Xin chào Luật sư X, tôi đang gặp trường hợp như sau rất mong nhận được tư vấn. Anh trai tôi vay tiền để chơi cá độ dẫn đến vỡ nợ. Nay anh tôi bỏ trốn, các chủ nợ đều đến nhà bố mẹ tôi đòi nợ. Hiện nay, ngày nào bố mẹ tôi cũng bị rất nhiều xã hội đen đến đòi nợ; ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng tôi. Vậy thưa Luật sư, hành vi đòi tiền người thân của người vay nợ có phạm luật không? Chúng tôi phải làm như thế nào để không bị quấy rối nữa? Mong sớm nhận được câu trả lời của Luật sư, tôi xin cảm ơn!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Phòng tư vấn Luật dân sự của Luật sư X. Với câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Nội dung tư vấn
Đòi tiền người thân của người vay nợ có phạm luật không?
Căn cứ Điều 463 về Hợp đồng vay tài sản của Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Như vậy, vay tài sản là quan hệ dân sự do thỏa thuận giữa các bên. Khi đến hạn trả nợ, chỉ có bên vay mới có nghĩa vụ trả nợ.
Người thân của người vay nợ chỉ phải trả nợ thay trong trường hợp đã cam kết trả thay khoản vay đó; nếu khi đến hạn trả nợ, người vay nợ không trả. Và trường hợp này được gọi là bảo lãnh theo quy định tại Điều 335 Bộ luật Dân sự:
“1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”
Do đó, khi đến hạn mà bên vay không trả nợ, nếu không có cam kết bảo lãnh; chủ nợ không được phép đòi tiền người thân của người vay nợ.
Trường hợp chủ nợ có hành vi đe dọa, uy hiếp; hoặc dùng vũ lực để đòi tiền người thân của người vay nợ; thì tùy vào mức độ vi phạm, chủ nợ có thể bị phạt hành chính; hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đòi tiền người thân của “con nợ” bị xử phạt như thế nào?
Trường hợp chủ nợ đòi tiền người thân của người vay nợ và có các hành vi gây rối; hay tự ý lấy tài sản để trừ nợ; thì tùy từng mức độ chủ nợ có thể bị xử phạt hành chính; hoặc bị xử lý hình sự.
Xử phạt hành chính
– Nếu chủ nợ cố ý làm loạn, gây mất trật để đòi tiền người thân của người vay nợ; có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì mức phạt hành chính với hành vi này có thể lên đến 03 triệu đồng.
– Nếu chủ nợ đe dọa sẽ dùng vũ lực; hoặc uy hiếp tinh thần bằng các thủ đoạn khác; để buộc người thân của người vay nợ phải giao tài sản để trừ nợ; thì theo điểm c Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167, hành vi này sẽ bị phạt hành chính từ 02 – 05 triệu đồng.
Xử lý hình sự
Trường hợp gây rối trật tự công nghiêm trọng; ảnh hưởng đến an ninh xã hội; hoặc đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi này mà chưa được xóa án tích; người thực hiện (chủ nợ) còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng. Trong đó, mức phạt với tội này được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 là phạt tiền đến 50 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm; phạt tù đến 07 năm.
Trường hợp chủ nợ đe dọa sẽ dùng vũ lực; hoặc có thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần; nhằm chiếm đoạt tài sản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật Hình sự; với mức phạt tù lên đến 20 năm.
Hy vọng bài viết sẽ có ích cho bạn đọc!
Hãy liên hệ khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ luật sư dân sự của Luật sư X: 0833 102 102
Câu hỏi thường gặp
Để không vi phạm pháp luật, chủ nợ không được thực hiện một trong các hành vi: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hoặc bắt giữ người vay trái pháp luật.
Nếu hết thời hạn cho vay mà bên vay vẫn chưa trả nợ, bên cho vay có thể khởi kiện tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Ngoài ra, trong trường hợp người vay dùng những thủ đoạn gian dối cố tình chiếm đoạt số tiền vay thì bên cho vay có thể gửi đơn tố giác gửi đến cơ quan công an điều tra.
Trong đó, theo Điều 30 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Đồng thời, Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu đòi nợ của bên cho vay trong quá trình xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản của người vay.
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Tuy nhiên, nếu tổng hợp tài sản bị lừa trên 02 triệu đồng thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bạn có quyền tố giác, báo tin tại cơ quan điều tra công an cấp huyện hoặc tại Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bạn hoặc của người lừa đảo.