Cá nhân, tổ chức được Nhà nước cấp quyền làm giám hộ khi đáp ứng các điều kiện nhất định đảm bảo việc chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Vậy đối tượng nào được giám hộ và thủ tục làm giám hộ được thực hiện như thế nào? Xin mời quý đọc giả cùng Luật sư X theo dõi ngay bài viết bên dưới để tìm hiểu về căn cứ xác định làm giám hộ đáp ứng điều kiện gì? Giải đáp vấn đề trường hợp đối tượng nào được giám hộ? Và hướng dẫn thực hiện thủ tục làm giám hộ theo luật định năm 2023. Hy vọng bài viết hữu ích với quý đọc giả!
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật Hộ tịch 2014
- Quyết định 1872/QĐ-BTP
- Thông tư 04/2020/TT-BTP
Thế nào là người giám hộ?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật dân sự 2015 thì giám hộ là cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
Giám hộ là chế định nhằm khắc phục tình trạng của người có năng lực pháp luật dân sự nhưng không thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình hay nói cách khác thì họ không có khả năng hoặc có sự hạn chế trong thực hiện năng lực hành vi dân sự của mình.
Người giám hộ sẽ là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ trong mối quan hệ với Nhà nước và trong hầu hết các giao dịch, trừ các giao dịch đơn giản nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người được giám hộ. Người giám hộ theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015 có thể là cá nhân (cha, mẹ, con đã thành niên, anh, chị em, ông, bà và những người thân thích khác) hoặc cũng có thể là pháp nhân (gồm các tổ chức xã hội, từ thiện hay cơ quan Nhà nước).
Ngoài ra, theo quy định pháp luật, cụ thể là Điều 52, 53, 54 Bộ luật Dân sự 2015 có hai hình thức giám hộ là:
– Giám hộ đương nhiên: là hình thức giám hộ mà người giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân bao gồm cha, mẹ, con đã thành niên, anh, chị em, ông, bà và những người thân thích khác.
– Giám hộ được cử: là hình thức cử người giám hộ theo trình tự do pháp luật quy định trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên. Cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể trở thành người giám hộ được cử.
Điều kiện làm người giám hộ
Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ
Đối với cá nhân khi trở thành người giám hộ cần phải đáp ứng những điều kiện được quy định tại Điều 49 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể như sau:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
– Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
– Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Điều kiện của pháp nhân làm người giám hộ
Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Dân sự 2015, pháp nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
– Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.
– Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Làm người giám hộ cho những đối tượng nào?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015 thì người được giám hộ là:
– Người chưa thành niên (theo quy định tại Khoản 1, Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 là người chưa đủ 18 tuổi) không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con (là những trường hợp bắt buộc phải có người giám hộ) hoặc được giám hộ theo yêu cầu của cha mẹ do cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó.
– Ngoài ra người mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cần phải có sự trợ giúp từ người khác để thực hiện các quyền hợp pháp của mình cũng là những đối tượng bắt buộc cần có người giám hộ.
Theo Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 thì một người được coi là mất hành vi dân sự khi bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành và Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015 thì được hiểu là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình, được Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Cũng theo quy định của pháp luật, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được hiểu là người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự và trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Những đối tượng nêu trên thì đều cần có người giám hộ theo quy định của pháp luật bởi vì khi tham gia giao dịch dân sự, họ không thể tự mình mà phải thông qua người khác để thực hiện các quyền và nghĩa vụ cũng như không thể tự mình bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng phát sinh từ các quan hệ pháp luật dân sự. Nhận thức được sự quan trọng trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của các chủ thể đồng thời để bảo vệ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các quan hệ dân sự mà quy định về giám hộ đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự 2015 để áp dụng vào những trường hợp trong thực tế.
Về nguyên tắc một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người. Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu được quy định tại Khoản 2 Điều 47 Bộ luật Dân sự.
Thực hiện thủ tục làm giám hộ theo luật định năm 2023
Thực hiện thủ tục làm giám hộ theo luật định năm 2023
Theo Điều 20, 21 Luật Hộ tịch 2014 và Quyết định 1872/QĐ-BTP ngày 04/9/2020, thủ tục đăng ký giám hộ được quy định như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
– Tờ khai đăng ký giám hộ (Mẫu tại Phụ lục 5 Thông tư 04/2020/TT-BTP);
– Văn bản cử người giám hộ (đối với giám hộ cử) hoặc giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên (đối với giám hộ đương nhiên).
Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên;
– Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền đăng ký giám hộ.
