận được câu trả lời của Luật sư, tôi xin cảm ơn!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Phòng tư vấn Luật Hôn nhân của Luật sư X. Hãy tìm hiểu thêm về thủ tục ly hôn khi vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài nhé!
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Nội dung tư vấn
Ly hôn có yếu tố nước ngoài
Ly hôn có yếu tố nước ngoài là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Trong đó yếu tố nước ngoài được thể hiện bởi một trong ba yếu tố như sau:
- Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam; hoặc người Việt Nam đang ở nước ngoài.
Trong đó:
Người nước ngoài bao gồm: người có quốc tịch nước ngoài và người không có quốc tịch.
Người Việt Nam đang ở nước ngoài: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang làm việc, học tập có thời hạn tại nước ngoài.
- Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện; hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài.
- Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Ly hôn có yếu tố nước ngoài cũng có hai loại:
Thuận tình ly hôn: hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.
Ly hôn đơn phương: Vợ hoặc chồng không thỏa thuận được về vấn đề tình cảm, con cái, tài sản.
Trường hợp một bên muốn ly hôn tuy nhiên không biết; không thể biết được địa chỉ của bên kia ở nước ngoài thì vẫn có thể ly hôn được.
Thẩm quyền giải quyết ly hôn khi vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài
Ly hôn khi một bên đang ở nước ngoài thuộc trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài thì:
Trường hợp ly hôn với vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài thì tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp bị đơn sống lưu vong, không có cơ quan nào quản lý; không có địa chỉ rõ ràng nên không thể liên hệ với họ được; thì Toà án yêu cầu thân nhân của bị đơn đó gửi cho họ lời khai của nguyên đơn; và báo cho họ gửi về Toà án những lời khai; hoặc tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Sau khi có kết quả, Toà án có thể căn cứ vào những lời khai và tài liệu đó để xét xử theo thủ tục chung.
Trường hợp bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ (kể cả thân nhân); thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Trường hợp vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước; nhưng thân nhân không cung cấp địa chỉ, tin tức cho Toà án; không thực hiện yêu cầu của Toà án; không thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà án; tức là bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Toà án yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức cho Toà án; không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết; thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.
Thủ tục ly hôn khi vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ gồm có:
- Đơn xin ly hôn theo mẫu.
- Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn (Bản gốc).
- Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của vợ và chồng (bản sao có chứng thực).
- Giấy khai sinh của con (Bản sao có chứng thực, nếu có).
- Giấy tờ về quyền sở hữu, sử dụng tài sản chung của vợ chồng (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ và Tòa án tiếp nhận hồ sơ
Ly hôn khi vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài, do đó, đây là ly hôn có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, khi có yêu cầu ly hôn sẽ nộp tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Tòa án xem đơn, thẩm quyền giải quyết. Sau đó, Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí gửi người nộp đơn. Người nộp đơn nộp tiền tạm ứng án phí; nộp biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý vụ án ly hôn và ra thông báo thụ lý vụ án gửi Viện kiểm sát cùng cấp và bị đơn (người có liên quan).
Bước 3: Tòa án giải quyết vụ án
Tòa án tiến hành giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Thời hạn chuẩn bị xét xử từ 04 đến 06 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
Thời hạn mở phiên tòa từ 01 đến 02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Tuy nhiên, việc giải quyết cũng có phần phụ thuộc vào sự hợp tác của các bên; và nội dung giải quyết tranh chấp của hai bên.
Như vậy, về cơ bản thủ tục ly hôn khi vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài cũng tương tự như thủ tục ly hôn bình thường. Điểm khác biệt lớn nhất là thẩm quyền giải quyết ly hôn khi vợ hoặc chồng đang ở nước ngoài sẽ là Tòa án nhân dân tỉnh.
Hy vọng bài viết sẽ có ích với bạn đọc!
Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn của Luật sư X hãy liên hệ 0833102102
Câu hỏi thường gặp
Bước 1: Nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án nhân dân tỉnh.
Bước 2: Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án quận/huyện và nộp lại biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
Bước 4: Tòa án thụ lý vụ án, tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục chung và ra Bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án.
Cách 1: Hai bên tự thỏa thuận với nhau.
Cách 2: Nếu không tự thỏa thuận được, sẽ chia theo nguyên tắc chung của pháp luật. Nếu đã là tài sản chung thì được chia đôi và xác định dựa trên các yếu tố khác như: công sức đóng góp, hoàn cảnh…
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên; con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Hai bên có thể tự thỏa thuận; không được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.