Luật quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật; được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên; trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng; nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế. Trong đó, nguyên tắc tận tâm thiện chí thực hiện cam kết quốc tế xuất hiện rất sớm, từ khi xuất hiện nhà nước và tồn tại dưới hình thức tập quán pháp lí quốc tế (Pacta sunt Servanda). Vậy, nội dung của nguyên tắc Pacta Sunt Servanda trong Luật quốc tế là gì? Chúng ta hãy cùng Luật sư X tìm hiểu nhé!
Căn cứ pháp lý
- Hiến chương Liên hợp quốc
- Công ước viên 1969
Nội dung tư vấn
Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là gì?
Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là những tư tưởng chính trị pháp lí mang tính chất chỉ đạo; bao trùm; có giá trị bắt buộc chung (Jus cogens) đối với mọi chủ thể luật quốc tế.
Đặc điểm nguyên tắc cơ bản luật quốc tế
- Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế có đặc trưng cơ bản là tính mệnh lệnh bắt buộc chung. Điều đó có nghĩa là tất cả các chủ thể đều phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.
- Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là chuẩn mực để xác định tính hợp pháp của toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp lí quốc tế.
- Các nguyên tắc này có quan hệ mật thiết với nhau trong một chỉnh thể thống nhất theo nghĩa có sự ràng buộc qua lại giữa các nguyên tắc về nội dung và yêu cầu thực hiện những nội dung đó.
- Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được ghi nhận rộng rãi trong các văn kiện quốc tế.
Nguyên tắc Pacta sunt servanda là gì?
Nguyên tắc Pacta sunt servanda là Nguyên tắc tận tâm; thiện chí thực hiện cam kết quốc tế.
Sự hình thành nguyên tắc Pacta sunt servanda
Nguyên tắc thiện chí thực hiện cam kết quốc tế xuất hiện từ rất sớm; từ khi xuất hiện nhà nước và tồn tại dưới hình thức tập quán pháp lý quốc tế (Pacta sunt Servanda). Ngày nay, nguyên tắc này được ghi nhận trong rất nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương.
Cơ sở pháp lý nguyên tắc Pacta sunt servanda
Trong lời mở đầu của Hiến chương Liên hợp quốc đã khẳng định sự quyết tâm của các nước thành viên “tạo điều kiện để đảm bảo công lý và sự tôn trọng các nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế và các nguồn khác của luật quốc tế”
Theo khoản 2 Điều 2 của Hiến chương thì “tất cả các thành viên Liên hợp quốc thiện chí thực hiện các nghĩa vụ do Hiến chương đặt ra” -Công ước Viên năm 1969 về luật điều ước quốc tế đã khẳng định tính phổ cập của nguyên tắc này. Theo công ước thì “mỗi điều ước quốc tế hiện hành đều ràng buộc các bên tham gia và đều được các bên thực hiện một cách thiện chí.
Nội dung nguyên tắc Pacta sunt servanda
- Mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện; thiện chí; trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ điều ước quốc tế của mình.
- Mọi quốc gia phải tuân thủ tuyệt đối việc thực hiện nghĩa vụ điều ước quốc tế; tuân thủ một cách triệt để; không do dự. Các sự kiện khách quan xảy ra như thay đổi chính phủ; thay đổi hình thức quản lý hay chế độ xã hội; biểu tình; thiên tai; thay đổi lãnh thổ hay sự thay đổi hoàn cảnh quốc tế không thể là lý do để quốc gia không thực hiện điều ước quốc tế.
- Các quốc gia thành viên điều ước quốc tế không được viện dẫn các quy định của pháp luật trong nước làm nguyên nhân từ chối thực hiện nghĩa vụ của mình (Điều 27 Công ước Viên năm 1969)
- Các quốc gia không có quyền kí kết điều ước quốc tế mâu thuẫn với nghĩa vụ của mình được quy định trong điều ước quốc tế hiện hành mà quốc gia đã kí kết hoặc tham gia trước đó với quốc gia khác
- Không cho phép quốc gia đơn phương ngừng thực hiện; xem xét lại điều ước quốc tế. Hành vi này chỉ được thực hiện bằng phương thức đình chỉ; xem xét hợp pháp theo sự thỏa thuận của các thành viên điều ước.
- Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao; quan hệ lãnh sự giữa các nước thành viên của điều ước không ảnh hưởng đến các quan hệ pháp lý phát sinh giữa các quốc gia này; trừ trường hợp các quan hệ ngoại giao hoặc quan hệ lãnh sự là cần thiết cho việc thực hiện điều ước.