– Người thực hiện thủ tục đăng ký giám hộ phải xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký giám hộ. Ngoài ra, xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký giám hộ.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hồ sơ được nộp tại UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ
– Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ hồ sơ, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình; đối chiếu thông tin trong Tờ khai với giấy tờ trong hồ sơ.
– Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.
– Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu thấy yêu cầu đăng ký giám hộ đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã.
Trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký giám hộ, hướng dẫn người yêu cầu đăng ký hộ tịch kiểm tra nội dung Trích lục đăng ký giám hộ và Sổ đăng ký giám hộ, cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ. Chủ tịch UBND cấp xã cấp Trích lục đăng ký giám hộ cho người yêu cầu.
Lưu ý:
– Người có yêu cầu đăng ký giám hộ trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc đăng ký giám hộ;
– Người thực hiện việc đăng ký giám hộ có thể trực tiếp nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi đăng ký online;
– Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc.
Mời các bạn xem thêm bài viết
- Quy định 2023 mức phạt khi xây dựng trái phép trên đất quy hoạch
- Chuyển công việc khác có mức lương thấp hơn được không?
- Hồ sơ đi nước ngoài gồm những gì?
Thông tin liên hệ
Vấn đề“Thực hiện thủ tục làm giám hộ theo luật định năm 2023” đã được chúng tôi cung cấp qua thông tin bài viết trên. Luật sư X luôn có sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên viên tư vấn pháp lý, quý khách hàng có vướng mắc hoặc nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý liên quan như là thành lập công ty Bắc Giang, vui lòng liên hệ đến hotline 0833.102.102 Chúng tôi sẽ giải quyết các khúc mắc của khách hàng, làm các dịch vụ một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện.
- FB: www.facebook.com/luatsux
- Tiktok: https://www.tiktok.com/@luatsux
- Youtube: https://www.youtube.com/Luatsux
Câu hỏi thường gặp
Người giám hộ có quyền quản lý tài sản của người được giám hộ, thay mặt người được giám hộ thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 59 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể như sau:
– Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
– Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi các quyền nêu trên.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì cá nhân yêu cầu đăng ký sự kiện hộ tịch, yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch phải nộp lệ phí theo quy định.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch 2014 có quy định miễn lệ phí đăng ký hộ tịch trong những trường hợp sau:
– Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;
– Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.
Mặt khác Điểm c Khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC cũng tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương mà quy định mức thu lệ phí hộ tịch cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc miễn lệ phí hộ tịch trong những trường hợp sau:
+ Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.
+ Đăng ký khai sinh đúng hạn, khai tử đúng hạn; đăng ký giám hộ, chấm dứt giám hộ; đăng ký kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước, thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã; đăng ký khai sinh đúng hạn, khai tử đúng hạn, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới.
==> Căn cứ các quy định được trích dẫn trên đây thì trường hợp cá nhân có yêu cầu đăng ký giám hộ theo quy định về đăng ký hộ tịch thì được miễn lệ phí đăng ký giám hộ theo quy định.
Theo Điều 62 Bộ luật dân sự 2015 thì:
Điều 62. Chấm dứt việc giám hộ
1. Việc giám hộ chấm dứt trong trường hợp sau đây:
a) Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Người được giám hộ chết;
c) Cha, mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
d) Người được giám hộ được nhận làm con nuôi.
Thứ nhất, người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Bản chất của giám hộ là để trợ giúp pháp lý đối với các cá nhân có năng lực hành vi dân sự không đầy đủ để các cá nhân này được chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Do đó, khi cá nhân được giám hộ đã đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tự chăm sóc được bản thân và tự mình tham gia vào mọi giao dịch dân sự thì không cần thiết phải có người giám hộ.
Thứ hai, người được giám hộ chết. Trong trường hợp này, không còn chủ thể cần chăm sóc, bảo vệ và mọi quan hệ liên quan đến chủ thể chấm dứt năng lực chủ thể nên đương nhiên quan hệ giám hộ kết thúc.
Thứ ba, cha, mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Đây là trường hợp liên quan đến người được giám hộ là người chưa thành niên có cha, mẹ đều bị tước quyền cha, mẹ đối với con hoặc không đủ điều kiện chăm sóc con và yêu cầu có người giám hộ cho con. Do đó, khi cha, mẹ của đứa trẻ đã không còn thuộc trường hợp không thể chăm sóc, bảo vệ cho con thì người con đương nhiên không cần người giám hộ và quan hệ giám hộ cũng chấm dứt.
Thứ tư, người được giám hộ được nhận làm nuôi. Trong trường hợp này, người giám hộ đã có bố mẹ nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng và không còn thuộc trường hợp người chưa thành niên cần người giám hộ. Do đó, quan hệ giám hộ chấm dứt.