Trong bối cảnh hội nhập công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn cầu, các hoạt động gia công hàng hóa cũng ngày càng được mở rộng, phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ các hoạt động gia công cần ít yếu tố công nghệ như các hàng hóa tiêu dùng (quần áo, giày dép,…) đến các hoạt động gia công bắt buộc phải có các yếu tố công nghệ cao (điện tử, điện lạnh, ô tô,…). Do đó, để tránh các tranh chấp phát sinh, hợp đồng gia công được hình thành để điều chỉnh những vấn dề pháp lý liên quan đến hoạt động gia công hàng hóa. Hiện nay, các quy định về hợp đồng gia công hàng hóa được đề cập đến trong Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật thương mại năm 2005.
Quy định về hợp đồng gia công hàng hóa
Hoạt động gia công hàng hóa đang ngày càng phổ biến trong đời sống thường ngày mà mỗi người đều cần phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản cần thiết. Trước khi đi vào các nội dung pháp lý trực tiếp, ta cần phải tìm hiểu khái quát về hoạt động gia công hàng hóa cũng như về hợp đồng gia công hàng hóa. Vậy, thế nào được coi là gia công hàng hóa và thế nào là một hợp đồng gia công hàng hóa? Mục này sẽ giải đáp các vấn đề cơ bản này để người đọc có những kiến thức khái quát về những vấn đề trên.
Theo Điều 178 Luật Thương mại năm 2005, hoạt động gia công hàng hóa được định nghĩa như sau: “Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao.”
Theo Điều 542 Bộ luật dân sự năm 2015, hợp đồng gia công được định nghĩa là: “Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.”
Như vậy, hợp đồng gia công hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao, còn bên đặt gia công sẽ nhận được hàng hóa đúng như theo yêu cầu của mình và trả tiền công cho bên nhận gia công. Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gia công thế nào?
Hợp đồng gia công hàng hóa thuộc loại hợp đồng song vụ, do đó cả hai bên trong hợp đồng gia công (bên đặt gia công, bên nhận gia công) đều có các quyền đươc hưởng cũng như các nghĩa vụ phải thực hiện để đi đến thống nhất thỏa thuận được các nội dung pháp lý có liên quan trong hợp đồng. Việc quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với cả hai bên trong hợp đồng còn tránh các rủi ro có thể xảy ra dẫn đến tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vậy, cụ thể các quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công và bên nhận gia công được quy định tại Bộ luật dân sự và Luật Thương mại như sau:
- Đối với bên đặt gia công
Bên đặt gia công có một số các quyền như sau:
– Nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
– Bán, tiêu huỷ, tặng biếu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo thoả thuận và phù hợp với quy định của pháp luật.
– Cử người đại diện để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công, cử chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công.
– Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý. Bên đặt gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải trả tiền công tương ứng với công việc đã làm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bên cạnh các quyền, bên đặt gia công có các nghĩa vụ như sau đối với hợp đồng:
– Giao một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu gia công theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công theo hợp đồng gia công hoặc giao tiền để mua vật liệu theo số lượng, chất lượng và mức giá thoả thuận, cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.
– Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.
– Trả tiền công theo đúng thỏa thuận.
– Chịu trách nhiệm đối với tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của hàng hoá gia công, nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công.
2. Đối với bên nhận gia công
Bên nhận gia công có một số các quyền như sau:
– Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
– Từ chối sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công.
– Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận.
– Nhận thù lao gia công và các chi phí hợp lý khác.
– Đối với trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tạm nhập khẩu theo định mức để thực hiện hợp đồng gia công theo quy định của pháp luật về thuế.
Bên cạnh các quyền, bên nhận gia công có các nghĩa vụ như sau:
– Cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu để gia công theo thỏa thuận với bên đặt gia công về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và giá.
– Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công.
– Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động gia công hàng hoá trong trường hợp hàng hoá gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
Nội dung yêu cầu trong hợp đồng gia công hàng hóa
Pháp luật quy định các bên trong hợp đồng được tự do, tự nguyện thỏa thuận các nội dung phù hợp trong hợp đồng, miễn là thỏa thuận này không trái về mặt đạo đức cũng như trái với quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong hợp đồng bắt buộc phải có một số những nội dung cơ bản nhất định theo quy định của pháp luật để bảo đảm tính pháp lý của hợp đồng trong quá trình phát sinh hiệu lực trên thực tế. Bên cạnh đó, quy định cụ thể các nội dung này còn tránh việc xảy ra tranh chấp sau này.
Hợp đồng gia công hàng hóa bắt buộc cần phải có những nội dung cơ bản như sau:
- Thông tin của bên đặt gia công và bên nhận gia công hàng hóa:
- Đối tượng của hợp đồng gia công hàng hóa
- Trả tiền công và phương thức trả tiền công được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng.
- Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công
- Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng gia công hàng hóa
Về thông tin của bên đặt gia công và bên nhận gia công hàng hóa: một số thông tin cần thiết của các bên trong hợp đồng cần phải có gồm tên công ty, địa chỉ trụ sở công ty, tên công ty, tên người đại diện theo pháp luật của công ty, các phương thức liên hệ, tài khoản thanh toán của công ty,…
Về đối tượng của hợp đồng gia công hàng hóa: là việc thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm mới. Sản phẩm mới này được gọi là hàng hóa gia công. Cụ thể, hợp đồng gia công cần phải quy định rõ về đối tượng là số lượng, kích thước, loại hàng hóa,… đúng theo như yêu cầu của bên đặt gia công. Theo quy định của pháp luật, tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh. Trường hợp thực hiện gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài thì hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu có thể được gia công nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Những vấn đề có liên quan đến gia công hàng hóa có yếu tố nước ngoài được quy định cụ thể trong Nghị định 69/2018/NĐ-CP,
Về việc trả tiền công và phương thức trả tiền công trong hợp đồng: Bên đặt gia công phải trả đủ thù lao vào thời điểm nhận sản phẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên nhận gia công có thể nhận thù lao gia công bằng tiền hoặc bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công. Trường hợp hai bên không có thỏa thuận về mức thù lao thì áp dụng mức tiền công trung bình đối với việc tạo ra sản phẩm cùng loại tại địa điểm gia công và vào thời điểm trả thù lao. Bên đặt gia công không có quyền giảm mức thù lao, nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà mình đã cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của mình. Hai bên có thể tự do thỏa thuận về phương thức trả thù lao có thể là chuyển khoản hoặc trả trực tiếp. Đối với trường hợp gia công hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, nếu bên nhận gia công nhận thù lao gia công bằng sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị dùng để gia công thì phải tuân thủ các quy định về nhập khẩu đối với sản phẩm, máy móc, thiết bị đó.
Về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng: hợp đồng phải quy định rõ về các quyền và nghĩa vụ mà cả hai bên phải thực hiện để có thể đạt được thỏa thuận và tránh các rủi ro dẫn đến xảy ra tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bởi việc không có quy định rõ từ trước đối với từng bên.
Về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng gia công hàng hóa: các bên trong hợp đồng đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công, nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý. Bên đặt gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải trả tiền công tương ứng với công việc đã làm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên nhận gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì không được trả tiền công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.
Trách nhiệm chịu rủi ro khi thực hiện gia công hàng hóa
Gia công hàng hóa là một chuỗi hành động từ việc nhập các nguyên vật liệu cần thiết cho tới quá trình vận chuyển, đóng gói,… để hoàn thiện một sản phẩm hoàn chỉnh. Hàng hóa trong các công đoạn trong chuỗi hành động này đều xảy ra ở các dạng khác nhau và có thể ở các vị trí khác nhau nhất định để phục vụ cho quá trình gia công. Việc vận chuyển và tác động tới nguyên vật liệu do đó có thể xảy đến các rủi ro trong quá trình gia công và ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm cuối cùng mà rất khó để có thể xác định bên phải chịu trách nhiệm. Do đó, pháp luật đã có một số quy định làm cơ sở để phân định trách nhiệm chịu rủi ro trong gia công hàng hóa như sau:
– Cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.
– Trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.
Như vậy, trong trường hợp không có thỏa thuận khác, trong suốt quá trình đặt gia công trước khi giao sản phẩm đến cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu nguyên vật liệu thì sẽ phải chịu rủi ro tương ứng với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó. Bên nhận gia công chịu rủi ro đối với các chi phí phát sinh từ việc chậm nhận hàng hóa trong thời gian chậm nhận, không kể đến nguồn gốc nguyên vật liệu tạo ra sản phẩm thuộc sở hữu của bên nào trong hợp đồng, trừ khi có thỏa thuận khác.
Thông tin liên hệ
Trên đây là nội dung liên quan đến vấn đề “Quy định về hợp đồng gia công hàng hóa“. Nếu quý khách hàng đang có bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc đến dịch vụ pháp lý liên quan đến vấn đề quy định về hợp đồng gia công hàng hóa cần được giải đáp, các Luật sư, luật gia chuyên môn sẽ tư vấn, giúp đỡ tận tình, hãy gọi cho chúng tôi qua số hotline 0833102102 để được tư vấn nhanh chóng, hiệu quả.
Bài viết có liên quan:
Câu hỏi thường gặp:
Thanh khoản hợp đồng gia công là quá trình thanh lý hợp đồng giữa bên đặt gia công và bên nhận gia công sau khi bên nhận gia công đã hoàn thành nghĩa vụ của mình và bên đặt gia công thực hiện việc thanh toán thù lao để kết thúc hợp đồng gia công đối với bên nhận gia công theo đúng như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Thủ tục thanh khoản hợp đồng gia công được quy định cụ thể trong Điều 44 Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:
1. Trước khi thực hiện hợp đồng gia công, tổ chức, cá nhân thông báo hợp đồng gia công với cơ quan Hải quan. Khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực, các bên ký kết hợp đồng gia công phải thanh lý hợp đồng và thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, sản phẩm xuất khẩu định kỳ với cơ quan Hải quan. Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thông báo hợp đồng gia công và quyết toán hoạt động gia công với cơ quan hải quan.
2. Căn cứ để thanh lý hợp đồng gia công là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, định mức tiêu hao vật tư và tỷ lệ hao hụt đã được thỏa thuận tại hợp đồng gia công. Căn cứ để thanh khoản hợp đồng gia công là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tái xuất, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, định mức tiêu hao vật tư và tỷ lệ hao hụt phù hợp với thực tế thực hiện hợp đồng.
3. Máy móc, thiết bị thuê, mượn theo hợp đồng; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu, phế thải được xử lý theo thỏa thuận của hợp đồng gia công nhưng phải phù hợp với luật pháp Việt Nam.
4. Việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên – Môi trường và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hợp không được phép hủy tại Việt Nam thì phải tái xuất theo chỉ định của bên đặt gia công.
5. Việc tặng máy móc thiết bị, nguyên, phụ liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm được quy định như sau:
a) Bên đặt gia công phải có văn bản tặng, biếu.
b) Bên được tặng, biếu phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định về nhập khẩu; phải nộp thuế nhập khẩu, thuế khác (nếu có) và đăng ký tài sản theo quy định hiện hành.
c) Phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức sử dụng, tỷ lệ hao hụt nếu thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu thì không phải làm thủ tục hải quan; được miễn thuế nhập khẩu; phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Một số hình thức có thể áp dụng như sau:
– Bán tại thị trường Việt Nam
– Xuất khẩu ra nước ngoài
– Chuyển sang phục vụ hợp đồng gia công khác tại Việt Nam
– Biếu, tặng tại Việt Nam
– Tiêu hủy tại Việt Nam