Ngoại lệ của nguyên tắc Pacta sunt servanda
Nguyên tắc cho phép các quốc gia có thể không phải thực hiện điều ước quốc tế mà mình là thành viên trong các trường hợp sau:
Thứ nhất, khi điều ước quốc tế có nội dung trái với Hiến chương Liên hợp quốc; trái với các nguyên tắc và quy phạm được thừa nhận rộng rãi của luật quốc tế. Điều này xuất phát từ Điều 103 Hiến chương:
“Trong trường hợp có sự xung đột giữa những nghĩa vụ của các thành viên Liên hợp quốc; chiếu theo Hiến chương này và những nghĩa vụ; chiếu theo bất cứ một điều ước quốc tế nào khác thì những nghĩa vụ của các thành viên Liên hợp quốc phải được coi trọng hơn.”
Điều 53, 64 Công ước Viên năm 1969 quy định rằng Điều ước quốc tế sẽ là vô hiệu nếu nó trái với các quy phạm mệnh lệnh của luật quốc tế.
Thứ hai, các quốc gia không phải thực hiện điều ước quốc tế nếu trong quá trình kí kết các điều ước quốc tế; các bên đã vi phạm các quy định của pháp luật quốc gia về trình tự, thủ tục và thẩm quyền kí kết.
Thứ ba, quốc gia có quyền từ chối thực hiện điều ước quốc tế nào đó khi điều kiện thực hiện đã thay đổi căn bản (Rebus sic stantibus- điều khoản về sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh); mục đích kí kết điều ước đã không còn phù hợp với tình hình chính trị và kinh tế; xã hội của quốc gia.
Thứ tư, khi một bên không thực hiện nghĩa vụ điều ước quốc tế của mình thì (các) bên khác có quyền từ chối thực hiện.
Ý nghĩa của nguyên tắc Pacta sunt servanda
Trong quan hệ quốc tế hiện nay, nguyên tắc tận tâm; thiện chí thực hiện cam kết quốc tế là nguyên tắc cần thiết để đảm bảo luật quốc tế được thực thi nghiêm chỉnh trong thực tế và trật tự pháp lý được duy trì. Bởi trong quan hệ quốc tế không tồn tại bộ máy chuyên biệt thực hiện chức năng cưỡng chế tuân thủ quy phạm luật quốc tế; việc thực hiện nó phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào thiện chí; sự tự giác của các bên chủ thể luật quốc tế. Các biện pháp bảo đảm chỉ được đưa ra khi có một sai phạm nghiêm trọng như là một bước cuối cùng để đảm bảo nghĩa vụ thành viên LHQ
Đây là một trong những nguyên tắc rất quan trọng của luật điều ước quốc tế. Sự tận tâm; thiện chí của chủ thể kí kết vừa là cơ sở; vừa là bảo đảm quan trọng để chủ thể tự ràng buộc vào nghĩa vụ thực hiện các quy định của luật điều ước nói chung và điều ước quốc tế nói riêng với tính chất là các cam kết quốc tế tồn tại song hành cùng các điều khoản thỏa thuận trong điều ước.
Mời bạn đọc xem thêm:
- Cách xác định đường cơ sở của Việt Nam theo Công ước Luật biển năm 1982
- Những rủi ro pháp lý trong vận chuyển hàng hải quốc tế?
- Các quy tắc đạo đức trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam
Thông tin liên hệ Luật sư X
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật sư X về nội dung Nội dung của nguyên tắc Pacta Sunt Servanda trong Luật quốc tế Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc!
Luật sư X là đơn vị Luật uy tín; chuyên nghiệp; được nhiều cá nhân và tổ chức đặt trọn niềm tin. Được hỗ trợ và đồng hành để giải quyết những khó khăn về mặt pháp lý của quý khách là mong muốn của Luật sư X. Để biết thêm thông tin chi tiết và nhận thêm sự tư vấn; giúp đỡ của luật sư X hãy liên hệ: 0833 102 102
Câu hỏi liên quan
Jus cogens xuất hiện lần đầu trong Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế nằm 1969. Điều 53 Công ước quy định “quy phạm mệnh lệnh bắt buộc chung là quy phạm được chấp nhận và công nhận bởi toàn thể cộng đồng quốc tế của các quốc gia như một quy phạm mà không cho phép bất kỳ quy định trái ngược; và chỉ có thể thay đổi bằng một quy phạm sau đó của luật pháp quốc tế chung có tính chất tương tự.”
Lãnh Sự Quán là cơ quan ngoại giao của một nước được đặt ở thành phố của một nước khác, phụ trách một vùng nào đó. Đây là nơi làm việc của Tổng Lãnh sự và các nhân viên ngoại giao. Cơ quan này được thiết lập sau Đại Sứ Quán; do các yếu tố khác như khối lượng công việc; yếu tố địa lý…
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP; thì hợp pháp hoá lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu; chữ ký; chức danh trên giấy tờ; tài liệu của nước ngoài; để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.