Khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất, giải tòa nhà ở vào bất cứ mục đích nào (theo chính sách quy hoạch nhà đất, sử dụng xây công trình công cộng, phục vụ cho quốc phòng – an ninh,…), người dân đều sẽ được Nhà nước bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng hoặc giao đất ở tái định cư hoặc nhà ở tái định cư theo quy định của pháp luật. Vậy, trong những trường hợp cụ thể nào thì người dân sẽ được bồi thường bằng đất tái định cư? Quy định của pháp luật về các trường hợp được cấp đất tái định cư này như thế nào? Hãy cùng Luật sư X tìm hiểu về vấn đề này nhé.
Quy định về cấp đất tái định cư
Bồi thường về đất trong trường hợp bị thu hồi đất, cụ thể về cấp đất tái định cư là một vấn đề pháp lý phức tạp mà mỗi người dân cần phải hết sức chú ý khi nơi ở của mình có thể thuộc diện bị thu hồi đất trong tương lai để thực hiện theo chính sách đã được xét duyệt của Nhà nước. Tuy nhiên, khái niệm cấp đất tái định cư lại chưa được quy định cụ thể trong bất cứ văn bản pháp luật hiện hành nào. Một số văn bản pháp luật có đề cập đến thuật ngữ liên quan đến tái định cư bạn đọc có thể tham khảo như sau:
Theo Khoản 6 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014, nhà ở để phục vụ tái định cư là nhà ở để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, bị giải tỏa nhà ở theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, khái niệm này được quy định cụ thể theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2013/NĐ-CP là một loại nhà ở được đầu tư xây dựng hoặc mua phục vụ nhu cầu tái định cư của các hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng công trình sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khoản 4 Điều 3 Nghị định 84/2013/NĐ-CP quy định “Hộ gia đình, cá nhân tái định cư” là hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng công trình sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đối tượng này được mua hoặc thuê nhà ở tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định của Nghị định này.
Như vậy, có thể đưa ra định nghĩa chung nhất về cấp đất tái định cư là việc Nhà nước bố trí đất cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện được tái định cư khi thực hiện việc thu hồi đất để thực hiện các dự án xây dựng công trình sử dụng cho mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các trường hợp được cấp đất tái định cư theo Luật Đất đai
Đất tái định cư là đất Nhà nước có trách nhiệm bố trí như một hình thức bồi thường cho hộ gia đình, cá nhân hỗ trợ họ ổn định cuộc sống sau khi thực hiện thu hồi đất theo kế hoạch của Nhà nước. Thông thường, đất tái định cư là đất thổ cư, do đó chủ sở hữu được hưởng đầy đủ quyền sử dụng đất hợp pháp như mọi loại đất thông thường. Vậy, việc cấp đất tái định cư được lựa chọn bồi thường trong những trường hợp nào theo quy định hiện hành của pháp luật? Theo quy định tại Điều 79 Luật Đất đai 2013, Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, người dân được cấp đất tái định cư trong 04 trường hợp sau:
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư khi đáp ứng đủ 02 điều kiện:
+ Bị thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi.
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.
– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất trong hành lang an toàn thì được bố trí tái định cư; được bồi thường chi phí di chuyển, và được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất.
– Hộ gia đình, cá nhân trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người bị thu hồi đất mà không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở.
Quy định về việc bồi thường về đất tái định cư
Sau khi đã xác định được các trường hợp cụ thể người dân sẽ được Nhà nước bố trí đất tái định cư như một hình thức hỗ trợ ổn định cuộc sống khi thực hiện việc thu hồi đất, vậy người dân làm thế nào để có thể nhận được phần đất tái định cư của mình và nhận được phần đất hoặc nhà ở theo những quy định như thế nào? Cụ thể, theo Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 79 Luật Đất đai 2013, việc bồi thường về đất tái định cư được thực hiện như sau:
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc bồi thường về đất được thực hiện như sau:
+ Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư;
+ Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
– Trường hợp trong hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.
– Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP mà không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tái định cư thì được Nhà nước bồi thường bằng tiền.
– Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở thuộc trường hợp phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở; giá đất ở tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
– Trường hợp trong thửa đất ở thu hồi còn diện tích đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở thì hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi được chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất đó sang đất ở trong hạn mức giao đất ở tại địa phương, nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và việc chuyển mục đích sang đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
– Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 Luật Đất đai năm 2013 thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:
+Trường hợp thu hồi một phần diện tích đất của dự án mà phần còn lại vẫn đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án thì được bồi thường bằng tiền đối với phần diện tích đất thu hồi;
+ Trường hợp thu hồi toàn bộ diện tích đất hoặc thu hồi một phần diện tích đất của dự án mà phần còn lại không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án thì được bồi thường bằng đất để thực hiện dự án hoặc bồi thường bằng tiền;
+ Đối với dự án đã đưa vào kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường bằng tiền.
Mời bạn xem thêm:
- Thủ tục kiện tranh chấp đất đai 2023 thế nào?
- Các loại tranh chấp đất đai hiện nay gồm những loại nào?
- Quy định về xây dựng khu tái định cư như thế nào?
Thông tin liên hệ:
Luật sư X đã cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề “Các trường hợp được cấp đất tái định cư”. Ngoài ra, chúng tôi có hỗ trợ dịch vụ pháp lý khác liên quan. Hãy nhấc máy lên và gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833102102 để được đội ngũ Luật sư, luật gia giàu kinh nghiệm tư vấn, hỗ trợ, đưa ra giải đáp cho quý khách hàng.
Câu hỏi thường gặp:
Trường hợp đất tái định cư đã được cấp sổ đỏ, chủ sở hữu sẽ có đầy đủ các quyền sử dụng, mua bán mảnh đất đó như các mảnh đất thông thường.
Với trường hợp đất tái định cư chưa được cấp sổ đỏ, việc giao dịch lúc này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì theo quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013, điều kiện bắt buộc để được chuyển quyền sử dụng đất là có sổ đỏ. Vì thế, bên mua và bên bán sử dụng hợp đồng ủy quyền để giao dịch, nghĩa là bên mua có toàn quyền sử dụng, chuyển nhượng, cho thuê, tặng với mảnh đất đó.
Tách sổ đỏ đất tái định cư là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau thủ tục thế chấp, góp vốn, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế,…
Về mặt pháp lý, đất tái định cư đã được cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và người sở hữu đất hợp pháp này hoàn toàn có các quyền như các loại đất khác. Do vậy, đất tái định cư có thể tách sổ đỏ nếu nó đảm bảo các điều kiện tách sổ đỏ theo quy định của pháp luật:
– Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu các tài sản gắn liền với mặt đất.
– Không có tranh chấp tại đất tái định cư.
– Không bị kê biên ở khu đất tái định cư để bảo đảm thi hành án.
– Đất tái định cư còn thời hạn sử dụng.
– Mảnh đất dự định tách đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất.
– Người sử dụng đất không vi phạm các quy định pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng đất tái định cư.
Đối với trường hợp đất tái định cư chưa có sổ đỏ có thể dùng các loại giấy tờ sau:
– Biên bản họp xét tái định cư cho các chủ sở hữu có đất bị thu hồi.
– Biên bản bốc thăm nền tái định cư
– Biên bản bàn giao nền tái định cư
– Quyết định về việc giao nền tái định cư